Thưa ông, nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng cho ngành công nghiệp bán dẫn như nào?
– Hiện nay, người học cũng như các bạn sinh viên đều ý thức được cơ hội trong ngành công nghiệp bán dẫn. Những năm gần đây, điểm chuẩn nhóm ngành công nghệ ở các trường đại học lớn như Đại học Quốc gia, Đại học Bách khoa Hà Nội rất cao. Ví dụ như ngành công nghệ thông tin, khoa học máy tính thường đứng đầu trong thang điểm chuẩn.
Ngày xưa có câu “Nhất y nhì dược” nhưng bây giờ nhóm ngành khoa học máy tính đã dẫn đầu trong vài năm liên tục. Rõ ràng sự dịch chuyển đang theo xu hướng tốt trong chọn ngành chọn nghề, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ của các bạn trẻ Việt Nam.
Nếu tận dụng nguồn lực chất lượng cao, nguồn vốn từ các tập đoàn công nghệ đổ vào Việt Nam, đồng thời tận dụng chính sách khuyến khích cho sự phát triển của ngành khoa học công nghệ thì sẽ là cơ hội rất lớn để Việt Nam bứt phá.
Trong lĩnh vực công nghệ cao, việc đếm số lượng nhân lực là rất khó bởi một nhân lực giỏi có thể bằng nhiều nhân lực trung bình. Nên rất khó để khẳng định nhân lực hiện nay có đáp ứng được nhu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn hay không? Nhưng tôi tin rằng, với chất lượng đầu vào cao, chương trình đào tạo mới được kiểm định quốc tế, nguồn nhân lực Việt Nam có thể hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp.
Ông cho rằng, những thách thức của các trường đại học tại Việt Nam để bắt kịp cơ hội ngành công nghiệp bán dẫn là gì?
– Công nghiệp bán dẫn là một lĩnh vực rất khó. Các sinh viên khi tham gia học tập, thực hành cũng không trực quan như các ngành công nghệ khác. Ví dụ như trí tuệ nhân tạo, từ hình ảnh đến âm thanh khi lập trình sẽ ra kết quả trực quan, cơ hội nghề nghiệp rất rõ ràng.
Nhưng đối với ngành công nghiệp bán dẫn lại chỉ như người đứng sau. Các bạn sẽ thiết kế các vi mạch. Khi thiết kế xong cần thời gian dài để đúc thành con chip và triển khai ra bên ngoài. Do đó thách thức lớn nhất là làm thế nào để các bạn sinh viên đam mê và theo được ngành này.
Thứ hai, các trường đại học ở Việt Nam hầu như thiếu giảng viên, giáo sư đầu ngành về công nghệ bán dẫn, đặc biệt là thiết kế vi mạch. Bởi những người giỏi thường chọn các tập đoàn lớn bên ngoài để hưởng mức lương cao hơn.
Thứ ba, hệ thống phòng thí nghiệm chưa đáp ứng được các phần mềm, thiết bị đặc thù. Chi phí đầu tư cũng rất tốn kém.
Cuối cùng, sự hợp tác giữa trường đại học ở Việt Nam với các doanh nghiệp hay hợp tác “ba nhà” cũng chưa đáp ứng được kỳ vọng. Làm sao để doanh nghiệp đầu tư vào R&D (nghiên cứu và phát triển) trong trường đại học, hay chính sách ra sao để thúc đẩy sinh viên, giảng viên khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn…
Để tháo gỡ những vướng mắc đó thì cần những giải pháp nào, thưa ông?
– Các cơ quan quản lý cần có chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó gồm chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, các trường đại học nên hợp tác với nhau, đồng thời hợp tác với doanh nghiệp để thu hút, đào tạo nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn. Mới đây nhất, 5 trường đại học lớn đã ký kết hợp tác để cùng nhau nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp này.
Xin cảm ơn ông!