Người ăn theo chế độ low carb có thể giảm mức đường huyết lúc đói, chỉ số đường huyết trung bình ba tháng và nhu cầu sử dụng insulin.
Carbohydrate (carb) gồm tinh bột, đường và chất xơ, có ảnh hưởng trực tiếp đến lượng đường trong máu. Cơ thể phân hủy chúng thành glucose (đường) và đi vào máu. Chế độ ăn low carb tập trung giảm tiêu thụ carb, ưu tiên thực phẩm giúp ổn định đường huyết, hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu.
Trong chế độ ăn này, yêu cầu tổng lượng carb 120-225 g mỗi ngày, phần lớn calo đến từ chất béo và protein. Với chế độ rất ít carb, lượng tiêu thụ 20-50 g mỗi ngày. Mục tiêu chính của low carb là kích hoạt quá trình trao đổi chất gọi là ketosis, qua đó cơ thể chuyển từ đốt cháy carb sang đốt cháy chất béo để lấy năng lượng. Chế độ ăn low carb không tính toán lượng calo mà dựa vào tỷ lệ protein và chất béo cao hơn, thúc đẩy cảm giác no.
Năm 2018, Trường Đại học Sydney (Australia) đánh giá tác động của chế độ ăn low carb với kiểm soát đường huyết ở người bệnh tiểu đường type 1 dựa trên 9 nghiên cứu. Họ kết luận tuân theo chế độ ăn low carb làm giảm chỉ số HbA1C (mức đường huyết trung bình trong ba tháng). Điều này cho thấy người ăn ít carb có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn. Đường huyết ổn định giảm nguy cơ biến chứng liên quan tiểu đường.
Người bệnh tiểu đường type 1 áp dụng chế độ ăn này cũng có nhu cầu sử dụng insulin thấp hơn. Giảm liều insulin có thể ngăn ngừa đường huyết thấp, tăng cân và vấn đề trao đổi chất.
Theo nghiên cứu năm 2015 của Trường Đại học Y Temple (Mỹ), 10 bệnh nhân tiểu đường type 2 béo phì ăn theo chế độ ăn này hai tuần, mức đường huyết lúc đói được cải thiện đáng kể. Nồng độ hormone insulin trong máu của họ giảm, trở nên nhạy cảm hơn với insulin. Chỉ số A1C trung bình giảm từ 7,3% xuống 6,8% chỉ sau 14 ngày.
Năm 2005, các nhà khoa học của Trường Đại học Duke (Mỹ) cũng nghiên cứu tác động của ăn low carb với bệnh tiểu đường type 2. 28 người mắc bệnh này tuân theo chế độ ăn ít hơn 20 g carb mỗi ngày trong 16 tuần. Kết quả họ có lượng đường trong máu lúc đói giảm 17% và chỉ số A1C giảm từ 7,5% xuống 6,3%.
Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, lượng carb phù hợp cho người tiểu đường tùy thuộc vào các yếu tố như tuổi, mức độ hoạt động, loại và tình trạng bệnh, giới tính, thuốc sử dụng và sức khỏe tổng thể. Người bệnh nên hỏi bác sĩ để xác định lượng carb hàng ngày phù hợp với bản thân.
Khi áp dụng low carb, người bệnh nên ưu tiên rau không tinh bột như dư leo, bông cải xanh, xà lách, cà chua… Loại rau này giàu chất xơ và có lượng carb tối thiểu, ít tác động đến đường huyết. Nên chọn carb nguyên chất từ trái cây và ngũ cốc nguyên hạt, ví dụ táo, dâu tây, việt quất, dưa lưới, gạo lứt, yến mạch, đậu, khoai lang, bánh mì nguyên cám.
Hạn chế tiêu thụ thực phẩm carb tinh chế, chế biến sẵn và chứa đường bổ sung là nước ngọt, bánh mì trắng, gạo trắng, đồ ngọt, nước ép trái cây, đồ chiên rán, thịt chế biến sẵn.
Theo chế độ này, người bệnh tiểu đường có thể hạ đường huyết. Nếu dùng thuốc hạ đường huyết, lượng đường trong máu có thể giảm nhanh chóng. Hạ đường huyết gây chóng mặt, lú lẫn, đổ mồ hôi, mất ý thức trong trường hợp thấp nghiêm trọng.
Chế độ ăn low carb nếu không cân bằng tốt dễ dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng. Carbohydrate là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Cắt bỏ quá nhiều carb còn khiến cơ thể hấp thụ không đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu. Bữa ăn cần đảm bảo rau giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất, chất béo lành mạnh và protein nạc. Tốt nhất người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết – đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |