Dại là bệnh do nhiễm virus cấp tính ở hệ thống thần kinh trung ương, lây từ động vật sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt chứa virus dại.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Lê Minh Lan Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM).
Tác nhân gây bệnh
Tác nhân gây bệnh là virus dại (Rhabdovirus) thuộc họ Rhabdoviridae, giống Lyssavirus.
Nguồn truyền bệnh
– Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên:
+ Động vật có vú máu nóng, nhất là chó hoang dã như chó sói đồng (Coyotes), chó sói (Wolves), chó rừng (Jackals) và chó nhà (Candae).
+ Ngoài ra, mèo, chồn, cầy và những động vật có vú khác cũng có thể chứa virus dại.
– Nguồn truyền bệnh dại:
+ Động vật có vú hoang dã.
+ Động vật sống gần người, nhiều nhất là chó, sau đó là mèo.
+ Về mặt lý thuyết, sự lây truyền từ người bệnh sang người lành có thể xảy ra khi nước dãi của người bị bệnh có chứa virus dại. Thực tế, chưa có tài liệu nào ghi nhận nguồn lây như vậy, trừ trường hợp cấy ghép giác mạc của người chết vì bệnh dại sang người được ghép.
Phương thức lây truyền
– Qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách (hoặc qua màng niêm mạc còn nguyên vẹn) vào cơ thể.
– Từ đó, theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương.
– Khi đến thần kinh trung ương, virus sinh sản rất nhanh rồi lại theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt.
– Tại thời điểm này, thần kinh chưa bị tổn thương đáng kể nên nhìn bề ngoài con vật vẫn bình thường nhưng nước bọt đã có virus dại.
– Sau đó, virus dại hủy hoại dần các tế bào thần kinh, làm xuất hiện triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh dại.
– Từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại.
– Hầu hết trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung.
Diễn tiến bệnh
– Thời kỳ ủ bệnh:
+ Ở người 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên một năm hoặc hai năm.
+ Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ.
+ Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn.
– Giai đoạn tiền triệu chứng:
+ Thường 1-4 ngày.
+ Biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi virus xâm nhập.
– Giai đoạn viêm não:
+ Biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ.
+ Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp.
+ Đôi khi biểu hiện xuất tinh tự nhiên.
– Bệnh kéo dài 2- 6 ngày, đôi khi lâu hơn, bệnh nhân chết do liệt cơ hô hấp.
– Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.
Chẩn đoán
– Chẩn đoán bệnh dựa vào các triệu chứng lâm sàng, đặc biệt là chứng sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng với các yếu tố dịch tễ học có liên quan.
– Chẩn đoán xác định:
+ Bằng xét nghiệm kháng thể miễn dịch huỳnh quang trực tiếp (IFA) từ mô não hoặc phân lập virus trên chuột hay trên hệ thống nuôi cấy tế bào.
+ Có thể dựa vào kết quả xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang của các mảnh cắt da đã làm đông lạnh lấy từ tóc ở gáy bệnh nhân, hoặc chẩn đoán huyết thanh bằng phản ứng trung hòa trên chuột hay trên nuôi cấy tế bào.
+ Có thể phát hiện được ARN của virus dại bằng phản ứng PCR hoặc phản ứng RT-PCR.
Các biện pháp phòng, chống
Những người bị chó, mèo cắn phải thực hiện nghiêm ngặt nội dung sau:
– Xử lý vết thương:
+ Rửa ngay thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng đặc.
+ Sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn, cồn iốt để làm giảm lượng virus tại vết cắn.
+ Chỉ khâu vết thương trong trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày.
+ Tiêm vaccine uốn ván và điều trị chống nhiễm khuẩn nếu cần.
– Bảo vệ bằng miễn dịch đặc hiệu:
+ Tiêm vaccine dại tế bào hoặc dùng cả vaccine và huyết thanh kháng dại (HTKD) để điều trị dự phòng tùy theo tình trạng súc vật, tình trạng vết cắn, tình hình bệnh dại ở súc vật trong vùng.
+ Không được lạm dụng trong sử dụng vaccine và HTKD.
+ Bệnh nhân bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc cần khám càng sớm càng tốt để có chỉ định điều trị dự phòng bằng vaccine dại hoặc HTKD.
+ Tiêm vaccine sớm trong 72 giờ đầu sau khi bị động vật cắn.
+ Hiệu quả điều trị dự phòng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại vaccine, kỹ thuật tiêm, bảo quản sinh phẩm, đáp ứng miễn dịch của người bệnh.
Mỹ Ý