Đã gần 10 năm nay, các thành viên Câu lạc bộ Hát Then đàn tính Bản Hon (xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, Bắc Kạn) tích cực, bền bỉ, tự tin bảo vệ, thực hành và truyền dạy di sản văn hóa của mình. Câu chuyện giữ gìn di sản của họ mang nhiều ý nghĩa rộng lớn hơn về chính sách dân tộc, về đa dạng văn hóa, về một tương lai phát triển đậm bản sắc và bền vững.
Dòng chảy di sản truyền qua nhiều thế hệ
Hát Then – đàn tính là loại hình nghệ thuật tâm linh quan trọng trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía bắc. Giai điệu Then sâu lắng, mang sức truyền cảm, lay động lòng người. Qua ngôn ngữ, lời Then ẩn chứa chiều sâu văn hóa. Còn thanh âm đàn tính mượt mà tạo nên giai điệu đặc sắc. Với phương thức truyền miệng, diễn xướng, lời Then kết hợp với đàn tính đẹp như “một cặp trời sinh”.
Đàn tính – hát Then như một phương cách giao tiếp mang đậm bản sắc văn hóa của người dân nơi đây. Các khúc hát Then đều chứa đựng tình yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng, truyền lại đạo lý làm người, ca ngợi phong cảnh làng bản, quê hương… Với những giá trị nghệ thuật độc đáo, Then là một phần tâm hồn, tình cảm và mang khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Đối với người Tày ở huyện Ba Bể (Bắc Kạn), Then chứa đựng cả tâm lý, tình cảm, suy nghĩ, thói quen, phong tục xã hội. Đó là tinh thần cộng đồng, sự đoàn kết tương trợ giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ, làng bản.
Người Tày coi tiếng đàn tính và câu Then là cầu nối đưa những ước mong của con người đến mường trời. Cây đàn tính là nhạc cụ linh hồn trong nghệ thuật dân ca, dân vũ Tày. Tiếng hát Then và đàn tính hòa quyện cùng phản ánh, kết nối tâm tư tình cảm người chơi và người nghe.
Trình diễn Then ở Liên hoan Hát Then – Đàn tính năm 2022.
Bắt đầu từ một “cú hích”
Câu chuyện bắt đầu từ gần 10 năm trước, tháng 7/2015, Dự án Tăng cường sự tham gia và tiếng nói của phụ nữ dân tộc (do Liên minh EU tài trợ, các tổ chức CARE Việt Nam và Viện nghiên cứu Xã hội Kinh tế Môi trường (iSEE) phối hợp thực hiện) khuyến khích bà con người dân tộc thiểu số nhận thức và nêu lên vấn đề đang tồn tại trong cộng đồng của mình để cùng nhau giải quyết.
Những nhóm nghiên cứu gồm các phụ nữ người dân tộc Tày, Dao, Mông được tập huấn về phương pháp đồng nghiên cứu, được học cách dùng máy ảnh để kể những câu chuyện mình nhìn thấy và muốn nói ở chính thôn bản của mình. Họ đã nêu lên những vấn đề mà họ thấy cấp thiết: ô nhiễm nguồn nước; rác thải sinh hoạt; trẻ em bỏ học; xây nhà họp thôn; phát triển chăn nuôi; bảo tồn văn hóa dân tộc: đàn tính hát then truyền thống của người Tày, lễ hội cầu mùa của người Dao… Họ cũng đã đủ tự tin để trình bày những kết quả nghiên cứu của mình tại các diễn đàn, với những nhà quản lý, cả với những người hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô.
Một buổi tập Then của các thành viên trong CLB
Bà con Bản Hon (xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, Bắc Kạn) là một trong những nơi tham gia Dự án với những trăn trở, băn khoăn về việc trẻ em trong bản hiện nay không biết đọc tiếng Tày, không biết đàn tính, không biết hát Then… Anh Mã Trung Trực, một người Bản Hon mang nặng những trăn trở với quê hương, đã thành lập Câu lạc bộ Hát Then đàn tính ở Bản Hon, xuất phát từ câu hỏi “Làm sao để giữ được những bản sắc dân tộc của mình”. Ban đầu Câu lạc bộ gồm 14 các em, các cháu thanh thiếu niên trong bản.
Được khuyến khích bằng “cú hích” từ Dự án, Câu lạc bộ Hát Then đàn tính hoạt động rất sôi nổi. Các thành viên cùng nhau tập đàn, tập hát trong thời gian rỗi, khi “có hội” lại cùng nhau đi biểu diễn dù còn chưa đủ thiết bị trang âm, có khi cũng không có bồi dưỡng… Tuy còn thiếu thốn nhiều trang bị vật chất nhưng tinh thần của văn hóa truyền thống được khẳng định với sự đồng thuận và tự nguyện của mọi người.
Chị Chu Thị Bời, người Tày, trưởng nhóm Đồng nghiên cứu Hát Then Đàn tính ở Bản Hon, nói về lý do chọn một nét đặc sắc của văn hóa Tày để nghiên cứu và phát triển thực hành chỉ đơn giản là “muốn Hát Then đàn tính của người Tày được giữ gìn và được nhiều người biết đến”. Chị còn nêu nguyện vọng “muốn Hát Then đàn tính được bảo tồn bằng một chương trình có sự ủng hộ của chính quyền”.
Hướng suy nghĩ này đã được nhiều người ủng hộ, đồng hành. Hơn thế nữa, ngày 12/12/2019, “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào lớn của cộng đồng thực hành Then nói chung và của đồng bào Tày ở Ba Bể nói riêng – trong đó có Câu lạc bộ Hát Then đàn tính Bản Hon.
Chị Chu Thị Bời là thành viên nòng cốt, năng nổ của Câu lạc bộ từ ngày thành lập đến nay. Hiện tại, mặc dù khá bận bịu với cương vị Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Bành Trạch, nhưng nếu có điều kiện là chị lại đi cùng Câu lạc bộ, giao lưu tiếng hát, điệu Then tại các liên hoan, hội diễn không chỉ ở Bắc Kạn mà còn ở nhiều địa phương khác. Câu lạc bộ còn biểu diễn cho nhiều đoàn khách du lịch tới Bắc Kạn, đi thăm hồ Ba Bể…
Đã có thêm người trẻ theo học Hát Then.
Cứ như thế, tiếng lành đồn xa, Câu lạc bộ Hát Then Đàn tính Bản Hon dần nổi tiếng khắp vùng. Câu lạc bộ cũng được mở rộng hơn, từ 14 thành viên ban đầu, nay đã lên đến 24 người. Điều đáng mừng hơn, các thành viên mới đều là các em thiếu niên yêu các điệu Then, yêu đàn tính và mong muốn giới thiệu văn hóa dân tộc mình.
Chủ nhiệm CLB Then Mã Trung Trực
Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của Chủ nhiệm Mã Trung Trực, mọi người truyền nhau tập những bài Then cổ nói về tình cảm nam nữ kết đôi, về phong cảnh, phong tục bản làng, về cuộc sống lao động sản xuất bình yên, về ước mong được mùa, mong trâu, bò, gà, lợn sinh sôi…
Câu lạc bộ còn tập được nhiều bài Then có lời mới nói về cuộc sống mới hạnh phúc tự do:
Điều này cho thấy tương lai trao truyền tiếp nối của một di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trong vùng người Tày Ba Bể.
Anh Mã Trung Trực cũng là người sưu tầm các bài Then để dạy lại cho các em trong câu lạc bộ. Anh đồng thời là nghệ nhân làm đàn tính cho các thành viên Câu lạc bộ. “Xưởng đàn” tại nhà của anh còn làm đàn tính cho nhiều nơi khác và phục vụ cả những đơn đặt hàng ở xa. Mỗi cây đàn tính được làm ra đều là tâm huyết của nghệ nhân, cũng là nơi họ gửi gắm cả tâm hồn, tình yêu dân tộc mình. Những cây đàn tính cũng thể hiện sự tài hoa, niềm đam mê, lòng tự hào về bản làng, về núi rừng quê hương của các nghệ nhân.
Cộng đồng nhỏ truyền tải được thông điệp lớn
Chuyện của Câu lạc bộ Hát Then đàn tính Bản Hon đã gợi mở những cách tiếp cận mới với nhiều câu chuyện tưởng như đã “cũ”. Câu lạc bộ Hát Then đàn tính Bản Hon cũng là một mô hình phát triển văn hóa quần chúng có chi phí thấp do cộng đồng tự quyết định. Trong Câu lạc bộ Hát Then đàn tính Bản Hon cũng đã có những em nhỏ thuộc thế hệ tiếp nối cùng đàn và hát với các anh chị, nhen lên hy vọng di sản văn hóa sẽ được trao truyền dài lâu.
Ở Bản Hon, điều đáng mừng là các cấp chính quyền địa phương đều nhận thấy và ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng. Việc quan tâm, tôn trọng những ý kiến và nguyện vọng của cộng đồng làm cho ý nghĩa việc nâng cao năng lực và tiếng nói của những người trong cuộc là những nhóm dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ người dân tộc, trở nên mạnh mẽ và thiết thực hơn. Những điều này không chỉ mang ý nghĩa phát triển kinh tế và sinh kế cho vùng dân tộc miền núi mà còn mang nhiều ý nghĩa khác rộng lớn hơn về chính sách dân tộc, về đa dạng văn hóa, về một tương lai phát triển đậm bản sắc và bền vững.
Cũng qua hoạt động của “điểm sáng” Câu lạc bộ Hát Then đàn tính Bản Hon, có thể thấy những nguyên tắc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể theo các khuyến nghị của UNESCO, của Luật Di sản văn hóa, của các chuyên gia đã được tôn trọng và thực hiện tốt. Những lời hát Then, tiếng đàn tính của các em, các cháu là minh chứng rõ nét nhất: “Thực hành di sản” là hoạt động quan trọng nhất đối với di sản văn hoá phi vật thể và được thực hiện bởi cộng đồng sở hữu di sản đó. Chỉ qua “thực hành”, di sản mới (tự) chứng minh được sức sống, mới được trao truyền và biến đổi, phát triển, từ đó mới có thể được ghi danh. Qua “thực hành di sản”, cộng đồng chủ thể duy trì tính liên tục của di sản văn hóa phi vật thể theo đúng bản chất và chức năng cần có của di sản.
Câu lạc bộ Hát Then Đàn tính với niềm tin của các thành viên đã tích cực, bền bỉ bảo vệ, thực hành và truyền dạy di sản văn hóa của mình, và đây cũng là lời khẳng định/minh họa nguyên tắc đã được các nhà nghiên cứu xác lập: Di sản văn hóa phi vật thể hoàn toàn thuộc về các cộng đồng, đó là “tài sản” của các cộng đồng. Đó cũng là minh chứng cho tinh thần của Công ước 2003 UNESCO: “Cộng đồng quyết định những thực hành văn hóa của họ và quyền đó cần được tôn trọng”. Cộng đồng thực hành di sản Then ở Bản Hon dù quy mô nhỏ nhưng đã truyền tải được thông điệp về một vấn đề văn hóa lớn.
Tổ chức thực hiện: MINH ĐÔNG
Nội dung: VƯƠNG ANH – TUYẾT LOAN
Ảnh: VƯƠNG ANH, babe.gov.vn
Trình bày: TUYẾT LOAN
Nhandan.vn
Nguồn:https://special.nhandan.vn/ban-hon-giu-gin-di-san-hat-then-dan-tinh/index.html