PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, 53 tuổi, làm Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM, cơ quan này sẽ bắt đầu hoạt động từ 1/1/2024.
Quyết định được ông Lâm Hùng Tấn, Phó giám đốc Sở Nội vụ công bố tại hội nghị thành lập Sở An toàn thực phẩm TP HCM, sáng 30/12. Sở này được thành lập từ mô hình thí điểm Ban quản lý An toàn thực phẩm hoạt động 7 năm qua.
Bà Phạm Khánh Phong Lan quê Khánh Hòa, từng là giảng viên khoa Dược, Đại học Y Dược TP HCM, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM. Bà là Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP HCM từ ngày đầu thí điểm đến nay. Đồng thời, bà cũng là Chủ tịch Hội Dược học, Phó chủ tịch Hội Đông y thành phố và Đại biểu quốc hội ba khóa 13, 14, 15.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, bà Lan nói khi Ban được nâng cấp lên Sở sẽ có cơ sở pháp lý vững vàng hơn, Bộ chủ quản sẽ quan tâm hơn nhưng cùng với đó cộng đồng sẽ yêu cầu cao hơn.
“Chúng tôi sẽ nỗ lực để người dân thành phố được an tâm mỗi khi chọn lựa đồ ăn”, bà nói, cho biết trước mắt, thành phố sẽ phát triển chuỗi thực phẩm sạch và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này được tạo điều kiện hoạt động. Ngành đặt mục tiêu thực phẩm ở TP HCM phải đạt đúng tiêu chuẩn theo quy định trong luật, đảm bảo người dân có sức đề kháng tốt nhờ ăn uống thực phẩm đúng chuẩn.
Ngoài bà Lan, lãnh đạo Sở An toàn thực phẩm TP HCM còn có một cấp phó là ông Lê Minh Hải vốn là Phó Ban quản lý An toàn thực phẩm. Theo quy định, sở có tối đa ba phó giám đốc.
TP HCM là địa phương đầu tiên của cả nước có Sở An toàn thực phẩm. Theo Nghị quyết 98 được Quốc hội ban hành ngày 24/6, Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND TP HCM, có chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Ngoài ra, sở này còn có một số chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn thành phố. Đây là những việc mà trước đó được quy định cho các Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương.
Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP HCM, nói với quy mô dân số hơn 10 triệu người, thành phố là đầu mối lưu thông lượng lớn thực phẩm được sản xuất trong nước và nhập khẩu. Việc lập Sở An toàn thực phẩm là cấp thiết đối với một đô thị đặc biệt như TP HCM.
Trước đó, từ tháng 12/2016, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM được thành lập kết hợp lực lượng từ ba sở gồm Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đánh giá, đơn vị này vẫn còn nhiều hạn chế về chức năng, quyền hạn so với sở, nhiều quy định chưa có đã cản trở hoạt động của ban. Theo chính quyền TP HCM, việc chuyển từ Ban lên Sở sẽ giúp đơn vị tháo gỡ nhiều khó khăn và phát huy tối đa hiệu quả hoạt động.
Cùng với thành lập sở, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP HCM sẽ chấm dứt hoạt động từ ngày 1/1/2024, sau 7 năm thí điểm.
Lê Tuyết