Hành động chi tiền ém thông tin mối quan hệ với sao khiêu dâm Daniels khiến ông Trump thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố, xét xử và nguy cơ lĩnh án tù.
Ông Donald Trump ngày 15/4 đi vào lịch sử Mỹ, trở thành cựu tổng thống đầu tiên bị xét xử với cáo buộc chi tiền bịt miệng sao khiêu dâm Stormy Daniels, ém thông tin bất lợi khi tranh cử năm 2016. Đây là cáo buộc được đưa ra trong cuộc điều tra do công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg phụ trách.
Cựu tổng thống bị truy tố hồi tháng 3/2023. Cáo trạng công bố tháng 4 cùng năm liệt kê 34 tội danh làm giả hồ sơ kinh doanh đối với ông Trump. Mặc dù làm giả hồ sơ kinh doanh là tội nhẹ, nó bị coi là trọng tội cấp E nếu được thực hiện để che giấu tội khác. Cấp E là mức trọng tội thấp nhất ở New York, có thể bị phạt tới 4 năm tù.
Ông Trump đã bác cáo buộc. Ông giờ đây phải trình diện tòa hình sự Manhattan trong suốt quá trình xét xử, ít nhất dài 6 tuần, bào mòn quỹ thời gian tranh cử quý giá vì bê bối tình ái được cho là xảy ra năm 2006.
Daniels, tâm điểm trong cáo buộc của ông Trump, tên thật là Stephanie Clifford, sinh năm 1979 tại thành phố Baton Rouge, bang Louisiana. Daniels sống cùng mẹ kể từ lúc cha mẹ ly hôn năm cô 4 tuổi.
Theo Daniels, cô lần đầu gặp ông Trump năm 2006 trong giải golf từ thiện ở Hồ Tahoe giữa bang California và Nevada. Ông Trump khi đó là trùm bất động sản 60 tuổi, đã kết hôn với người vợ thứ ba Melania còn Daniels 27 tuổi. Daniels nói ông Trump đã mời cô tới phòng ăn tối, mặc pijama khi đón cô.
Daniels nói Trump còn hẹn gặp cô lần nữa tại khách sạn Beverly Hills ở Los Angeles, California tháng 7/2007 để bàn về việc sao khiêu dâm này có thể xuất hiện trong chương trình truyền hình thực tế Celebrity Apprentice mà ông là nhà sản xuất.
Tháng 6/2015, ông Trump tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ. Hai tháng sau, ông Trump gặp David Pecker, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành công ty truyền thông American Media Inc. (AMI) tại Tháp Trump ở New York. Pecker nhất trí làm “tai mắt” cho chiến dịch tranh cử của ông Trump bằng cách tìm kiếm, phát hiện các câu chuyện tiêu cực liên quan đến ông và tìm cách ém nhẹm thông tin hoặc xoay chuyển tình thế trước khi chúng được xuất bản.
Đây là lúc ông Trump bắt đầu kế hoạch “tóm và diệt”, thuật ngữ trong lĩnh vực truyền thông ở Mỹ, khi một tờ báo hay tạp chí ký thỏa thuận trả tiền cho ai đó để độc quyền khai thác một câu chuyện. Tuy nhiên, sau khi “tóm” được câu chuyện, họ quyết định không xuất bản, hay “diệt” nó, vì không muốn thông tin bất lợi đó được công khai.
Theo cáo trạng của Bragg, AMI đã hỗ trợ Trump chi tiền ém thông tin bất lợi, gồm chi 130.000 USD cho Daniels thông qua luật sư thân tín Michael Cohen, chi 30.000 USD cho nhân viên trực cửa Tháp Trump khi người này cáo buộc ông có con ngoài giá thú và chi 150.000 USD cho một phụ nữ tuyên bố từng có quan hệ với ông Trump, được cho là cựu người mẫu tạp chí Playboy Karen McDougal.
Khoản chi cho Daniels được ông Cohen ứng trước bằng tiền cá nhân. Ngày 28/10/2016, vài ngày trước khi cử tri Mỹ bỏ phiếu, phía Daniels ký thỏa thuận giữ kín thông tin và nhận 130.000 USD. Thỏa thuận do Cohen ký với Keith Davidson, luật sư đại diện của Daniels. Thỏa thuận có chỗ trống để ông Trump ký, nhưng cựu tổng thống chưa bao giờ đặt bút vào.
Tháng 1/2017, giám đốc tài chính của tập đoàn Trump Organization Allen Weisselberg nhất trí bồi hoàn cho ông Cohen 420.000 USD, gồm tiền trả cho Daniels, thưởng 60.000 USD, 180.000 USD bù đắp thuế và chi phí khác 50.000 USD.
Số tiền này được chia đều trong 12 tháng, mỗi tháng Cohen nhận 35.000 USD từ Trump Organization và được tập đoàn liệt kê thành chi phí pháp lý.
Năm 2018, tờ Wall Street Journal đưa tin về các khoản chi cho Daniels. Cohen nhấn mạnh đây là tiền của cá nhân ông và không nhận chỉ đạo từ Trump. Giới chức Mỹ mở cuộc điều tra vào tháng 8 cùng năm. Cohen sau đó nhận tội, thừa nhận vai trò của ông trong hai thỏa thuận với McDougal và Daniels, khai ông Trump đã chỉ đạo mình.
Ông Trump luôn phủ nhận mối quan hệ với Daniels, cho rằng khoản tiền Cohen chi cho nữ diễn viên “chỉ là giao dịch cá nhân đơn giản” và luật sư thực hiện giao dịch phải chịu trách nhiệm nếu mắc lỗi, không phải ông.
“Nếu ai đó muốn tìm một luật sư giỏi, tôi xin khuyến nghị không nên sử dụng dịch vụ của Michael Cohen!”, ông Trump viết trên X lúc đó.
Tháng 8/2019, văn phòng công tố viên Manhattan Cyrus Vance bắt đầu điều tra và nhận định công ty của Trump đã hạch toán sai quy định trong khoản chi cho Cohen. Vance hết nhiệm kỳ tháng 1/2022 nhưng không đưa ra cáo buộc nào với ông Trump.
Bragg kế nhiệm Vance, tiếp tục nỗ lực điều tra và đầu năm 2023 đã gửi bằng chứng cho đại bồi thẩm đoàn New York để xem xét có nên truy tố ông Trump ra tòa hay không. Cuối tháng 3, đại bồi thẩm đoàn bỏ phiếu nhất trí truy tố cựu tổng thống.
Thẩm phán tòa tối cao New York Juan Merchan phụ trách xét xử. Bồi thẩm đoàn 12 thành viên sẽ tham gia luận tội ông Trump.
Ông Trump có thể bào chữa rằng Cohen đã tự mình hành động khi trả tiền cho Daniels. Ông có thể lập luận rằng mục đích của việc “bịt miệng” Daniels là giúp ông và gia đình tránh khỏi sự chú ý của công chúng đối với cáo buộc ngoại tình, chứ không phải để giúp ích cho chiến dịch tranh cử.
Ông cũng có thể cố gắng làm giảm uy tín của Cohen trong tư cách nhân chứng, như chỉ ra rằng Cohen từng thừa nhận khai man trước quốc hội hồi năm 2018.
Với 34 cáo buộc, nếu bị kết tội, cựu tổng thống có thể lĩnh án tối đa 136 năm tù, theo chuyên gia phân tích pháp lý của CNN Laura Coates. Thẩm phán sẽ quyết định ông Trump thực hiện các bản án cùng lúc hay nối tiếp nhau. Tuy nhiên, New York áp giới hạn tối đa 20 năm tù với tội danh cấp E này.
Ngoài ra, do ông Trump không có tiền án, vụ truy tố không mang tính bạo lực, thẩm phán Merchan có thể khoan hồng và chỉ tuyên án tù thời gian ngắn hoặc đơn giản là phạt quản chế với điều kiện nhất định, Coates bổ sung.
Ông Trump gần như chắc chắn sẽ kháng cáo nếu bị kết tội. Cựu tổng thống đã nhiều lần gọi vụ án này là “cuộc săn phù thủy” mang động cơ chính trị, nhằm cản bước ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2024.
Như Tâm (Theo Reuters, ABC News)