Sóc TrăngBa thế hệ gia đình ông Lâm Văn Huy, 71 tuổi, ở huyện Mỹ Xuyên nhường hơn 4 hecta đất cho hàng chục nghìn con chim, cò trú ngụ.
Sáng sớm đầu tháng 12, vườn chim cách TP Sóc Trăng chừng 30 km của gia đình ông Huy ở ấp Trung Hòa, xã Giai Hòa 1, vang tiếng các loài chuẩn bị bay đi kiếm ăn. Vườn chim nằm biệt lập như một khu rừng thu nhỏ, với nhiều loài cây mọc um tùm mà chỉ chủ vườn mới dễ dàng di chuyển tại đây.
Người đặt nền móng đầu tiên để giữ gìn khu vườn này là ông nội của ông Huy, ông Lâm Văn Ịch. Khoảng 100 năm trước, gia đình ông Ịch phát hiện vài con chim chàng bè về vườn làm tổ, lúc này đất đai rộng lớn nên chủ vườn không quá để tâm. Sau đó, hàng trăm con chim với các loài như cò, vạc, cồng cộc… cùng đến trú ngụ. Thấy “đất lành chim đậu”, ông Ịch quyết định giữ nguyên diện tích vườn, chủ yếu là cây dừa nước để chúng sinh sống.
Tiếp nối truyền thống gia đình, sau này bố của ông Huy lập liếp, trồng thêm dừa, tre để các loài chim ở. Đàn chim mỗi ngày một đông, lên đến hàng chục nghìn con. Năm 1971, chiến tranh xảy ra, giặc lập đồn bốt, khai hoang, chặt hết cây trong vườn, gia đình ông Huy phải di tản. Đàn chim trời không còn nơi sinh sống cũng bỏ đi.
Hòa bình lập lại, ông Huy về lại chỗ cũ, cả nhà bắt tay vào dọn dẹp, trồng lại cây mới với mong muốn đàn chim trở lại. Khoảng một năm sau, ông Huy vui mừng khi từng đàn chim quay về làm tổ. “Lúc này chim về rất nhiều, chúng làm tổ trên cả những bụi cây ráng, lứt ở dưới thấp”, ông Huy kể.
Đàn chim trong vườn mỗi ngày một đông, chủ vườn trồng thêm dừa, tre và một số loài cây bản địa để chúng trú ngụ, sinh sản. Tuy nhiên, số lượng chim, cò trong vườn ngày càng đông đã khiến nhiều người dòm ngó, tìm đến săn bắt ngày đêm. Số lượng loài giảm rất nhiều, sau đó chúng bỏ đi gần hết.
Chán nản khi không thể giữ được đàn chim trời mà gia đình nhiều thế hệ gìn giữ, ông Huy lại bỏ đi nơi khác làm ăn. Nhưng vì nhớ nơi cũ, 4 năm sau ông lại quay về làm ruộng, vừa chăm sóc khu vườn với hy vọng đàn chim lại quay về. Chỉ hai tháng sau, đàn chim trở về trong sự mừng rỡ của chủ vườn.
“Lúc này tôi phát hiện trong vườn xuất hiện các loài quý hiếm như điên điển, diệc, nên càng có động lực bảo vệ vườn”, ông Huy nói, cho biết rất đau lòng khi nhiều lần không cứu được những con chim dính phải đạn, bẫy của kẻ săn bắt.
Năm 1995, nhằm giữ cho vườn có nguồn nước ngọt quanh năm, không bị nhiễm mặn, ông Huy đầu tư hơn 50 triệu đồng làm bờ bao xung quanh. Dưới kênh, ông thả bèo, cá phi, trê để xử lý nước, cũng như cung cấp thức ăn cho một số loài chim nhỏ không thể đi kiếm mồi xa.
Một thời gian sau, để tiện chăm sóc đàn chim trời, cũng như canh giữ những kẻ săn trộm, ông Huy lại bỏ ra gần 100 triệu đồng làm con đường bêtông nhỏ xuyên vườn. “Ngoài thu hoạch dừa tươi vài tháng một lần, khu vườn hoàn toàn là môi trường tự nhiên cho đàn chim trú ngụ, không tạo ra kinh tế”, ông nói.
Lão nông miền Tây cho biết cả những năm chiến tranh gian khổ, hay lúc kinh tế gia đình chưa ổn định, ông luôn tâm niệm không được khai thác chim trời để bán. Thời điểm đó, vợ chồng ông ngoài làm ruộng, phải mò cua, bắt ốc để kiếm thêm thu nhập, nuôi 3 con ăn học. “Đàn chim chọn ở trên đất gia đình như là “lộc trời ban” nên trách nhiệm của tôi là bảo tồn”, ông Huy nói.
Theo ông Huy, dù số lượng rất đông nhưng các giống chim sống khá hòa thuận. Buổi sáng, khoảng 5h, các loài cò bắt đầu bay đi kiếm ăn, nửa giờ sau mới đến cồng cộc. Còn buổi chiều, khoảng 17h các giống chim ăn ngày trở về, khoảng một giờ sau loài vạc mới bắt đầu đi kiếm ăn.
Hiện, vợ chồng ông Huy sống trong ngôi nhà nhỏ sát vườn chim. Dù tuổi cao sức yếu, nhưng ông đều đặn thăm vườn ngày hai lượt. Vài năm gần đây, biết gia đình đơn chiếc, nhiều kẻ gian lại đến săn bắt. Có thời điểm, ông phải nhờ người thân thay phiên canh giữ vườn. Do đó, ông mong muốn người dân, chính quyền cùng chung tay bảo vệ đàn chim trời mà gia đình gìn giữ nhiều năm.
An Minh