Hà NộiChị Mơ, 31 tuổi, bị đái tháo đường type 1 hơn 10 năm, khi mang thai vẫn ăn uống kiêng khem quá mức dẫn đến suy kiệt.
Ngày 18/2, TS.BS Lê Bá Ngọc, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết chị Mơ mang thai tuần thứ 5, thể trạng suy kiệt. Chỉ số BMI 18 – suy dinh dưỡng, đường máu lúc đói trên 13 mmol/l (chỉ số thông thường từ 5,3 mmol/l trở xuống). Thai phụ cần thay đổi chế độ ăn tăng cường dinh dưỡng đảm bảo thai nhi phát triển nhưng vẫn đạt mục tiêu kiểm soát đường máu. “Đây là bài toán khó cho cả bác sĩ và người bệnh”, bác sĩ Ngọc nói.
Bác sĩ Ngọc phối hợp TS.BS Vũ Thị Thanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng, lập phác đồ điều trị cho người bệnh bao gồm thực đơn dinh dưỡng, sử dụng thuốc và chế độ vận động. Khi thai lớn, chỉ số đường máu liên tục thay đổi. Mỗi ngày chị Mơ phải thử 6 lần đường huyết trước và sau các bữa ăn nhằm điều chỉnh liều thuốc.
Theo bác sĩ Ngọc, thử đường máu mao mạch bằng cách chích máu đầu ngón tay không khả thi do thai phụ phải theo dõi đường máu hàng ngày. Bác sĩ Ngọc tư vấn thai phụ sử dụng máy theo dõi đường máu liên tục, nhận được kết quả trên máy, không cần chích máu đầu ngón tay. Công nghệ này hiệu quả hơn so với phương pháp thử đường máu mao mạch.
Sau ba lần tái khám, chị Mơ tuân thủ chế độ dinh dưỡng thì cân nặng và lượng đường trong máu mới đạt chuẩn. Hiện chị mang thai tuần thứ 36, tăng 13 kg, chỉ số đường huyết ổn định, thai nhi nặng gần 2,5 kg.
Người bị đái tháo đường nếu điều trị không đúng hoặc dinh dưỡng không phù hợp có thể dẫn đến béo phì hoặc suy kiệt, kéo theo đường máu không ổn định. Người bệnh cần kiểm soát đường máu trước, trong và sau khi mang thai.
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ cần được tư vấn kế hoạch kiểm soát đường máu khi chuyển dạ và sau khi sinh. Trẻ sơ sinh sau khi lọt lòng mẹ cần được cho ăn sớm nhất có thể để tránh nguy cơ hạ đường máu.
Giai đoạn sau sinh, liều insulin cần phải giảm xuống so với khi mang thai để phòng ngừa hạ đường do quá liều. Sản phụ mắc bệnh đái tháo đường type 1 vẫn tiếp tục duy trì tiêm insulin, theo dõi đường máu để chỉnh liều thuốc. Người bệnh tiêm insulin không ảnh hưởng đến quá trình cho con bú, cần có chế độ ăn phù hợp, đảm bảo chất lượng sữa cho con, đồng thời giúp kiểm soát đường máu tốt hơn.
Thanh Ba
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |