(Dân trí) – Bài thi tự luận của kỳ thi tốt nghiệp THPT có 2 lần chấm độc lập trong khi bài trắc nghiệm sử dụng máy chấm.
Chấm bài thi tự luận
Ở vòng chấm thứ nhất, giám khảo nhận túi bài thi đã làm phách sẽ kiểm tra từng bài thi trước khi chấm. Việc kiểm tra nhằm bảo đảm các bài thi đủ số tờ, số phách, kịp thời phát hiện những bất thường có dấu hiệu vi phạm quy chế trong bài thi.
Đồng thời, giám khảo sẽ gạch chéo tất cả những phần giấy trắng còn thừa do thí sinh không viết hết trên tờ giấy làm bài thi.
Ngoài những nét gạch chéo này, giám khảo chấm vòng 1 sẽ không ghi gì vào bài thi của thí sinh và túi bài thi.
Điểm thành phần, điểm toàn bài và các nhận xét nếu có chỉ được ghi vào 1 phiếu chấm của từng bài thi. Trên tờ phiếu chấm này ghi rõ họ, tên và chữ ký của giám khảo.
Chấm xong túi nào, giám khảo giao túi ấy cho Trưởng môn chấm thi hoặc Tổ trưởng Tổ Chấm thi tự luận được Trưởng môn chấm thi ủy quyền (gọi chung là Trưởng môn chấm thi).
Ở vòng chấm thứ hai, thành viên Ban Thư ký rút toàn bộ các phiếu chấm thi vòng 1 trong các túi bài thi ra. Các túi bài thi sau đó sẽ được bốc thăm để giao cho giám khảo mới, đảm bảo không giao trở lại túi bài thi đã chấm cho chính người chấm lần 1.
Giám khảo vòng 2 sẽ ghi điểm chấm trực tiếp vào bài thi của thí sinh. Điểm chấm từng ý nhỏ ghi tại lề bên trái bài thi ngay cạnh ý được chấm.
Sau khi hai lần chấm hoàn tất, Trưởng môn chấm thi tiếp nhận bài thi, phiếu chấm từ Ban Thư ký và chỉ đạo các Tổ chấm thi tự luận thực hiện thống nhất điểm bài thi.
Điểm bài thi của thí sinh chỉ được ghi vào vị trí quy định trên tờ giấy thi sau khi các giám khảo thống nhất điểm.
Nếu điểm toàn bài hoặc điểm thành phần không lệch nhau hoặc lệch nhau dưới 1 điểm, hai giám khảo tự thảo luận thống nhất điểm.
Nếu điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau 1-1,5 điểm, các giám khảo thảo luận và ghi lại bằng biên bản, báo cáo Trưởng môn chấm thi để thống nhất điểm.
Trường hợp hai giám khảo không thống nhất được điểm, Trưởng môn chấm thi lập biên bản quyết định điểm.
Nếu điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau trên 1,5 điểm, Trưởng môn chấm thi tổ chức chấm lần thứ ba trực tiếp vào bài thi của thí sinh bằng mực màu khác.
Ở lần chấm thứ ba, nếu kết quả 3 lần chấm lệch nhau tối đa 2,5 điểm, Trưởng môn chấm thi sẽ lấy điểm trung bình cộng của cả 3 lần làm điểm chính thức.
Nếu số điểm lệch lớn hơn 2,5, Trưởng môn chấm thi sẽ tổ chức chấm chung với tất cả giám khảo trong Tổ chấm thi tự luận.
Bước nhập điểm bài thi tự luận lên hệ thống cũng có 2 vòng độc lập, được thực hiện bởi hai nhóm khác nhau, mỗi nhóm tối thiểu 3 người gồm 1 người đọc, 1 người nhập vào phần mềm và 1 người giám sát, kiểm tra đối chiếu.
Chỉ sau khi hoàn thành việc nhập điểm, việc khớp phách trên phần mềm mới được thực hiện. Lúc này, dữ liệu nhập điểm bài thi tự luận và dữ liệu thông tin của thí sinh kèm số phách mới được ghép lại với nhau.
Để đảm bảo việc khớp phách chuẩn xác, không ghép nhầm điểm của thí sinh này với thông tin của thí sinh khác, Ban Thư ký sẽ khớp phách bằng tay ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận.
Nếu có sai sót phải lập biên bản, báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi để xác định rõ nguyên nhân và có biện pháp khắc phục.
Chấm bài thi trắc nghiệm
Để vào khu vực chấm bài thi trắc nghiệm, tất cả những người liên quan không được mang theo bút chì, tẩy và các vật dụng bị cấm khác. Điều này nhằm đảm bảo không ai có thể sửa chữa, thêm bớt vào phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh.
Bài làm của thí sinh phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp, kể từ khi quét ảnh đến khi có kết quả.
Máy tính phục vụ công tác chấm thi trắc nghiệm được kết nối thành mạng LAN nội bộ. Vỏ máy và các cổng kết nối, khe cắm chưa cần hoặc không cần sử dụng trên máy tính chấm thi được niêm phong trước khi thực hiện chấm thi.
Toàn bộ hệ thống chấm thi trắc nghiệm sẽ được quét thử để bảo đảm tính tương thích giữa các thiết bị và phần mềm.
Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm sẽ nhập danh sách thí sinh từ tệp tin được xuất ra từ hệ thống quản lý thi do Hội đồng thi bàn giao, sau đó phân công nhiệm vụ cho các thành viên.
Việc quét phiếu trả lời trắc nghiệm và nhận diện ảnh quét được thực hiện theo từng túi bài thi, quét xong túi nào niêm phong lại túi đó.
Sau khi hoàn thành việc quét và nhận dạng ảnh quét, Tổ chấm thi trắc nghiệm báo cáo lãnh đạo Ban Chấm thi và thực hiện xuất dữ liệu từ phần mềm.
Dữ liệu xuất ra được lưu vào 2 bộ đĩa CD có nội dung giống nhau, gọi tắt là CD0.
Trường hợp có lỗi kỹ thuật trong quá trình quét, như phần mềm không nhận diện được lựa chọn của thí sinh, Tổ Chấm thi trắc nghiệm sẽ kiểm tra và sửa lỗi, lập biên bản sửa lỗi có chữ ký đầy đủ của các bên liên quan.
Ở bước chấm điểm, Tổ Chấm trắc nghiệm sẽ nạp dữ liệu đáp án chấm thi trắc nghiệm vào phần mềm chấm thi, sau đó thực hiện chức năng chấm điểm trên phần mềm.
Kết quả chấm thi này sau đó được xuất từ phần mềm để lưu vào 2 bộ đĩa CD có nội dung giống nhau, gọi tắt là CD2.
Các bộ đĩa sau đó sẽ gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Toàn bộ quá trình chấm thi gồm cả tự luận và trắc nghiệm đều được thực hiện tại một khu vực duy nhất có đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy và có công an bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/bai-thi-tot-nghiep-thpt-2025-duoc-cham-nhu-the-nao-20241226142901820.htm