Trong một lần đến chợ châu Á ở Tokyo, Bùi Thanh Tâm ngỡ ngàng khi thấy người Nhật xếp hàng dài mua doner kebab, trong khi bánh mì Việt lại vắng bóng.
“Tôi ngạc nhiên, bởi nghĩ rằng bánh mì Việt có độ cân bằng hương vị cũng như tốt cho sức khỏe hơn”, Bùi Thanh Tâm, 32 tuổi, nhà sáng lập thương hiệu Bánh mì Xin Chào nổi tiếng ở Nhật, kể về dịp đến thủ đô Tokyo chơi khi còn là sinh viên kinh tế năm cuối hồi năm 2015.
Bánh mì Việt thời điểm này “làm mưa làm gió” ở châu Âu, là một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Nhận thấy bánh mì chỉ xuất hiện lác đác tại vài cửa hàng nhỏ lẻ ở Nhật, chàng trai quê Quảng Nam liên lạc với anh trai Bùi Thanh Duy, bàn ý tưởng tạo dựng thương hiệu “Bánh mì Xin Chào”.
Tên gọi này nảy ra khi Tâm thấy các thương nhân trong khu chợ châu Á thường đoán quốc tịch khách đi qua để mời chào. Thấy Tâm đi ngang qua, họ cất tiếng “Xin chào!”, khiến anh hết sức ấn tượng. “Trong văn hóa Việt, ai cũng sẽ biết đến câu ‘Xin chào’ đầu tiên, giống như ‘Hello’ của Anh, ‘Bonjour’ của Pháp, hay ‘Konichiwa’ của Nhật”, Tâm giải thích.
Anh Duy, hơn Tâm 5 tuổi, khi đó sống tại Osaka và vừa kết hôn. Nghe ý tưởng của em, anh bàn với vợ để dành tiền mừng cưới thực hiện tham vọng đưa ổ bánh mì Việt chinh phục người Nhật.
Xuất thân từ gia đình thuần nông ở vùng quê Quảng Nam, gia đình hai anh em cũng không dư dả, nhưng rất ủng hộ quyết tâm của Duy và Tâm. Hai anh em vay mượn thêm khắp nơi, tích góp được hai tỷ đồng chuẩn bị khởi nghiệp.
“Tôi đặt cược sức lực, trí lực, tuổi trẻ, tiền đồ, thậm chí cả tương lai và sự ổn định của gia đình anh trai vào dự án, nên phải dốc hết sức, tính toán kỹ từng khâu nhỏ và giữ tinh thần lạc quan”, Tâm kể với VnExpress.
Để cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp khác tại thị trường F&B Nhật Bản, Tâm quyết chí xây dựng hình ảnh, sản phẩm chuyên nghiệp ngay từ đầu, hướng tới thành lập chuỗi cửa hàng. Ngay từ khi ra đời, sản phẩm bánh mì của anh đã có bộ nhận diện thương hiệu đầy đủ.
Nhưng khi bắt tay vào làm, hai anh em nhanh chóng vấp phải thách thức đầu tiên khi tiếp cận thị trường khắt khe như Nhật Bản. Ở nước này, người nước ngoài muốn xin giấy phép kinh doanh phải được một người Nhật đứng ra bảo lãnh, đề phòng trường hợp doanh nhân “tháo chạy” về nước khi thua lỗ.
Duy và Tâm đã thuyết phục được giáo sư Nhật Bản từng dạy mình thời đại học đứng ra bảo lãnh cho hai anh em mở cửa hàng. “Thầy còn nói vui: ‘Nếu xảy ra vấn đề gì, chắc tôi phải bán nhà trả nợ cho các em”, Duy kể lại.
Cuối năm 2016, hơn một năm từ khi nảy ra ý tưởng, Duy và Tâm mở cửa hàng bánh mì đầu tiên tại Takanadobaba, Tokyo với 5 nhân viên, tính cả hai anh em. Bánh mì được họ lấy theo tiêu chuẩn Hội An, với các loại nhân heo nướng, chả, còn có những món thanh đạm hơn cho người bản địa như gà salad, tôm bơ.
Tâm cho hay tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm ở Nhật cực kỳ khắt khe, từ khâu thẩm định cho tới đánh giá của khách hàng. Thịt nhập khẩu phải được đông lạnh ở cấp cao nhất, còn rau củ sử dụng 100% từ siêu thị, tất cả đều phải khai báo, lưu ký chặt chẽ.
Nguyên liệu khó tìm nhất là ổ bánh mì. Hai anh em phải liên hệ hơn 50 xưởng mới tìm được sản phẩm ưng ý, bởi hầu hết các xưởng Nhật chưa từng làm loại bánh mì vỏ ngoài giòn, bên trong đặc và mềm như của Việt Nam, lại ngần ngại hợp tác với một doanh nghiệp còn non trẻ, chưa thể đảm bảo doanh số.
Vừa đứng bán, vừa quản lý, hai anh em làm việc liên tục, mỗi ngày chỉ ngủ 1-2 tiếng trên tấm bìa lót dưới sàn quán. “Đó là kỷ niệm khó quên, song đối với chúng tôi chỉ là những thử thách nhỏ”, Tâm kể, thêm rằng vấn đề lớn nhất nằm ở việc đảm bảo nguồn tài chính cho hoạt động kinh doanh.
Sau hơn 4 tháng kinh doanh, Tâm tốt nghiệp Đại học Yokkaichi ở Mie, với luận văn về quá trình khởi nghiệp của Bánh mì Xin Chào được chấm xuất sắc nhất khoa năm đó. Tờ Chunichi, một trong 4 báo lớn nhất Nhật Bản, đã tìm đến cửa hàng phỏng vấn hai anh em. Bài báo gây tiếng vang lớn, thu hút nhiều thực khách Nhật đến trải nghiệm, tạo tiền đề phát triển đầu tiên cho thương hiệu.
Tháng 7/2019, khi dần ổn định về tài chính và quy trình hoạt động, hai anh em quyết định mở cơ sở thứ hai ở Asakusa, một trong những quận đông đúc nhất Tokyo. Hai người cũng rất chăm chút, đầu tư cho không gian Việt tại quán, với mong muốn đưa văn hóa, ẩm thực Việt Nam đến gần với người Nhật hơn nữa.
Nhưng Covid-19 ập đến vào cuối năm đó, khiến mọi thứ “tưởng chừng sụp đổ”. “Khu Asakusa bình thường rất đông du khách, nhưng vào thời đại cao điểm của đại dịch, đường phố không một bóng người”, Tâm kể lại giai đoạn Tokyo áp lệnh phong tỏa ngăn đại dịch.
Để thích nghi với hoàn cảnh, hai anh em khai thác tính chất gọn nhẹ, tiện mang đi của món bánh mì để chuyển đổi, đẩy mạnh bán mang về, thông qua các ứng dụng giao hàng, đồng thời áp nhiều ưu đãi để giữ chân khách.
Chính phủ Nhật Bản và chính quyền Tokyo cũng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong đại dịch, giúp Bánh mì Xin Chào dần phục hồi. “Nhật Bản rất hào phóng, hỗ trợ hàng tháng, khiến chúng tôi càng vững tin đưa bánh mì đến với thực khách Nhật hơn”, Tâm nói.
Nhiều người Nhật tỏ ra ấn tượng và trầm trồ với món bánh mì, bởi họ chưa từng thưởng thức loại sandwich nào vỏ giòn bên ngoài, bên trong lại mềm và đầy đủ hương vị. “Nhiều khách Nhật ăn bánh mì gần như hàng ngày”, Tâm kể.
Đại dịch qua đi, Duy và Tâm đẩy mạnh mô hình nhượng quyền, giúp Bánh mì Xin Chào tăng trưởng liên tục 170% trong những năm qua với khẩu hiệu “Nếm bánh mì, nếm hương vị Việt”. Năm 2022, hai anh em đạt doanh thu 1,6 triệu USD với 15 chi nhánh trên toàn nước Nhật.
Hai anh em áp dụng mô hình Cloud Kitchen, đặt bếp trung tâm ở Tokyo để chế biến và cung cấp nguyên vật liệu cho các cơ sở khắp vùng Kanto, cũng như bán thêm các món mì quảng, phở, cà phê, chè.
Trong chuyến thăm Nhật Bản 27-30/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng phu nhân, Thống đốc Tokyo Koike Yuriko và lãnh đạo các tập đoàn lớn của Nhật đã đến thăm và dùng bữa tại Bánh mì Xin Chào cơ sở Asakusa.
Chủ tịch nước vui mừng và tự hào khi được thưởng thức ẩm thực Việt tại Nhật, chứng kiến nhiều kiều bào trẻ nỗ lực nắm bắt cơ hội, tạo giá trị mới, giúp gắn kết người dân hai nước qua văn hóa ẩm thực.
Đó cũng là ý nghĩa mà Bánh mì Xin Chào theo đuổi, Tâm cho biết. “Ngoài là nơi kết nối những người con xa quê, tìm về một chút văn hóa Việt thông qua ổ bánh mì, chúng tôi muốn thay đổi cái nhìn của người Nhật Bản, rằng ngoài chịu thương, chịu khó, người Việt còn rất giỏi kinh doanh”, anh nói.
Đức Trung