1. Qua nhiều mùa Diễn đàn, các vấn đề nóng luôn được Ban tổ chức trăn trở và đặt ra, tạo thành dấu ấn đặc biệt không lẫn với bất cứ một chương trình nào và cũng là lối đi riêng có của Báo Nhà báo và Công luận. Sự thành công nối tiếp thành công, những hiệu quả từ mỗi mùa qua là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng ấy.
Năm nay, “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?” cũng là chủ đề được quan tâm, đã và đang trở thành tâm điểm phân tích và luận giải ở các toà soạn từ thế giới đến Việt Nam. Trên thực tế, việc đề cập đến các giải pháp đã xuất hiện trên báo chí thế giới từ rất lâu, nhưng phải đến khoảng hai thập kỷ qua, đặc biệt là trong những năm gần đây, cụm từ Báo chí xây dựng, Báo chí kiến tạo (Constructive journalism) hay Báo chí giải pháp (Solutions journalism) được quan tâm và được nhắc tới ngày càng nhiều hơn trên các nghiên cứu về báo chí truyền thông.
Trong xã hội bùng nổ thông tin như hiện nay, nguồn tin khổng lồ từ các mạng xã hội, trang tin đang cạnh tranh gay gắt với các cơ quan báo chí truyền thống; công chúng báo chí hoang mang thậm chí mất phương hướng trước dòng chảy thông tin trên mạng xã hội chưa rõ thực hư, đúng sai, cơ quan quản lý cứ phải chạy theo mạng xã hội để xử lý thông tin…
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, báo chí truyền thống phải thể hiện vai trò chức năng của báo chí chính thống, phải phát huy vai trò báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp, qua đó có thể giữ chân cũng như thu hút người đọc. Mở tờ báo, click “chuột” xem thông tin từ mỗi trang báo phải thấy nhiều hơn những tích cực của đời sống xã hội, báo chí phải nêu bật được vai trò của mình là duy trì và cải tạo xã hội trở nên tốt đẹp hơn…
Chính vì thế, Báo chí giải pháp có thể hiểu là bên cạnh các hoạt động phản ánh, phản biện, đấu tranh, báo chí còn thực hiện vai trò hiến kế, đề xuất các giải pháp, biện pháp thực hiện thay vì chỉ nêu lên vấn đề rồi bỏ lửng. Điều này có nghĩa là báo chí thể hiện vai trò tích cực hơn, trách nhiệm hơn đối với các vấn đề của đất nước, của xã hội, nhất là đề xuất giải pháp để giải quyết các vấn đề nêu ra, góp phần tạo dựng niềm tin và sự đồng thuận của xã hội. Cách tiếp cận báo chí giải pháp là mang đến cho mọi người cái nhìn chân thực hơn, đầy đủ hơn về những vấn đề mà con người và xã hội đang phải đối mặt, giúp thúc đẩy quyền công dân hiệu quả hơn. Các câu chuyện giải pháp có thể có nhiều dạng, nhưng chúng có chung một số đặc điểm chính đó là xác định các nguyên nhân gốc rễ của một vấn đề xã hội; làm nổi bật một câu trả lời hoặc các câu trả lời cho vấn đề đó…
2. Câu chuyện báo chí giải pháp từ thế giới đến Việt Nam như thế nào? Tại Việt Nam, xu hướng báo chí giải pháp đã, đang được các cơ quan báo chí triển khai ra sao? Tại sao báo chí giải pháp nên là một trong những hướng đi chính yếu của báo chí Việt Nam? Báo chí giải pháp có phải là một trong những cách thức hiệu quả để báo chí Việt Nam phát triển và giữ vững vị thế trong bối cảnh hiện nay? Cách thức nào để triển khai Báo chí giải pháp hiệu quả? Đó sẽ là những nội dung chính sẽ được các đại biểu thảo luận trong 2 phiên của Diễn đàn Tổng Biên tập 2024. Phiên thứ nhất có chủ đề: Báo chí giải pháp – Xu hướng và tiềm năng; Phiên thứ hai có chủ đề: Triển khai báo chí giải pháp: Cách thức, mô hình nào hiệu quả?..
Những vấn đề nóng, thời sự, những câu chuyện thực tế của báo chí thế giới, của Việt Nam và của từng các cơ quan báo chí trong cả nước sẽ được hơn 100 đại biểu là lãnh đạo cơ quan quản lý báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí trong cả nước đặt ra, chia sẻ… Tất nhiên, Báo chí giải pháp cũng không chỉ đơn thuần là đưa các giải pháp, mà còn bao gồm việc đánh giá, phân tích và kiểm chứng tính hiệu quả, tính bền vững và khả năng áp dụng rộng rãi của các giải pháp đó, theo dõi quá trình áp dụng, xử lý, giải quyết vấn đề của cơ quan chức năng và thông tin đến cùng sự việc, từ đó mới thúc đẩy sự chung tay hành động, hưởng ứng của toàn xã hội về một vấn đề, lĩnh vực nào đó…
Cuộc thảo luận tại Diễn đàn Tổng biên tập cũng vậy, những câu chuyện được gợi mở để các thủ lĩnh báo chí cùng chung hướng nhìn về báo chí giải pháp, từ đó có cách làm phù hợp hơn trong thực tế hoạt động báo chí, góp phần thúc đẩy sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên số.
3. Đúng như nhận định của nhà báo Lê Quốc Minh: “Một hướng đi đang hiện rõ cho ngành báo là báo chí xây dựng/báo chí giải pháp, theo đó các cơ quan báo chí trong khi đưa tin thì cũng đề xuất các giải pháp hoặc luận giải kỹ lưỡng để độc giả cảm thấy được trao quyền và mang lại hy vọng”… Báo chí giải pháp là một xu hướng tích cực và phù hợp với sự vận động của báo chí trong giai đoạn hiện nay. Báo chí ngày càng thể hiện được vai trò đồng hành với Đảng, Nhà nước, các địa phương và nhân dân trong việc giải quyết các vấn đề thiết thực, cần kíp của xã hội, của đất nước… Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi, báo chí giải pháp như một hướng đi cho báo chí truyền thống để khẳng định vị thế và uy tín cũng như giữ chân công chúng của mình.
Không có công thức chung hay con đường chung nào cả, mỗi cơ quan báo chí phải tự xác định được nhu cầu của mình để xây dựng kế hoạch cho những bài toán phát triển riêng. Song Ban tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập 2024 mong muốn rằng, sự trao đổi thẳng thắn, những kinh nghiệm được chia sẻ sẽ mang đến một thông điệp ý nghĩa góp phần vào hành trình phát triển của báo chí hôm nay trước thềm kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Sông Mây
Nguồn: https://www.congluan.vn/dien-dan-tong-bien-tap-2024-diem-hen-tim-huong-di-cho-bao-chi-truyen-thong-post312817.html