Nhiều người nghĩ “khó khăn nhất đã qua” sau Covid nhưng hệ lụy từ nó và những bất ổn địa chính trị toàn cầu sau đó khiến các chủ doanh nghiệp thêm kiệt sức, theo Giám đốc Văn phòng Ban IV.
Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa báo cáo Thủ tướng về tình hình doanh nghiệp. Khảo sát này do Ban IV và VnExpress thực hiện hồi tháng 12/2023, với sự tham gia của hơn 2.700 đại diện doanh nghiệp. Giám đốc Văn phòng Ban IV Phạm Thị Ngọc Thủy, người phụ trách chính báo cáo, đánh giá kết quả khảo sát lần này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp đã trở lại nhưng “khó khăn vẫn còn rất nhiều”.
– Nếu để gọi tên những khó khăn các doanh nghiệp đối mặt ở năm 2023, bà sẽ nói gì?
– Doanh nghiệp kiệt sức, đó là sự thật, đặc biệt sau hai năm Covid-19 và hai năm đối diện với những bất ổn toàn cầu, dù những khó khăn với doanh nghiệp thực ra không mới. Đó là khó về đơn hàng, tiếp cận vốn, thủ tục hành chính, nguy cơ hình sự hóa…
Doanh nghiệp đang rất quan ngại về những rủi ro ở trong và ngoài nước. Bên ngoài là những thách thức, xu hướng không ai lường trước được. Chiến tranh chỉ là một phần mà sâu xa hơn là xu hướng chia rẽ thay vì toàn cầu hóa như trước. Thậm chí có những thời điểm, khi ngồi mổ xẻ với nhau về những khối lượng dự chi ngân sách quốc phòng tại các nước lớn, doanh nghiệp tự thấy diễn biến cuộc chiến vẫn rất phức tạp, ảnh hưởng trực diện đến chuỗi thương mại toàn cầu. Ví dụ, căng thẳng trên Biển Đỏ đang khiến chi phí vận tải leo thang. Sự phục hồi của các nước lớn không như kỳ vọng cũng ảnh hưởng đến Việt Nam bởi chúng ta là nền kinh tế mở.
Còn ở trong nước, một số doanh nghiệp nói họ thấy có vẻ mình không nằm trong ưu tiên hỗ trợ của nhiều cơ quan, các cấp thực thi địa phương, dù biết doanh nghiệp luôn được đề cập ở các cấp chỉ đạo điều hành. Họ nói, nhiều bên hỗ trợ một cách hình thức, máy móc, với tâm thế tự bảo vệ mình trong bối cảnh nhiều vụ án được đưa ra xét xử. Điều này được thể hiện trong báo cáo qua số lượng cao đánh giá tiêu cực với cách hành xử của địa phương.
– Nỗi lo của từng nhóm doanh nghiệp cụ thể là gì?
– Với nông nghiệp, nếu chỉ nhìn vào số liệu, năm 2023 có rất nhiều điểm sáng khi liên tục tăng trưởng về thị trường, đơn hàng. Chưa bao giờ xuất khẩu nông nghiệp lại rực rỡ, nhiều kỷ lục như thế. Nhưng đằng sau đó, doanh nghiệp không có tích lũy vốn tốt. Ở những giai đoạn cần gom tiền mua, bao tiêu hàng, áp lực tài chính của họ rất lớn trong khi bối cảnh chung năm 2023 là tình hình tài chính bị bào mòn, tiếp cận dòng tín dụng không đơn giản. Khi doanh nghiệp nội không bao tiêu kịp sẽ tạo thời cơ cho nhóm FDI vốn mạnh về dòng vốn thu mua.
Doanh nghiệp cũng gặp áp lực khi thị trường đòi hỏi sự chuyển mình về chất lượng. Với nhóm sản xuất, bài toán cải thiện chất lượng là của từng doanh nghiệp thì với nông nghiệp, đó là câu chuyện của cả hệ sinh thái với nhiều chủ thể, tư duy không cùng trên một mặt bằng. Do đó, nhóm này vẫn đang đối diện với nhiều bấp bênh.
Ở nhóm doanh nghiệp sản xuất, dư địa sử dụng vốn giá rẻ của họ đang giảm khủng khiếp trong khi yêu cầu về chất lượng ngày càng chặt. Không chỉ là câu chuyện chuyển đổi số, họ hiện đối diện với áp lực chuyển đổi xanh rất lớn khi là ngành phát thải cao. Các nhà mua quốc tế gần đây liên tục đưa ra thông điệp, yêu cầu về sản xuất, mua sắm xanh, nếu không chuyển dịch sẽ mất thị phần. Việc thay đổi với doanh nghiệp lúc này không mấy lạc quan khi nguồn tiền eo hẹp, lực lượng lao động chưa chuẩn bị kịp thời.
– Là người đồng hành cùng hoạt động của các hiệp hội, doanh nghiệp, điều gì khiến bà ấn tượng về cách họ vượt qua năm 2023?
– Cứ 6 tháng Ban IV lại khảo sát định kỳ để báo cáo thông tin hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp cho Thủ tướng, kèm gửi các tham mưu chính sách lên Thủ tướng. Kết quả lần này cho thấy những điểm tích cực tương đối so với hồi tháng 4. Thời kỳ khó khăn của doanh nghiệp đang tiếp diễn nhưng niềm tin đã quay trở lại. Ví dụ, tỷ lệ đánh giá “tích cực”, “rất tích cực” về kinh tế vĩ mô gấp 2,7 lần so với trước. Các chỉ số, chỉ báo khác như triển vọng tiếp cận vốn, thị trường, hiệu quả hỗ trợ của chính quyền địa phương đều có điểm cao hơn.
Về cơ bản họ đã quay lại mạch để tập trung sản xuất kinh doanh. Giữa 2023, tâm trạng của các chủ doanh sa sút nhiều, bị phân tâm vào những đứt gãy của nền kinh tế, những khủng hoảng trên toàn cầu. Cú sốc lúc đó với họ tương đối đột ngột bởi hầu hết nghĩ sau Covid, những khó khăn nhất đã qua.
Doanh nghiệp sau đó cũng đặc biệt tập trung vào mục tiêu tái cấu trúc để tối ưu hoạt động. Họ cũng chú trọng tìm kiếm thị trường mới – điều chưa bao giờ được bàn nhiều đến thế. Trước đó, nhiều doanh nghiệp rất ngại vì để tìm được đối tác mới mất rất nhiều thời gian, trong khi thị trường cũ vẫn ổn định.
Hàng loạt cuộc xúc tiến thực chất được mở ra với các đối tác đến từ những thị trường mới như Ấn Độ, Canada, khối Arab, Trung Đông. Nhiều doanh nghiệp nhờ vậy đã bù đắp được sự thiếu hụt do đơn hàng ở thị trường truyền thống giảm.
Kể với chúng tôi, anh Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch AA Corporation, gọi Campuchia là “thị trường cứu cánh” vì nhờ đó, doanh thu năm ngoái doanh nghiệp không kém so với 2022. Nước này không có biến động trong ngành bất động sản nên nhu cầu, sức mua của họ với đồ nội thất, sản phẩm từ gỗ rất ổn định.
Điểm nữa là doanh nghiệp cũng tích cực hơn với chuyển đổi xanh. Nếu như đầu 2023 họ còn rất hoang mang, chưa biết phải đi thế nào thì đến cuối năm, một số đã cải thiện nhận thức, hiểu biết, thậm chí bắt tay vào làm. Một số nhờ thế cũng được hưởng lợi nhất định.
Ví dụ, trong bối cảnh ngành dệt may tăng trưởng khó khăn, Công ty cổ phần May Hồ Gươm sau khi đạt được chứng chỉ xanh bền vững quốc tế, đã tận dụng để duy trì và mở rộng xuất khẩu ở một số thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao.
Secoin của anh Đinh Hồng Kỳ cũng tập trung phát triển các dòng sản phẩm vật liệu xây dựng bền vững nên cũng có chỗ đứng rất vững chắc, mở rộng được mạng lưới khách hàng theo xu hướng mua sắm xanh.
Nhìn chung, trong cả 2023, thứ tôi nghĩ tới và rất khâm phục các chủ doanh là tinh thần bền bỉ, vượt khó. Dù thời điểm khó khăn nhất, họ tuy dao động, thậm chí sụt giảm về niềm tin, vẫn bảo nhau “phải giữ doanh nghiệp, giữ người lao động, khó mấy rồi cũng có cách nếu bình tĩnh và gắn kết”. Tinh thần đó đã được củng cố dần và giúp nhiều doanh nghiệp bứt phá ở chặng cuối năm, thể hiện qua chỉ số vĩ mô hay từng ngành. Đây cũng là nội lực rất lớn giúp doanh nghiệp làm chủ tình hình trong 2024 vì khó khăn đến đâu chắc cũng không hơn 3 năm qua.
– Nếu nói như vậy liệu 2023 có phải đáy của doanh nghiệp?
– Nhìn vào các con số vĩ mô, chúng tôi hy vọng 2023 là đáy của khó khăn. Tuy vậy, các chuyên gia quốc tế và trong nước cũng cho rằng, 2024 còn nhiều diễn biến phức tạp khó đoán định, nên cũng không thể chủ quan. Tôi cho rằng vẫn phải giữ được tinh thần tự cứu mình, tìm cách mà sống, dù thế nào cũng phải cười để chiến đấu tiếp.
– Bà đánh giá thế nào về các giải pháp của Chính phủ trong năm qua?
– Quá trình làm việc với doanh nghiệp và thông qua cuộc khảo sát vừa rồi, chúng tôi thấy cộng đồng đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ khi quyết liệt, bám sát các diễn biến của nền kinh tế. Tăng trưởng GDP hay tốc độ giải ngân đầu tư công đều cho thấy điều đó. Bản thân chúng tôi cũng được tham dự nhiều cuộc họp của Thủ tướng và lãnh đạo Chính phủ để đốc thúc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế nên có cùng cảm nhận.
Đánh giá của doanh nghiệp trong khảo sát lần này tốt hơn so với lần 1 (hồi tháng 3/2023) về mọi chỉ số tiếp tục khẳng định điều này. Trong đó, nhiều ghi nhận liên quan tới các chính sách mà sự hỗ trợ có thể đi ngay vào đời sống, không cần trải qua các quy trình, thủ tục xét duyệt như gia hạn nộp VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 2% VAT cho một số hàng hóa, dịch vụ.
Nhưng cần lưu ý rằng, kết quả khảo sát vẫn cho thấy doanh nghiệp không đánh giá cao các chính sách buộc họ phải thực hiện nhiều quy trình thủ tục xét duyệt, chứng minh thậm chí có thể phải trải qua cơ chế xin – cho (như hoàn thuế VAT, hỗ trợ ưu đãi lãi suất 2%).
Họ cũng đánh giá khá tiêu cực với khâu thực thi chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp với chính quyền địa phương.
– Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong năm nay, theo bà Chính phủ cần quan tâm những gì?
– Về tổng thể, tôi cho rằng 2024 vẫn là năm Chính phủ cần duy trì quyết liệt, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp do họ thực sự bị bào mòn. Nếu không được vun đắp, sức lực của họ sẽ cạn kiệt. Nhưng sự hỗ trợ này phải tạo sự lan tỏa từ Chính phủ đến Bộ ngành, cấp cơ sở. Chúng ta phải có chính quyền hành động, chính quyền kiến tạo, chứ không dừng ở chính phủ. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng các chính sách càng giảm thiểu các quy trình, thủ tục thì càng hiệu quả.
Đồng thời, khi vai trò của Việt Nam không ngừng được củng cố trên trường quốc tế, đây là “thời điểm vàng” của cải cách, giải quyết triệt để những vấn đề nội tại của nền kinh tế cũng như của mô hình phát triển để tạo ra các động lực phát triển mới. Đã đến lúc chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, từ dựa trên thâm dụng tài nguyên, nguồn lực sang dựa trên hiệu quả, sáng tạo với các xu hướng xanh và số. Việt Nam đang có thế và lực để tận dụng cơ hội, phát triển kinh tế dựa trên sáng tạo và công nghệ.
Về định hướng giải pháp, tôi cho rằng vẫn phải “khoan thư sức dân”, trong đó, tạo dòng tiền; giảm, giãn thuế phí, phát triển các doanh nghiệp dân tộc, tận dụng các cơ hội từ vị thế mới của đất nước.
Phương Ánh