Nhiều khu phố ẩm thực chưa đem lại hiệu quả
Ra mắt vào tháng 12.2022, phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (Quận 3) chỉ đông đúc trong vài ngày đầu ra mắt. Sau đó, khu phố này trở nên vắng vẻ, các hàng quán chủ yếu bán qua các ứng dụng.
Anh Hoàng Sơn – kinh doanh tiệm nước trên đường Nguyễn Thượng Hiền – chia sẻ: “Các hàng quán kinh doanh tại đây có diện tích khá nhỏ nên chỗ ngồi cho khách cũng bị hạn chế. Dọc tuyến đường là các cửa hàng kinh doanh bánh tráng trộn, tré trộn, trà sữa… nhưng nằm lác đác nên khách cũng ngại lựa chọn. Thêm vào đó, nhiều khách cũng ngại ghé khu phố này vì không có chỗ gửi xe”.
Tình trạng đìu hiu cũng diễn ra tại phố ẩm thực Kỳ Đài Quang Trung (Quận 10). Tháng 12.2020, khu phố này chính thức đi vào hoạt động với 49 gian hàng ẩm thực, mỗi gian hàng rộng từ 4,5 – 6 m2, cùng một khu ăn uống tập trung rộng khoảng 300 m2.
Tuy nhiên, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, đến nay khu phố này đã bị nhiều người dân TPHCM “lãng quên”. Nhiều tiểu thương cố gắng bám trụ với việc kinh doanh ở khu phố ẩm thực Kỳ Đài Quang Trung.
“Phố ẩm thực chỉ đông vào mấy tháng đầu mới khai trương, hiện nay gian hàng nào cũng ế ẩm không có khách. Mặc dù đã được đổi mới nhưng khách ngày càng vắng, nhiều tiểu thương cũng chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác” – bà Thanh Thương – người dân sống tại Quận 10 chia sẻ.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, hiện chỉ một số nơi nổi tiếng đông đúc khách như phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (Quận 10), Vĩnh Khánh (Quận 4) và 2 khu phố ẩm thực “mới toanh” là Hà Tôn Quyền (Quận 11), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận). Trong khi đó, những tuyến phố khác như phố Nguyễn Thượng Hiền (Quận 3), Kỳ Đài Quang Trung (Quận 10), Hậu Giang (Quận 6)… rơi vào cảnh ế ẩm.
Hiện, nhiều địa phương đang có kế hoạch mở thêm nhiều khu phố ẩm thực tại khu hồ Bán Nguyệt – cầu Ánh Sao (Quận 7), Trung Sơn (huyện Bình Chánh). Đây là bài toán với chính quyền các địa phương về việc phát triển phố mới tránh lặp lại kịch bản “người bán nhiều hơn người mua”.
Cần cân nhắc kỹ nhiều yếu tố
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương – Quyền Viện Trưởng Viện nghiên cứu Du lịch Xã hội cho biết, khi các khu phố mở ra ế ẩm, nhưng lại vẫn tiếp tục mở ra các khu phố ẩm thực mới thì phải cân nhắc nhiều yếu tố. Đầu tiên, phải xác định rõ mục đích mở ra các khu phố ẩm thực là tập hợp quản lý, phát triển kinh tế địa phương hay làm báo cáo, sổ sách.
“Nếu mở phố ẩm thực để phát triển kinh tế địa phương thì cần xem lại việc quy hoạch tổng quan có bài bản, có khả năng thu hút du khách và đúng với xu thế của thị trường hay chưa. Trường hợp mở phố ẩm thực chỉ để quản lý những hoạt động kinh doanh tự phát thì không đem lại hiệu quả” – ông Phương nhận định.
Đánh giá về tiềm năng của kinh tế đêm tại TPHCM, theo ông Lưu Nhật Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực TPHCM, với đặc trưng là “thành phố không ngủ” như TPHCM, hiện nay việc phát triển kinh tế đêm vẫn chưa khai phá hết tiềm năng vốn có. Chính quyền mở thêm nhiều khu phố ẩm thực đêm trong thời gian gần đây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ thành phố đang đi đúng hướng để khai thác tiềm lực kinh tế đêm.
Tuy vậy, ông Tuấn cho rằng, việc phối hợp quản lý, quy hoạch phố ẩm thực như thế nào sẽ còn phải bàn rất nhiều. Ông đề xuất, khi quy hoạch mới một khu vực, cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên đóng vai trò người quản lý, giám sát, tạo điều kiện để doanh nghiệp được đồng hành. Vì chính doanh nghiệp sẽ biết phải làm gì để phát triển việc buôn bán kinh doanh, vì miếng cơm manh áo của họ.