Trong công xưởng bụi bặm, một nhóm người Ukraine sản xuất pháo không thể khai hỏa, radar không có khả năng phát hiện bất kỳ thứ gì và tên lửa không có chất nổ.
Vũ khí được chế tạo thực chất là những mô hình mồi nhử nhằm thu hút hỏa lực và làm tiêu hao đạn dược của quân đội Nga, đánh lạc hướng khỏi những nơi Ukraine triển khai khí tài thật. Vị trí của công xưởng không được tiết lộ.
Trong hơn một năm, kỹ năng của nhóm chế tạo ngày càng được cải thiện. Với nhựa, gỗ phế liệu, xốp và kim loại, họ có thể tạo ra bản sao của vũ khí thật, với hình dáng đủ để đánh lừa đối thủ quan sát bằng hình ảnh do máy bay không người lái (UAV) ghi lại.
Tại công xưởng này, thành công của họ dựa vào việc những món khí tài giả bị phá hủy nhanh đến mức nào. “Khi quân đội đến đây và nói đã dùng hết số mồi nhử, điều đó có nghĩa là chúng tôi đã thành công”, một người nói.
Một chiếc tủ tại xưởng trưng bày “chiến lợi phẩm”, bao gồm động cơ và các mảnh vỡ của UAV tự sát đã bị dụ tấn công thiết bị giả.
Với nhân viên ở đây, việc Nga tấn công một khí tài mồi nhử khiến Moskva tổn thất nguồn lực, cũng đồng nghĩa với việc bớt đi một đợt tấn công vào vị trí vũ khí thật của Ukraine.
“Những thứ này có thể cứu mạng người của chúng tôi, những người bạn đang chiến đấu. Chúng tôi được quân đội chia sẻ hình ảnh và tàn tích của các cuộc tấn công vào mồi nhử, làm bằng chứng cho thấy chúng tôi đã làm tốt công việc”, một công nhân nói.
Mọi người ở xưởng chế tạo này đều là nhân viên được biệt phái vô thời hạn của công ty thép Metinvest, đơn vị điều hành nhà máy thép Azovstal ở Mariupol. Một người phát ngôn cho biết cổ đông chính của Metinvest là tỷ phú giàu nhất Ukraine, Rinat Akhmetov, người ủng hộ kế hoạch tạo mồi nhử.
Ba nhà quản lý cấp cao của công ty đã nảy ra ý tưởng chế tạo vũ khí mồi nhử khi chiến sự nổ ra, thời điểm quân đội Ukraine bị áp đảo về vũ khí và dòng vũ khí nhận từ phương Tây chỉ mới ở bước đầu.
“Chúng tôi nghĩ rằng nếu quân đội Nga thấy nhiều khí tài, họ sẽ do dự và không dám tiến về phía trước hay pháo kích vào một khu vực. Những mồi nhử này là vũ khí tâm lý”, một quản lý cấp cao nói.
Nhóm chế tạo thường xuyên cập nhật “dây chuyền sản xuất” để cho ra những mô hình tương tự các khí tài mới, vừa được đưa vào kho vũ khí của Ukraine, cũng như có những sản phẩm chân thực hơn.
Một công nhân cho biết hoạt động chế tạo vào thời điểm đầu chiến sự đơn giản hơn, khi quân đội Nga tấn công vào vũ khí họ nhìn thấy được. Giờ đây, khi cả hai đều sử dụng khí tài mồi bẫy, binh lính sẽ trinh sát kỹ hơn để xác định có phải vũ khí thật hay không.
Nhóm sản xuất gần đây còn thiết kế để vũ khí giả có thể tỏa sức nóng giống vũ khí thật. Điều này giúp mô hình trở nên thuyết phục ngay cả khi quan sát vào ban đêm với kính ngắm ảnh nhiệt.
“Chúng tôi phải thích ứng với thực tế và luôn bổ sung những thứ mới mẻ. Chúng tôi đánh giá công việc theo cách này: Nếu không có gì xảy ra với các mẫu vũ khí mồi bẫy mới, nếu chúng không bị chọn làm mục tiêu, điều đó chứng minh chúng tôi đã có sai sót trong khâu thiết kế”, người công nhân nói.
Trong một bức thư được mã hóa mà quân đội Ukraine gửi đến xưởng có đơn đặt hàng 50 mô hình của một loại khí tài. Nhà thiết kế của Metinvest đã đồng ý và cả nhóm bắt tay vào công việc.
Ban đầu, họ sẽ tải loạt ảnh về vũ khí được yêu cầu. Sau đó nhóm sẽ tính toán sử dụng vật liệu giá rẻ nào nhìn vẫn chân thực dưới lớp sơn ngụy trang. Những vật dụng như ống nước, thùng gỗ bỏ đi hay thùng đựng dầu cũ đều được tận dụng.
Sau cùng, công nhân sẽ dựa trên bản thiết kế của vũ khí và tạo khuôn cho từng bộ phận một cách tỉ mỉ. Các vũ khí mô hình này sẽ được chuyển đi ở dạng từng lớp phẳng, sau đó được lắp ráp khi đến tiền tuyến. Binh sĩ chỉ mất khoảng 20 phút để lắp thành một khẩu pháo mô hình.
Các công nhân tại xưởng tin tưởng sáng tạo của mình vượt trội hơn so với mô hình vũ khí bơm hơi Ukraine từng dùng làm mồi bẫy trước đây. So với vũ khí bơm hơi, mồi bẫy bằng khung kim loại cũng giúp thuận tiện sửa chữa nếu bị hư hỏng một phần.
Một công nhân cho biết quân đội Ukraine nói rằng mồi bẫy bơm hơi gặp những vấn đề khi có gió hoặc dưới điều kiện thời tiết nhất định, nó có thể bị thổi bay và trông không giống thật.
Chiến thuật dùng mồi nhử đã tồn tại lâu đời xuyên suốt lịch sử xung đột. Xe tăng giả lần đầu được phe đồng minh triển khai và mang lại hiệu quả lớn trong Thế chiến II. Thời điểm đó, Mỹ cũng có một “sự đoàn đội quân ma”, khi sử dụng hiệu ứng âm thanh, sóng vô tuyến giả, cùng loạt ảo ảnh để mô phỏng những đợt chuyển quân lớn. Một số binh sĩ sau đó đã làm trong lĩnh vực điện ảnh và sân khấu.
“Chúng tôi đang mong chờ chiến thắng và không cần làm công việc này nữa”, một công nhân sản xuất mô hình nói.
Anh Hoàng (Theo Guardian)