Thông tin báo chí khác biệt ở chỗ chuyên nghiệp và đa chiều
Ví báo chí là ngọn hải đăng – là sự khẳng định vị trí ấy gắn với sứ mệnh phụng sự của báo chí mà hàng trăm năm qua chúng ta đã và đang thực hiện. Nhưng mỗi thời mỗi khác, những chuyển động của thời cuộc luôn nhắc nhớ người làm báo cần kíp có những thay đổi phù hợp để hoàn thiện mình hơn, để phát triển bền vững hơn.
Đó cũng là lí do mà Diễn đàn Tổng Biên tập chủ đề “Báo chí giải pháp – hướng đi cho báo chí truyền thống?” được Hội Nhà báo Việt Nam giao Báo Nhà báo & Công luận thực hiện, tạo nên chỉ dấu cho câu chuyện đổi mới này. Tất nhiên, trên thực tiễn, đã là một tác phẩm báo chí thì dù trực tiếp hay gián tiếp, dù thẳng thắn hay xa xôi thì đều mang trong đó một giải pháp hay một xu hướng cho giải pháp nào đó… Điều ấy thì không phải bàn vì vốn dĩ tính định hướng dư luận, là một trong những thuộc tính “bất di bất dịch” của báo chí, mà định hướng tốt chính là bởi có giải pháp hiệu quả.
Những phiên thảo luận đầy sôi nổi tại Diễn đàn Tổng Biên tập đã phần nào phân định rõ báo chí giải pháp một cách bài bản, mang tầm chiến lược chứ không chỉ nằm ở câu chuyện của một tác phẩm báo chí. Với sự điều hành chất lượng từ 5 vị chủ trì đại diện cho Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, tỉnh Bình Thuận cùng với những ý kiến thẳng thắn từ các đại biểu là lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí, Sở Thông tin & Truyền thông, các cấp Hội Nhà báo địa phương… phần nào giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về báo chí giải pháp, từ đó có cách làm phù hợp trong thực tế hoạt động báo chí, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Báo chí Cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Các đại biểu đều nhất trí cao rằng, bây giờ thông tin tràn ngập nên “nhiều” không phải là ưu thế của báo chí nữa. Người dùng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet là cung cấp đủ loại thông tin, tức thời và từ bất kỳ đâu. Nhưng thông tin báo chí khác biệt ở chỗ chuyên nghiệp và đa chiều, đặc biệt trong thời kỳ hiện nay thì báo chí đang đi theo xu thế không chỉ phản ánh mà phải cung cấp luận giải và giải pháp – những điều hầu hết người dùng bình thường không có năng lực tiếp cận thông tin và nguồn tin để tạo ra. Báo chí thế giới giờ cũng đi theo xu hướng báo chí xây dựng, báo chí giải pháp, chứ không chạy theo câu khẩu hiệu “ở nơi nào có máu chảy là ở đó có tin” để sản xuất ra những thông tin giật gân như trước. Trong khi đua tranh tốc độ với mạng xã hội, chúng ta không nên chậm quá vì không thể để tình trạng “tin giả chạy nửa vòng Trái đất thì tin thật mới ra”, nhưng “bây giờ cũng là lúc tĩnh tâm lại, thậm chí dừng lại một chút để xây dựng nội dung thực sự chuyên sâu, xây dựng lực lượng người dùng trung thành…” – Nhà báo Lê Quốc Minh nhận định.
Đồng quan điểm đó, ở góc độ lãnh đạo địa phương, ông Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận cũng cho rằng, báo chí xây dựng báo chí giải pháp có thể giúp báo chí chính thống khẳng định vị thế trước sự cạnh tranh mạnh mẽ về thông tin từ mạng xã hội, thể hiện vai trò phụng sự Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
“Với ý nghĩa đó, tỉnh Bình Thuận rất phấn khởi và tán thành cao với việc Hội Nhà báo Việt Nam chọn chủ đề Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 là “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống”. Đây cũng chính là vấn đề chúng tôi rất quan tâm khi Bình Thuận đang bước vào hành trình phát triển mới với những mục tiêu mới” – ông Hoài Anh nhấn mạnh.
Có thể nói, “ngọn hải đăng” chính là sứ mệnh của báo chí nhưng giữ được ngọn hải đăng ấy luôn sáng, không bị lù mờ bởi thời tiết, bởi thời gian, không gian thì rất cần những cách nhìn nhận chung, cùng nhìn về một hướng của các cơ quan báo chí, người làm báo.
“Và điều quan trọng hơn khi đi theo con đường này không phải là việc hơn thua về lượng truy cập, mà là việc nó sẽ giúp cho xã hội của chúng ta tốt đẹp hơn, con người suy nghĩ tích cực hơn, thấy thêm yêu cuộc sống và muốn đóng góp nhiều hơn cho cuộc sống đó” – nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Mạnh dạn đi theo cách thức làm báo phụng sự xã hội
Triển khai báo chí giải pháp như thế nào cho hiệu quả, phù hợp với điều kiện nhân lực, vật lực của mỗi toà soạn là vấn đề đang được nhiều cơ quan báo chí quan tâm và Diễn đàn Tổng biên tập cũng vì thế mà rất “nóng” trong việc tìm lời giải. Tất nhiên, như khẳng định của nhà báo Lê Quốc Minh thì không có một giải pháp nào chung cho tất cả các cơ quan báo chí, sẽ có những cơ quan báo chí Trung ương có sức mạnh riêng, sẽ có những cơ quan báo chí địa phương tuy nhỏ nhưng có thị trường ngách quan trọng mà cơ quan báo chí lớn khó có thể cạnh tranh được, thậm chí có những ấn phẩm ngành nghề đặc thù nhưng lại có lợi thế riêng.
Trên thực tế, Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiều năm qua đã khuyến khích các cơ quan báo chí đi theo xu hướng báo chí giải pháp, báo chí xây dựng và cũng đã có những bước chuyển biến quan trọng. Năng lực chuyên môn, đầu tư nguồn lực, cơ chế chính sách…Tất cả những vấn đề đó đều là điều cần đặt ra nhưng vẫn phải “liệu cơm gắp mắm” chứ không phải chạy theo phong trào.
Cho nên câu chuyện “Báo chí cần tìm giải pháp cho chính mình trước khi tìm giải pháp cho người khác” mà ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu ra tại Diễn đàn nhận được sự đồng thuận lớn từ phía các đại biểu tham dự. Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, báo chí cần hoàn toàn thay đổi cách tiếp cận để biến những thách thức, khó khăn thành cơ hội.
Để phát triển báo chí, đặc biệt là báo chí giải pháp, ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng cần quan tâm nhất là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. Ông cũng nhấn mạnh, tầm nhìn của các cơ quan báo chí cũng rất quan trọng, nhiều vấn đề báo chí cần tiết chế, không đưa tin quá mức bởi đôi khi kết quả lại ngược lại so với mục đích ban đầu, phản tác dụng… Câu chuyện này đồng nghĩa với việc báo chí phải chứng minh rõ lợi thế “cơ quan thông tin chính thống”, cung cấp cho độc giả những nội dung có hàm lượng thông tin đem đến tri thức, sự hiểu biết cho người đọc, mang tính công bằng, đa nguồn, xác thực…
Đặc biệt là, nền báo chí Việt Nam là nền Báo chí Cách mạng và nếu như có một vấn đề gì đó để cần hiệu triệu, định hướng xã hội, cần tập hợp lực lượng để làm những việc lớn, việc tốt cho đất nước thì lúc đó hệ thống chính quyền, người dân luôn tìm đến báo chí và tìm thấy mình trong báo chí… Đó cũng chính là mục tiêu lớn mà báo chí đã, đang và phải tiếp tục theo đuổi, phấn đấu.
Nhưng tiến tới mục tiêu ấy cũng là một hành trình không dễ dàng, bởi theo Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng: “Thực hiện báo chí giải pháp, các tòa soạn và phóng viên sẽ mất nhiều công sức hơn, kể cả về thời gian và tiền bạc để tạo ra sự hấp dẫn, sinh động, thu hút được bạn đọc. Báo chí giải pháp đòi hỏi các phóng viên, nhà báo phải có tâm, khách quan, trung thực; có tinh thần đồng hành vì sự phát triển, vì lợi ích của xã hội. Cùng với đó, báo chí giải pháp cũng đòi hỏi các nhà báo phải có kiến thức, khả năng phân tích và đánh giá các vấn đề…”.
Thẳng thắn trao đổi tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Hồng Nga – Tổng Biên tập báo Giao thông đặt vấn đề rằng, dùng nguồn lực nào để triển khai báo chí giải pháp? Có nhất thiết phải chờ đến khi “có điều kiện kinh tế” mới làm? Bà cho rằng, lâu nay, các tòa soạn không thể đăng bài báo nào mà không có giải pháp, song để làm được một bài báo có giải pháp hay còn gọi là các tác phẩm báo chí chất lượng cao thì cần rất nhiều nguồn lực. Và vấn đề kinh phí để thực hiện những tác phẩm đó là yếu tố rất quan trọng.
Có thể nói, mục tiêu và hướng đi của báo chí giải pháp cũng chính là lời giải cho nỗ lực tìm lại giá trị cốt lõi của báo chí và vì sứ mệnh phụng sự bạn đọc, như Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh: “Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến các cơ quan báo chí cũng như các nhà báo sau Diễn đàn này là chúng ta hãy dám mạnh dạn đi theo một cách thức làm báo mới – cách thức làm báo phụng sự xã hội! Chúng ta hãy đưa tin đúng, đưa tin nhiều, đưa tin sâu và hãy vì xã hội, vì công chúng, vì sự phát triển bền vững của nền báo chí cách mạng Việt Nam, hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn chứ không phải chỉ nhằm vào mỗi lợi ích của tờ báo, lợi ích kinh tế, sự nổi tiếng của cá nhân… Tôi tin tưởng rằng với dấu mốc 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam vào 2025 cũng là lúc mà các cơ quan báo chí Việt Nam chúng ta đều chuyển mình hiện đại hơn, nhân văn hơn…”.
Hà Vân
Nguồn: https://www.congluan.vn/bao-chi-giai-phap–ngon-hai-dang-dan-loi-post313972.html