Ngày 29/8, chính phủ Ấn Độ đã ban hành mệnh lệnh cho phép xuất khẩu các chuyến hàng gạo trắng không phải loại basmati đang kẹt ở các cảng.
Công nhân làm việc trong xưởng xay xát gạo ở ngoại ô thành phố Hyderabad, Ấn Độ. (Nguồn: AFP) |
Cơ quan Ngoại thương (DGFT) thuộc Bộ Thương mại Ấn Độ nêu rõ, nước này sẽ cho phép các chuyến hàng bị mắc kẹt này được xuất khẩu, nếu các công ty giao dịch đã hoàn tất nộp thuế xuất khẩu trước ngày 20/7. Đây là ngày Ấn Độ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không thuộc giống basmati, vốn là loại gạo được tiêu thụ rộng rãi.
Lệnh cấm xuất khẩu nói trên đã khiến hàng ngàn tấn gạo trắng không phải gạo basmati mắc kẹt tại các cảng và các thương nhân đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Trước khi có lệnh cấm này, mặt hàng gạo trắng không thuộc giống basmati bị đánh thuế xuất khẩu 20%.
Ông Prem Garg, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ nhận định, sau khi được DGFT “mở đường”, khoảng 150.000 tấn gạo trắng không thuộc giống basmati sẽ được xuất khẩu từ nhiều cảng.
Quan chức trên nhấn mạnh: “Việc Ấn Độ cho phép thực hiện các chuyến hàng xuất khẩu gạo trắng không thuộc giống basmati đang mắc kẹt tại các cảng sẽ không chỉ hỗ trợ các nhà cung cấp của nước này, mà còn giúp người tiêu dùng ở các nước đang cần nguồn cung này. Phần lớn lượng hàng đang kẹt sẽ được xuất khẩu sang các nước Đông Phi và Tây Phi”.
Ấn Độ xuất khẩu gạo đến hơn 150 quốc gia, trong đó có một số nước nghèo tại châu Phi và châu Á. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo của nước này đạt mức cao kỷ lục 22,2 triệu tấn.
Ấn Độ chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Trong bối cảnh lượng gạo dự trữ ở các quốc gia xuất khẩu khác đang ở mức thấp, thì bất kỳ sự cắt giảm nào trong lượng gạo xuất khẩu của nước này cũng có thể làm tăng thêm giá lương thực trên toàn cầu.