Quyết tâm của Thụy Điển và tiến trình của NATO
Sau câu chuyện gia nhập khối khá suôn sẻ của Phần Lan, thì phần còn lại trong câu chuyện kết nạp thành viên khiến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bận tâm nhất trong năm nay là câu chuyện Thuỵ Điển. Theo Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Phần Lan sẽ nhóm họp vào cuối tháng 6, dự kiến bắt đầu từ ngày 12/6, nhằm tìm cách giải quyết những vấn đề vấp phải phản đổi của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary khiến tiến trình gia nhập NATO của Thụy Điển bị trì hoãn. Đồng thời, cũng theo dự kiến, các bộ trưởng quốc phòng NATO cũng sẽ nhóm họp tại Brussels (Bỉ) vào ngày 15-16/6 tới.
Trước đó, tại cuộc họp các ngoại trưởng NATO diễn ra tại Olso (Na Uy) ngày 1/6, một số ngoại trưởng NATO bày tỏ sự lạc quan rằng sau khi bầu cử trong nước kết thúc Ankara sẽ thôi phản đối đơn gia nhập của Thụy Điển. Thụy Điển cùng với Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO năm ngoái, chấm dứt chính sách không liên kết quân sự kéo dài nhiều thập kỷ. Đơn xin gia nhập của hai quốc gia Bắc Âu này đã được chấp thuận tại Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 6/2022. Tuy nhiên, để chính thức trở thành thành viên của NATO, đơn xin gia nhập phải được toàn bộ các nước thành viên liên minh phê chuẩn.
Cho tới nay, Thuỵ Điển vẫn chưa nhận được cái gật đầu đồng ý của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, trong đó quan ngại nhất là Thổ Nhĩ Kỳ bởi nước này vẫn khăng khăng Thụy Điển chứa chấp thành viên của các nhóm mà Ankara coi là khủng bố. Quốc gia có tiếng nói trọng lượng bậc nhất với NAO – Mỹ cũng đã lên tiếng cho rằng cần kết nạp Thụy Điển vào NATO “sớm nhất có thể”. Bản thân Thụy Điển đã thực hiện các bước đi cụ thể quan trọng để giải quyết những quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ, liên quan việc sửa đổi Hiến pháp và tăng cường hợp tác chống khủng bố với Ankara. Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom mới đây lên tiếng cho rằng nước này đã đáp ứng tất cả điều kiện đặt ra và “đã đến lúc Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary bắt đầu phê chuẩn tư cách thành viên cho Thụy Điển”. Tuy nhiên, tiến trình gia nhập bao giờ kết thúc vẫn là câu hỏi ngỏ.
Chia rẽ gắt gắt về ý định kết nạp Ukraine
Triển vọng kết nạp Ukraine như thế nào? – đang là câu hỏi không chỉ riêng Ukraine quan tâm mà còn khiến cả các thành viên trong khối này bàn tán, thậm chí bất đồng chia rẽ. Các nhà lãnh đạo NATO thì cho rằng hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để bàn tới tiến trình kết nạp Ukraine, nói như Tổng Thư ký Jens Stoltenberg thì: “không thể thảo luận việc kết nạp một quốc gia làm thành viên giữa lúc đang có chiến sự”. Đức cũng lên tiếng cho rằng cần thận trọng. “Rõ ràng chúng ta không thể nói về việc kết nạp thành viên mới trong lúc chiến tranh (giữa Nga và Ukraine)” – Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu.
Các nước thành viên Đông Âu thì từ lâu cũng đã gia tăng áp lực cho rằng khối phải đưa ra được lộ trình rõ ràng về gia nhập khối của Ukraine cũng như cam kết với vấn đề này, chứ không thể giữ mãi thái độ “mập mờ” không rõ quyết hay không quyết như bấy lâu. Tổng thống Nga Vladimir Putin, như một lẽ đương nhiên, cũng đã chỉ trích việc NATO kết nạp các nước thuộc Liên Xô cũ và coi đây là mối đe dọa với an ninh của Nga.
Về phía Ukraine, trong những động thái mới nhất, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố: “Nếu chúng tôi không được thừa nhận và được trao một tín hiệu ở Vilnius, tôi tin rằng Ukraine sẽ không có mặt tại hội nghị thượng đỉnh này”.
Trước đó, ngày 1/6, ông Volodymyr Zelensky cũng lên tiếng bày tỏ thái độ, rằng: “Năm nay là năm cần đưa ra các quyết định. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius (Lithuania) vào mùa hè, cần có lời mời rõ ràng từ các thành viên NATO và cần có sự đảm bảo an ninh trên con đường (Ukraine) trở thành thành viên NATO”.
Tìm Tổng Thư ký mới: Nỗi đau đầu của NATO
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Vilnius của Litva vào tháng 7 tới, bên cạnh câu chuyện phê chuẩn thành viên mới cho Ukraine, Thụy Điển, thì việc lựa chọn ai sẽ là Tổng Thư ký mới của khối đang là mối bận tâm mới của các nước thành viên NATO.
Cho tới nay, sau 9 năm tại vị, ông Jens Stoltenberg được đánh giá là không những vượt qua nhiều thách thức lớn mà còn có những thành tích xuất sắc trên cương vị Tổng Thư ký, bảo đảm sự ổn định của liên minh quân sự. Cũng bởi chính bởi “những thành tích xuất sắc” này mà đã có những thông tin cho rằng phía NATO muốn một lần nữa kéo dài nhiệm kỳ Tổng Thư ký (dự kiến kết thúc vào ngày 30/9/2023) của ông Jens Stoltenberg đến tháng 4/2024, trong bối cảnh NATO vẫn đang tìm cách duy trì sự ổn định khi cuộc xung đột tại Ukraine vẫn tiếp diễn. Ngoài ra, các thành viên khối cũng muốn ông Jens Stoltenberg là người chủ trì hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập tổ chức tại Washington vào tháng 4/2024.
Tuy nhiên, ông Jens Stoltenberg dường như lại không có ý định gia hạn nhiệm kỳ. Mới đây tờ Welt am Sonntag (Đức) cho biết, ông Jens Stoltenberg có thể trở thành Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) khi ông David Malpass rời nhiệm sở cùng thời điểm trên.
Chỉ sở hữu 31 quốc gia thành viên nhưng việc đạt được sự đồng thuận tuyệt đối trong khối dường như chưa bao giờ là điều dễ dàng với NATO. Trong khi nhiều quốc gia còn ngập ngừng muốn dò ý ông Jens Stoltenberg, giữ ông lại trên cương vị Tổng Thư ký thì nhiều thành viên của khối quân sự này lại muốn tìm được nhân vật thay thế ông Stoltenberg trong hoặc thậm chí trước khi hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở Litva vào giữa tháng 7. Nghĩa là chuyện thay thế ông Jens Stoltenberg không những cần mà còn rất gấp gáp.
Và với một vị trí “khó nhằn” lại trong một thời gian ngắn như vậy, việc tìm kiếm chủ nhân mới không là chuyện dễ dàng, nói như hãng thông tấn Reuters (Anh), bất cứ ai nắm giữ vị trí Tổng Thư ký NATO ở thời điểm này sẽ phải đối mặt với thách thức kép là giữ các đồng minh hỗ trợ Ukraine đồng thời đề phòng bất kỳ sự leo thang nào có thể kéo NATO trực tiếp vào xung đột với Nga.
Chưa kể, như đã nói, NATO luôn nổi tiếng là “chín người mười ý”, chưa bao giờ dễ dàng trong việc đạt được sự đồng thuận. Thêm vào đó theo nhiều nguồn tin không chính thức nhân vật ấy còn phải nhận được sự ủng hộ từ Washington – nơi luôn có nguồn tài trợ lớn nhất cho NATO. Pháp đang tỏ ý muốn một nhân vật đến từ quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) với hy vọng có hợp tác chặt chẽ hơn giữa NATO và EU, Hà Lan được cho sẽ giới thiệu bộ trưởng quốc phòng của họ, bà Kajsa Ollongren, Anh cũng muốn đề cử Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace, cựu Thủ tướng Ý Mario Draghi, Tổng thống Romania Klaus Iohannis, Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland cũng đang được đề xuất… Trong khi đó, nhiều nước thành viên lại ưu ái cựu thủ tướng hoặc Tổng thống để đảm bảo Tổng Thư ký của NATO có ảnh hưởng chính trị ở cấp cao nhất, còn một số nước khác lại cho rằng đã đến lúc NATO nên có một nữ Tổng Thư ký đầu tiên và nữ Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đang nổi lên như một ứng cử viên nặng ký.
Trang Thư