New ZealandĐứng trước hồ Rotomairewhenua, Thu Thủy “đứng hình” vì độ trong đáng kinh ngạc của mặt nước.
Nguyễn Thị Thu Thủy, đang ở New Zealand, có chuyến đi đường dài tới Rotomairewhenua, hồ nước được coi là “trong nhất thế giới” từ 14-16/1/2022.
Hồ Rotomairewhenua hay Blue Lake nằm ở vườn quốc gia Nelson. Theo Stuff, tờ báo lớn nhất New Zealand, hồ được phát hiện năm 2011 và giữ danh hiệu “Hồ trong nhất thế giới” với tầm nhìn dưới nước 80 m.
Thu Thủy bắt đầu hành trình đi bộ cùng con trai 13 tuổi lúc 7h từ nhà ở Christchurch. Đường đi từ nhà cô đến hồ mất khoảng 2-4 ngày. Con đường xuyên qua những đỉnh núi và những cánh rừng. Sau 5 tiếng đi bộ, họ tới bến taxi nước để sang bờ bên kia. Khu dân cư bên bờ thưa thớt, có khoảng 20 hộ nằm rải rác, không sóng điện thoại, wifi nên người dân vẫn sử dụng điện thoại để bàn.
Sang bên bờ sẽ có hai nhà ngủ trong rừng (hut). Nếu không đi taxi nước, Thủy sẽ tiết kiệm được khoảng 35 NZD (500.000 đồng) nhưng sẽ phải đi bộ một ngày để tới hut đầu tiên (Sabin hut). Thủy không ngủ lại ở Sabin hut mà đi thẳng tới West Sabin hut để rút ngắn thời gian tới hồ.
Đường đến hut ban đầu khá đẹp nhưng dần trở nên khó khăn hơn, cứ lên cao rồi đột ngột đổ xuống. Có lúc hai mẹ con phải băng qua các dòng nước nhỏ rồi trèo qua khu đá bị sạt do tuyết lở từ mùa đông. Một số đoạn đường quá cao và hiểm trở khiến Thủy không dám hướng mắt xuống dưới. Không gian cũng thay đổi chóng mặt.
“Có khi, đang đi trong rừng mát, con đường lại đẩy chúng tôi ra giữa cái nắng hè ướt đẫm mồ hôi”, cô nói.
Dù biển chỉ dẫn ghi thời gian đi bộ chỉ khoảng 5 tiếng, Thủy mất tới gần 7 tiếng để tới chỗ nghỉ. Khi cô tới West Sabin hut, đồng hồ điểm 19h và ánh mặt trời đã gần tắt.
Họ cùng nhau ăn tối, trò chuyện với những vị khách khác ở hut. Mọi người hỏi nhau về chuyến đi, về cuộc sống. Trong hut ắp tiếng cười nói, đối lập với không gian yên tĩnh, trong lành phía bên ngoài. Ở giữa rừng, không sóng điện thoại, không Internet, chỉ có trò chuyện và ăn uống.
“Nhu cầu cơ bản của con người cũng chỉ có vậy, đủ thức ăn, có chỗ ở, được an toàn và kết nối với nhau”, cô chia sẻ.
Khoảng 21h, mặt trời còn vương bên này núi. Phía bên kia núi mặt trăng khuyết đã lên cao tới đỉnh. Tiếng suối chảy càng rõ hơn khi mọi người kết thúc buổi trò chuyện và lên giường ngủ.
Sáng hôm sau, hai mẹ con Thủy lên đường đi hồ Rotomairewhenua. Chặng đường tiếp tục qua nhiều khu vực bị lở đất đá. Nhiều đoạn không có cây rừng, Thủy phải “phơi đầu” ra nắng, khiến cô thấm mệt nhanh hơn.
Sau khi băng qua khoảng 6 khu vực lở đá, họ đến một lòng suối lớn đã cạn nước. Con trai Thủy muốn trải nghiệm nấu ăn dưới suối như các video sinh tồn nên họ tìm một tảng đá lớn có bóng mát rồi ngồi nấu nước để ăn gói thức ăn sấy khô dành cho người leo núi. Được nấu ăn giữa núi rừng bằng nước suối đem đến cảm giác mới lạ với Thuỷ, như đang được sống theo cách của tổ tiên loài người.
Vượt qua con suối cạn, họ đi vào rừng. Cây gần đỉnh núi thấp, tán không rộng nhưng đủ che nắng cho người đi đường. Càng lên cao, cây càng nhỏ lại. Đến khi chỉ còn bãi cỏ và những búi cỏ cao tới đầu người, hồ Rotomairewhenua xuất hiện.
Hồ như chiếc chén ngọc ẩn mình trong núi sâu và phải những người may mắn, đủ kiên trì mới được chiêm ngưỡng, Thuỷ nói. Phía bên kia hồ được bao quanh bằng nhiều phiến đá và vách đá lớn. Xen giữa những phiến đá là rừng thông nhỏ thấp và phía xa hơn là rừng cây cao.
Mép hồ có nhiều loài rong tảo nhỏ kết hợp với ánh sáng tạo thành màu xanh lá mạ. Ra sâu hơn, nước chuyển dần thành màu xanh lam ngọc và màu xanh lam ở khu vực giữa hồ. Một số khu vực rong màu vàng nhạt, đậm tạo thành màu nước đốm vàng.
Đứng từ mép hồ, nữ du khách có thể nhìn xuyên xuống đáy, thấy rõ cả những cây rong rêu nhiều màu sắc. Thủy cho biết theo quy định, không ai được phép bước lại gần mép hồ hay nhúng bất cứ thứ gì xuống để bảo vệ sự tinh khiết của nước.
Trước đây, theo truyền thống của người Maori (người bản xứ ở New Zealand), hồ được sử dụng trong các nghi lễ để làm sạch xương và giải thoát linh hồn của người chết, để họ có thể bắt đầu hành trình đến Hawaiki (thế giới ngầm trong những câu chuyện cổ của người Maori).
Hồ Rotomairewhenua được sử dụng cho nam giới và hồ Rotopōhueroa (trước đây gọi là hồ Constance) được sử dụng cho nữ giới. Hồ Rotopōhueroa ở trên cao và cấp nước cho hồ Rotomairewhenua nên còn gọi là hồ Mẹ. Đi bộ từ hồ Rotomairewhenua tới Rotopōhueroa mất khoảng 45 phút. Tuy nhiên, thời tiết khá nóng nên mẹ con cô quyết định không đi.
Hồ Rotomairewhenua không quá lớn, mất khoảng 20 phút nếu đi bộ từ đầu này tới con suối cấp nước cho hồ ở đầu kia. Nước suối cũng trong và tinh khiết như được lọc qua hàng nghìn lần.
Khi Thủy đang thơ thẩn ngắm hồ nước, người quản lý hut gọi với ra và nhắc không xuống gần mép để tránh làm ảnh hưởng đến các loài rong tảo ở đó. Nữ quản lý kể với Thủy đã làm ở hut được hơn một tháng. Cứ 10 ngày, chị xuống núi nghỉ 4 ngày và tự mang thức ăn cùng đồ dùng cá nhân. Công việc của chị là quản lý hut và thống kê đa dạng sinh học của khu vực. Chị thích công việc vì được ngắm hồ nước xinh đẹp hàng ngày, được sống giữa núi rừng yên bình cũng như gặp nhiều người yêu thích núi rừng.
Rời hồ Rotomairewhenua, Thủy trở về hut để nghỉ ngơi trước khi trở về nhà vào sáng sớm hôm sau. Thời gian quay về bến taxi nước khá nhanh, có lẽ do Thuỷ đã quen đường. 14h, những bánh xe lại lăn trên mặt nước. Cô thấy hạnh phúc vì được dành ít ngày sống trong sự bình yên của núi rừng cũng như hoàn thành thử thách cùng con trai nhỏ.
Tú Nguyễn