Phụ nữ bị cường giáp có thể bị rối loạn kinh nguyệt, giảm khả năng sinh sản, thậm chí phải điều trị vô sinh.
Chức năng tuyến giáp liên kết với các hormone liên quan đến khả năng sinh sản như estrogen, progesterone và testosterone. Hormone tuyến giáp rất cần thiết cho hoạt động bình thường của hệ thống sinh sản nữ vì chúng điều chỉnh sự phát triển và chuyển hóa của các mô nhau thai, tử cung và buồng trứng.
Tuyến giáp hoạt động quá mức được gọi là cường giáp, có thể gây sẩy thai sớm; giảm khả năng sinh sản; sinh non; tiền sản giật; buồng trứng không giải phóng trứng trong thời kỳ kinh nguyệt; thiểu năng trí tuệ ở trẻ em… hay kinh nguyệt không đều. Các nghiên cứu chỉ ra 65% người bị cường giáp gặp vấn đề với chu kỳ kinh nguyệt và 22% bị rối loạn kinh. Điều này là do cường giáp khiến gan sản xuất nhiều protein globulin gắn với hormone giới tính (SHBG) hơn. Mức SBHG tăng lên dẫn đến kinh nguyệt không đều và vô sinh. Cường giáp cũng làm tăng sản xuất hormone prolactin, ngăn buồng trứng giải phóng trứng, cản trở quá trình thụ tinh.
Chứng rối loạn này khiến việc thụ thai trở nên khó khăn và cơ hội mang thai thấp hơn. Một số phụ nữ bị cường giáp gặp tình trạng vô sinh nguyên phát, nghĩa là họ không thể thụ thai trong lần đầu tiên; số ít bị vô sinh thứ phát, tức không thể thụ thai sau khi đã sinh con ít nhất một lần trước đó.
Các triệu chứng của cường giáp bao gồm: kinh nguyệt không đều; bệnh tiêu chảy; nhịp tim nhanh, không đều; giảm cân; yếu cơ; khó chịu hoặc hồi hộp; khó ngủ, mệt mỏi hoặc đổ mồ hôi… Người có các triệu chứng cường giáp nên liên hệ với bác sĩ, vì tình trạng này không được điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.
Để chẩn đoán cường giáp, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm, siêu âm tuyến giáp. Để chẩn đoán vô sinh ở nữ giới bị cường giáp, bác sĩ cần phết tế bào cổ tử cung; xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone… Để giải quyết vô sinh liên quan đến cường giáp, bệnh nhân cần điều trị bệnh lý này.
Phẫu thuật là một lựa chọn điều trị. Bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần tuyến giáp, giúp nồng độ hormone tuyến giáp trở lại mức bình thường. Ngoài ra, cường giáp cũng có thể điều trị bằng i-ốt phóng xạ. Tuy nhiên, liệu pháp này góp phần làm chậm mang thai, chu kỳ kinh nguyệt không đều và mãn kinh sớm. Do đó, bác sĩ sẽ khuyên người bệnh nên tránh mang thai trong 6-12 tháng tránh nguy cơ phóng xạ ảnh hưởng đến trứng.
Hầu hết trường hợp bị vô sinh do mắc cường giáp đều có khả năng điều trị thành công. Để ngăn ngừa cường giáp, nữ giới nên ngừng hút thuốc; uống ít rượu; tránh tiêu thụ iốt trong một số loại thực phẩm (như rong biển, chất bổ sung và thuốc, bao gồm cả siro ho, có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh cường giáp); tích cực tập thể dục, giữ lối sống lành mạnh cũng như hạn chế căng thẳng.
Hải My (Theo Medical News Today)