Những cung đường được gợi ý xuất phát từ TP.HCM theo lịch trình 4 hoặc 5 ngày. Những tuyến này giúp bạn khám phá ẩm thực, ngắm cảnh đẹp trên đường, tắm biển kết hợp nghỉ ngơi nên không cần phải đi nhanh, các bạn cứ nhẩn nha tận hưởng kỳ nghỉ.
1. Một vòng tứ giác Long Xuyên
Tứ giác Long Xuyên là vùng đất được nối từ bốn thành phố: Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá.
Đây là vựa lúa lớn của miền Tây với đất đai trù phú, cây trái quanh năm và còn có cả núi và biển.
Xin gợi ý bạn có thể dành 2 ngày ở Châu Đốc và 1 ngày ở Hà Tiên.
Vì sao là Châu Đốc? Tập đoàn Victoria đã đầu tư đến 2 khách sạn 5 sao ở thành phố miền Nam nhỏ bé này do nơi này thú vị lắm.
Ngoài “trái tim” của vùng này là miếu Bà Chúa Xứ mà mỗi mùa vía Bà có cả triệu người hành hương về đây, Châu Đốc và vùng phụ cận còn nhiều nơi đáng đi. Đó là làng người Chăm với cả chục thánh đường Hồi giáo, rừng tràm Trà Sư, vùng Bảy Núi – Thất Sơn huyền bí, Tri Tôn – điểm giao 2 đường chéo của tứ giác Long Xuyên, núi Cấm, nhà mồ Ba Chúc…
Ngoài ra, Châu Đốc còn vang danh với các loại khô và mắm do sông nước vùng này có nhiều cá. Ghé chợ Châu Đốc bạn sẽ “ngộp” với dãy hàng khô – mắm, tha hồ lựa chọn mua về làm quà hoặc để dành ăn dần.
Còn “Hà Tiên thập cảnh” là nơi hội tụ 10 danh lam thắng cảnh hoang sơ đầy hấp dẫn tiêu biểu của Nam Bộ: chùa Tam Bảo, núi Pháo Đài, Mũi Nai, bãi biển phía Nam, Thạch Động, bình minh trên sông Đông Hồ, tiếng trống canh ở đồn Giang Thành, xóm chài Rạch Vược, núi Bình San, núi Đá Dựng.
Buổi tối ở Hà Tiên, bạn nhớ đi tìm món bún nhâm để ăn, vì ở các nơi khác không bán món này đâu.
Nguyên liệu đơn giản chỉ gồm bún tươi, đu đủ bào sợi, chà bông tôm khô, rau thơm chan cốt dừa và nước mắm chua ngọt nhưng sự hòa quyện độc đáo tạo nên hương vị đặc biệt cho món ăn này.
Cung đường này còn những điểm bạn có thể ghé qua là Rạch Giá, Long Xuyên, Sa Đéc để mua trái cây và thưởng thức những món đặc sản như cơm tấm Long Xuyên, bún cá Kiên Giang, hủ tiếu Sa Đéc…
2. Đi qua 9 cửa sông Cửu Long
Sông Cửu Long đổ ra biển bằng 9 cửa, nay cửa sông Ba Thắc ở Sóc Trăng đã bị bồi lấp, bạn sẽ đi qua 8 cửa sông bằng phà ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng.
Từ TP.HCM, điểm đến đầu tiên là Gò Công, bạn sẽ đi qua 7 phà, từ những con phà nhỏ chỉ vài chục mét cho đến những con phà rộng như biển nhìn không thấy bờ bên kia.
Cung đường này gợi ý bạn nên dừng ở 3 nơi là Gò Công, Trà Vinh và Sóc Trăng. Gò Công còn rất nhiều dinh thự, nhà thờ, nhà cổ – những công trình kiến trúc cả trăm năm tuổi mà nhiều bộ phim kinh dị, phim có bối cảnh xưa thường xuống đây quay. Còn Trà Vinh và Sóc Trăng là vùng đất có nhiều người Khmer sinh sống, những ngôi chùa ở đây có kiến trúc độc đáo sẽ khiến bạn ngỡ ngàng.
Về ẩm thực, ở Gò Công có rất nhiều quán hủ tiếu và cơm tấm mà quán nào cũng ngon. Bạn cũng nên tìm ăn bánh giá – món riêng có của Gò Công ăn kèm với rau sống và nước mắm chua ngọt.
Ở Trà Vinh, bạn hãy đến quán Bến Có để thưởng thức món bánh canh dai dai ăn cùng với lòng heo. Nhớ mua thêm đòn bánh tét Trà Cuôn và trái dừa sáp nữa là đủ “combo”.
Bánh pía và lạp xưởng là 2 món ở Sóc Trăng mà bạn có thể mua về làm quà.
Trên đường về lại TP.HCM bạn có thể ghé Cần Thơ – thủ phủ của Tây Nam Bộ.
3. Cung đường nối biển và hoa
Cung đường này đưa bạn xuống biển và lên núi, phù hợp với gia đình có ô tô, vừa đi chơi vừa ngắm cảnh, không lo kẹt xe ở cao tốc.
Từ TP.HCM, bạn chạy xuống Bà Rịa và từ đó cứ theo đường biển mà đi. Đến Phan Rang thì vượt đèo Ngoạn Mục lên Đà Lạt chơi, xuống Bảo Lộc ngắm cảnh rồi xuôi về TP.HCM.
Bạn cũng có thể đi theo chiều ngược lại: lên núi trước rồi xuống tắm biển sau.
Cung đường này có nhiều địa điểm để bạn dừng lại tham quan và nghỉ ngơi, tùy nhu cầu và sở thích để bạn lựa chọn. Chẳng hạn như Kê Gà – hải đăng cao và xưa nhất Việt Nam, bạn có thể ngủ qua đêm bằng lều trên đảo, nhớ đem theo thức ăn và nước uống vì ở đó không có dịch vụ.
Hòa Thắng có bãi biển hoang sơ và làng chài đầy ắp những ghe hải sản mỗi sớm mai. Vịnh Vĩnh Hy ba mặt là núi nên quanh năm biển lặng có thể lặn ngắm san hô, hải sản đa dạng và suối Lồ Ồ nước trong vắt.
Ngoạn Mục – một trong những con đèo đẹp – đưa bạn từ vùng biển nắng gió Phan Rang đến với cao nguyên Lang Biang mát lạnh.
Đà Lạt xứ sở ngàn hoa và vùng chè Bảo Lộc không khí trong lành mát mẻ sẽ cho bạn những ngày nghỉ thư thái.
4. Tây Nguyên mùa con ong lấy mật, bướm bay rợp trời
Tháng ba âm lịch ở Tây Nguyên được xem là thời điểm đẹp nhất nơi này. Đỉnh điểm của mùa khô, hoa cà phê tàn đi cũng là lúc kén bướm bắt đầu tung cánh bay lên.
Bướm bay rợp trời khắp nơi với số lượng lớn, kéo dài cho đến khoảng tháng năm khi trời mưa xuống.
Cung đường Tây Nguyên đi theo quốc lộ 14 dành cho những bạn có tính kiên nhẫn vì không đi nhanh được, do giới hạn tốc độ. Bù lại là cảnh đẹp hai bên đường với những hàng cây dài tăm tắp, những con dốc uốn lượn và bạn sẽ ồ, à nhiều lần khi gặp những đàn bướm cả trăm con lượn khắp vùng.
Đợt nghỉ lễ này ở Buôn Ma Thuột có giải chạy vào ngày 28-4 nên nếu không muốn gặp cảnh đông đúc thì bạn nên đi Gia Lai – Kon Tum 2 ngày đầu, còn 3 ngày sau thì xuống Đắk Lắk, qua Đắk Nông. Trên đường về lại TP.HCM bạn hãy ghé Bình Phước để tham quan Vườn quốc gia Bù Gia Mập.
Đến Tây Nguyên phải đi thác, vì vùng này có hàng trăm con thác đẹp.
Phải kể đến đầu tiên là cặp thác Dray Nur – Dray Sáp. Tuy nằm ở 2 địa phận Đắk Lắk và Đắk Nông nhưng lại kề bên nhau nên có thể kết hợp đi một lần. Ở gần khu vực này còn có 2 con thác lớn là thác Gia Long và thác Trinh Nữ.
Ở Đắk Lắk có thác Krông Kmar (huyện Krông Bông), thác Thủy Tiên (huyện Krông Năng), thác Drai Êga (huyện Buôn Hồ)…
Ở Gia Lai thì gần trung tâm có thác Phú Cường (thuộc huyện Chư Sê, cách Pleiku khoảng 45km) với dòng thác cao hơn 40m. Thác Đội 3 Bàu Cạn gần hơn, cách Pleiku khoảng 30km thuộc xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông.
Ngoài ra, Gia Lai còn sở hữu một con thác rất đẹp là thác K50 nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện K’Bang, cách Pleiku 150km, nên bạn cần có 2 ngày để khám phá con thác này.
Những cơ sở tôn giáo cũng đáng được quan tâm ở cung đường này. Hãy ghé nhà thờ gỗ Kon Tum, chùa Minh Thành ở Pleiku, chùa Khải Đoan ở Buôn Ma Thuột hoặc nhà thờ Buôn Hồ nằm trên quốc lộ 14.
5. Đi tắm biển bằng xe lửa
Cung đường này giúp bạn chủ động sắp xếp thời gian vì không lo kẹt xe do đi bằng xe lửa.
Bạn hãy lên lịch trình ngay từ bây giờ và mua vé xe lửa online rất dễ dàng.
Những điểm dừng chân ở cung này đều có nhà ga ngay trung tâm thành phố, rất thuận tiện để di chuyển đến khách sạn hay các bãi biển, điểm tham quan.
Đêm đầu tiên, từ ga Sài Gòn, bạn ngủ trên tàu một giấc là đến Nha Trang.
Ở đây bạn đi ra đảo tắm biển hoặc đi tắm suối ở Ba Hồ, Đá Giăng, suối Hoa Lan, suối Tiên ở Diên Khánh…
Hoặc đơn giản hơn thì bạn tắm biển ngay trong thành phố ở bãi Trần Phú rồi đi ăn hàng. Bún cá, nem nướng, bánh căn và các loại hải sản phong phú món nào cũng tươi ngon.
Từ Nha Trang ra Tuy Hòa chỉ mất 2 giờ ngồi tàu với con đường ven biển tuyệt đẹp. Ở gần Tuy Hòa có nhiều bãi biển để bạn tha hồ lựa chọn: gần thì có bãi biển Tuy Hòa, bãi Long Thủy. Xa hơn chút thì có bãi Xếp hoặc Mũi Điện.
Những địa điểm ở Tuy Hòa bạn hãy đến check-in cho “bằng chị bằng em” như tháp Nhạn, tháp Nghinh Phong…
Từ ga Tuy Hòa đến Quy Nhơn hết 2 tiếng 30 phút. Một ngày ở Quy Nhơn, bạn có thể chọn tham quan: Kỳ Co – Eo Gió, Hòn Khô, Ghềnh Ráng Tiên Sa, làng chài Nhơn Lý, quần thể các tháp Chăm…
Nếu là người đạo Công giáo, bạn hãy đến Tiểu chủng viện Làng Sông cách Quy Nhơn 10km. Buổi chiều bạn tắm biển cho đã đời rồi thưởng thức những món ngon ở đây như bánh xèo tôm nhảy, bánh hỏi cháo lòng, bún rạm, chả ram tôm đất và muôn loại hải sản tươi rói.
Từ Quy Nhơn bạn mua vé tàu về Phan Rang hoặc Phan Thiết chơi thêm một ngày nữa cho đủ 5 ngày nghỉ của đợt lễ này.
Chúc các bạn chọn được cung đường phù hợp và một chuyến đi nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sảng khoái, tràn đầy năng lượng.