Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất ở người cao tuổi, chiếm tới 1-4% ở cộng đồng, và gần 50% khởi phát sau tuổi 65.
Bà N.T.V. 66 tuổi, Hà Nội nhập viện vì buồn chán, muốn chết. Con trai bà cho biết bệnh của bà đã diễn biến khoảng 6 tháng nay.
Ba năm trước chồng bà bị đột quỵ não dẫn đến liệt nửa người, nhiều lần phải nằm viện điều trị và bà là người luôn quan tâm chăm sóc chồng trong suốt quá trình điều trị.
Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất ở người cao tuổi. |
6 tháng trước trước, chồng bà qua đời, bà trở nên buồn chán, bi quan, mệt mỏi, không còn hứng thú với những sở thích trước kia như tập dưỡng sinh, xem phim, chỉ thích nằm một mình, không muốn tiếp xúc với mọi người.
Bà cũng bị khó ngủ, mỗi ngày chỉ ngủ được 2 tiếng, nhiều đêm thức trắng, sáng dậy mệt mỏi. Bà thường than phiền bị đau đầu và đau nhiều hơn khi nghĩ ngợi nhiều hoặc mất ngủ.
Bệnh nhân ăn kém ngon miệng, thường xuyên có cảm giác đầy bụng khó tiêu, giảm 5kg/2 tháng. Trước đó, bệnh nhân đã được người nhà đưa đi khám và điều trị tại bệnh viện gần nhà, uống thuốc điều trị nhưng không đỡ.
Khoảng 1 tháng trước khi vào viện, bệnh nhân thường xuyên khóc lóc, than phiền nhiều với các con, cho rằng mình có tội với các con và là gánh nặng của cả gia đình. Con cái bệnh nhân có khuyên bảo, giải thích nhưng bệnh nhân không tin.
Khi bệnh nhân có ý định muốn tự sát để giải thoát nên được người nhà đưa đi khám tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai). Bệnh nhân được chẩn đoán trầm cảm nặng với các triệu chứng loạn thần có ý tưởng tự sát.
Sau gần 20 ngày điều trị nội trú, bệnh nhân khí sắc khá hơn, vận động nhanh nhẹn, đỡ than phiền mệt mỏi, ngủ được… Bệnh nhân ổn định được cho ra viện, tiếp tục theo dõi điều trị ngoại trú.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phương Loan, Phòng M8 Viện Sức khỏe Tâm thần, trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất ở người cao tuổi.
Trong đó, gần một nửa là trầm cảm khởi phát muộn, sau tuổi 65. Tỷ lệ trầm cảm ở nữ giới cao hơn nam giới, lúc trẻ có thể cao hơn 2 lần nam giới, tuy nhiên sự khác biệt này thu hẹp dần ở các độ tuổi cao hơn.
Điều này đặt ra vấn đề mang tính xã hội là, các gia đình cần quan tâm đến bố, mẹ, người lớn tuổi trong gia đình, để có thể sớm nhận ra những dấu hiệu bệnh trầm cảm ở người thân, mà điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Loan cho hay, các nghiên cứu dịch tễ trên thế giới cho thấy tỷ lệ trầm cảm ở người cao tuổi chiếm khoảng 1-4% ở cộng đồng, 5-10% ở cơ sở chăm sóc ban đầu, 10-12% ở người bệnh điều trị nội trú hoặc các cơ sở chăm sóc chuyên biệt.
Trầm cảm người cao tuổi có liên quan đến hàng loạt bệnh như rối loạn chuyển hóa, ung thư, bệnh lý mạch máu, bệnh lý tự miễn và bệnh tâm thần (suy giảm nhận thức, rối loạn vận động).
Sự liên quan của trầm cảm và các bệnh ở người cao tuổi là mối quan hệ 2 chiều. Trầm cảm làm nặng tình trạng bệnh cơ thể thông qua hành vi chăm sóc sức khỏe: Chế độ ăn không lành mạnh, hút thuốc lá, ít vận động, không tuân thủ điều trị; Rối loạn nội tiết, quá trình viêm; Tác dụng phụ của thuốc.
Các bệnh lý cơ thể làm nặng tình trạng trầm cảm hơn như suy giảm sức khỏe, mất khả năng hoạt động, đau mạn tính; tổn thương não, thoái hóa thần kinh, viêm…
Có 2 triệu chứng then chốt để phân biệt trầm cảm ở người cao tuổi là: Quan tâm quá mức về sức khoẻ thể chất và những biểu hiện của buồn chán không nổi trội.
Các biểu hiện riêng của trầm cảm ở người cao tuổi: Bận tâm về các triệu chứng cơ thể gần đây; đột ngột xuất hiện các triệu chứng lo âu hoặc ám ảnh; cố ý tự gây hại vì những vấn đề cơ thể nhỏ nhặt; rối loạn nhận thức nổi trội (giả sa sút trí tuệ); rối loạn hành vi “không giống tính cách” gần đây.
Những triệu chứng này hay bị bỏ qua do tin rằng do bệnh của tuổi già. Bên cạnh đó, triệu chứng suy giảm trí nhớ gần như luôn luôn gặp.
Người trầm cảm nặng thường hoang tưởng mình có tội, tỷ lệ cao hơn người bệnh trẻ tuổi, ngại chăm sóc bản thân, lạm dụng rượu và các chất an thần, gây ngủ.
Người cao tuổi trầm cảm thường nhạy cảm hơn với các tác dụng không mong muốn của thuốc và cần nhiều thời gian hơn để đạt được hiệu quả. Tuy nhiên, người già thường tuân thủ tốt hơn, ít bỏ cuộc hơn người trẻ và đáp ứng tốt hơn với các liệu pháp tâm lý so với người trẻ. “Bệnh trầm cảm ở người cao tuổi nếu phát hiện sớm để được điều trị sớm, sẽ hiệu quả hơn”, bác sĩ Loan lưu ý.
Tại Việt Nam, trầm cảm là nguyên nhân thứ 5 dẫn đến gánh nặng bệnh tật. Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2023, ước tính có khoảng 3,2 triệu người Việt Nam mắc bệnh trầm cảm. Con số này chiếm 3,1% dân số, tương đương với 1 trong 32 người.
Bệnh nhân cao tuổi bị trầm cảm thường được phát hiện và điều trị muộn. Người cao tuổi rất cần có được chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi có dấu hiệu của bệnh trầm cảm, cần được phát hiện và chăm sóc, điều trị kịp thời.
Phần lớn các trường hợp trầm cảm có xu hướng trở thành mạn tính, tỷ lệ tái diễn cao, phục hồi không hoàn toàn giữa các giai đoạn. Triệu chứng và dấu hiệu thường gặp của rối loạn trầm cảm bao gồm giảm năng lượng và sự tập trung, gặp vấn đề về giấc ngủ, giảm ngon miệng, sụt cân…
Trầm cảm có thể kết hợp với các bệnh lý cơ thể và với những thuốc dùng để điều trị chúng nên cần phải cảnh giác về những dược phẩm có thể gây trầm cảm.
Điều trị trầm cảm ở người cao tuổi có thể dùng thuốc, liệu pháp tâm lý, thư giãn, luyện tập. Khi bị trầm cảm, cần tuân thủ một chương trình điều trị thích hợp, giúp cải thiện các triệu chứng.
Bệnh nhân cần được giúp đỡ để thoát khỏi tình trạng bị cách ly hoặc cô đơn bằng cách tổ chức các hoạt động ngoài trời, những buổi đi chơi dã ngoại… Bên cạnh đó, người thân, con cháu hãy ở bên cạnh yêu thương, chăm sóc, chia sẻ và giúp đỡ họ.
Khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động tập thể như câu lạc bộ thơ, tổ hưu trí, tập dưỡng sinh, đi bộ, đạp xe, đi du lịch… Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia. Thường xuyên tập luyện thể dục và có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý và điều độ.
Tạo cho người cao tuổi có môi trường sống thoải mái, vui vẻ, ấm cúng bên con cháu. Hạn chế những cú sốc quá lớn về mặt tâm lý và tránh những lao động quá vất vả để kiếm sống.
Nguồn: https://baodautu.vn/ap-luc-tram-cam-o-nguoi-cao-tuoi-d218338.html