Thách thức cho báo chí truyền thống
Chiều 21/9, Diễn đàn Tổng biên tập 2024 “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống” do báo Nhà báo và Công luận tổ chức đã diễn ra tại Novaworld Phan Thiết, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận với hơn 100 tổng biên tập các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các cơ quan chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí…
Trước khi diễn ra chương trình, các đại biểu tham dự đã quyên góp cho “Quỹ ước mơ xanh” hướng về đồng bào 26 tỉnh miền Bắc chịu thiệt hại do bão lũ.
Phát biểu chào mừng diễn đàn, ông Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, trong thời kỳ khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay, những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, nhất là trí tuệ nhân tạo, những ứng dụng của công nghệ số đang đặt ra nhiều vấn đề mới trong hoạt động của báo chí truyền thống, vừa tạo ra nhiều cơ hội, vừa đặt ra nhiều thách thức mà báo chí truyền thống cần giải quyết, để từ đó có thích ứng linh hoạt, tiếp tục phát triển.
Đặc biệt, báo chí giải pháp, báo chí xây dựng không chỉ mang đến những phương pháp tiếp cận mới mẻ và tích cực cho báo chí mà còn là cơ hội để các cơ quan báo chí Việt Nam khẳng định vai trò của mình trong việc định hình và thúc đẩy sự phát triển xã hội.
Hơn thế, báo chí giải pháp có thể giúp báo chí chính thống khẳng định vị thế trước sự cạnh tranh mạnh mẽ về thông tin từ mạng xã hội, thể hiện vai trò phụng sự Đảng, Nhà nước và nhân dân.
“Với ý nghĩa đó, tỉnh Bình Thuận rất phấn khởi và tán thành cao với việc Hội Nhà báo Việt Nam chọn chủ đề Diễn đàn Tổng biên tập năm 2024 là “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống”. Đây cũng chính là vấn đề chúng tôi rất quan tâm khi Bình Thuận đang bước vào hành trình phát triển mới với những mục tiêu mới”, ông Hoài Anh nói.
Tin tích cực có thể khiến người dùng tăng tương tác hoặc trả phí
Diễn đàn năm nay có 2 phiên thảo luận: Báo chí giải pháp – Xu hướng và tiềm năng; Triển khai báo chí giải pháp: Cách thức, mô hình nào hiệu quả?
Mở đầu phiên thảo luận “Báo chí giải pháp – Xu hướng và tiềm năng”, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ tổng quan về báo chí xây dựng, báo chí giải pháp.
Ông Lê Quốc Minh cho biết, thông tin tiêu cực dường như trở thành ADN của báo chí; theo đó những bài viết về thảm kịch đối với con người, thiên tai, và xung đột toàn cầu đóng vai trò chủ đạo để kích thích mọi người đọc tin mỗi ngày.
Tuy tin tiêu cực có thể đóng vai trò quan trọng là thông tin, cảnh báo và quy trách nhiệm cho những người nắm giữ quyền lực, nó cũng gây tác động có hại với độc giả, chẳng hạn gây ra sợ hãi, lo lắng, tức giận, hoài nghi, thậm chí lãnh cảm.
Hậu quả là độc giả quay lưng với báo chí. Theo báo cáo 2022 của Reuters, tỷ lệ né tránh tin tức ở Brazil và Anh đã tăng gấp đôi kể từ 2017.
Tin tức tiêu cực thường bị coi là một trong những nguyên nhân chính, vì vậy báo chí phải xác định cách thức hoàn thành nhiệm vụ đưa tin mà không làm độc giả xa lánh.
Để đối phó tình trạng né tránh tin tức, ông Lê Quốc Minh nêu 7 bí kíp: Nội dung đơn giản, ngắn gọn và hữu ích; Viết những bài liên quan đến con người và có sức nặng; Lắng nghe độc giả (và có hành động phù hợp); Quan tâm tới cộng đồng và xây dựng tòa soạn đa dạng sắc tộc; Tạo ra nhiều format thu hút tương tác hơn; Suy nghĩ lại về việc đưa tin chính trị (theo hướng xây dựng); Tìm kiếm giải pháp và mang lại hy vọng.
“Một hướng đi đang hiện rõ cho ngành báo là báo chí xây dựng/báo chí giải pháp, theo đó các cơ quan báo chí trong khi đưa tin thì cũng đề xuất các giải pháp hoặc luận giải kỹ lưỡng để độc giả cảm thấy được trao quyền và mang lại hy vọng”, ông Lê Quốc Minh nêu rõ.
Cũng theo ông Lê Quốc Minh, cần phải xem độc giả muốn gì và họ sẵn sàng trả tiền cho thông tin nào. Nhiều chuyên gia tin rằng báo chí xây dựng/báo chí giải pháp là chìa khóa. Lối làm báo truyền thống 5W (who, what where, when, why) được thay thế bằng “what now” và “how”.
Những cơ quan báo chí đang thử nghiệm nội dung tích cực hoặc những nội dung mang lại hy vọng và giải pháp thì nhận được những kết quả tích cực. Mặc dù tin tiêu cực thường được xem nhiều hơn, nhưng tin tích cực có thể khiến người dùng tăng tương tác hoặc trả phí.
Ông Lê Quốc Minh nêu rõ: “Các cơ quan báo chí sẽ phải thay đổi thói quen tập trung vào thông tin tiêu cực – dù rằng việc thay đổi thói quen này không hề dễ dàng”.
Báo chí cần tìm giải pháp cho chính mình
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, báo chí cần hoàn toàn thay đổi cách tiếp cận để biến những thách thức, khó khăn thành cơ hội.
Để phát triển báo chí, đặc biệt là báo chí giải pháp, ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng cần quan tâm nhất là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực.
“Chúng ta cần tìm giải pháp cho chính mình trước khi tìm giải pháp cho người khác”, ông Lâm nêu rõ và cho rằng tầm nhìn của các cơ quan báo chí cũng rất quan trọng.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng nhấn mạnh vấn đề việc báo chí cần tiết chế, không đưa tin quá mức về những vấn đề nhạy cảm bởi đôi khi kết quả lại ngược lại so với mục đích ban đầu, phản tác dụng.
Ông Lâm nói: “Ví dụ như việc đưa tin quá nhiều, dồn dập về giá vàng tạo áp lực lên công tác điều hành giá vàng. Hay có xu hướng tìm những báo cáo tài chính của doanh nghiệp để đưa thông tin nhưng chủ yếu là bóc mẽ, phán xét về doanh nghiệp đó”.
Ông Nguyễn Thanh Lâm cũng cho rằng, các cơ quan báo chí cần nhìn thấy những vấn đề của mình để phát huy thế mạnh, khắc phục những tồn tại.
Bởi nền báo chí Việt Nam là nền báo chí cách mạng và nếu như có một vấn đề gì đó để cần hiệu triệu, định hướng xã hội, cần tập hợp lực lượng để làm những việc lớn, việc tốt cho đất nước thì lúc đó hệ thống chính quyền, người dân luôn tìm đến báo chí và tìm thấy mình trong báo chí.
Để làm được một bài báo có giải pháp hay cần rất nhiều nguồn lực
Tham gia thảo luận tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Tổng Biên tập Báo Giao thông đặt câu hỏi: “Vậy, báo chí giải pháp, báo chí xây dựng, báo chí kiến tạo khác nhau như thế nào?”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nga nhắc đến câu chuyện mới đây khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện sao kê các khoản ủng hộ cho đồng bào thiệt hại do bão số 3, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng cần công khai về cả khoản chi nữa.
Từ câu chuyện đó, Tổng Biên tập báo Giao thông cho rằng, báo chí giải pháp không chỉ là đưa tin đơn thuần, cần có những kiến nghị, giải pháp cụ thể, phải làm gì để nguồn thu được chi thoả đáng và những người nhận nhận được đúng nhất nhu cầu mà họ cần.
“Ý kiến, giải pháp được báo chí đưa ra lại tiếp tục cần được báo chí phản biện để cho ra các tác phẩm thực sự mang lại giải pháp cho xã hội và được thực thi một cách đúng đắn”, bà Nga nói.
Tổng Biên tập báo Giao thông cũng cho biết, lâu nay, các tòa soạn không thể đăng bài báo nào mà không có giải pháp, song để làm được một bài báo có giải pháp hay còn gọi là các tác phẩm báo chí chất lượng cao thì cần rất nhiều nguồn lực. Thực tế cho thấy, tỷ lệ bài báo chất lượng cao trong các tin bài trong một ngày ở các toà soạn là rất ít.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Hồng Nga cũng nhấn mạnh đến vấn đề kinh phí để thực hiện những tác phẩm đó và cho rằng đó là yếu tố rất quan trọng.
Cuối hội nghị, phát biểu chỉ đạo, ông Phan Xuân Thuỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, báo chí giải pháp, báo chí xây dựng, báo chí kiến tạo là những nội dung được công chúng và các cơ quan quản lý Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Thời gian tới, từ sự định hướng của các cơ quan chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí, các cơ quan báo chí cần nâng cao vai trò, phát huy thế mạnh và phát triển báo chí giải pháp, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/hon-100-tong-bien-tap-cung-ban-giai-phap-dinh-vi-lai-bao-chi-truyen-thong-192240921194010447.htm