Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đang cân nhắc thêm biện pháp siết bán gạo ra nước ngoài khi giá lương thực trong nước tăng cao.
Bloomberg trích nguồn tin thân cận cho biết chính phủ Ấn Độ đang cân nhắc áp thuế xuất khẩu với gạo đồ (parboiled rice). Đây là loại gạo được làm chín một phần khi còn trong vỏ thóc. Dù vậy, hiện vẫn chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra.
Giá gạo tại châu Á đã lên cao nhất 15 năm sau khi Ấn Độ tháng trước thông báo cấm xuất khẩu các loại gạo không phải là Basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á) và Thái Lan đối mặt với rủi ro sản lượng giảm. Chính phủ Ấn Độ đang tìm cách hạ nhiệt giá lương thực trong nước trước cuộc bầu cử sớm vào đầu năm tới.
Ấn Độ hiện phải vật lộn với lạm phát, khi giá nhiều loại lương thực, hoa quả và rau củ tăng vọt. Ngoài việc cấm xuất khẩu một số loại gạo, họ cũng đã hạn chế bán lúa mỳ và đường. Quốc gia Nam Á này đang cân nhắc bỏ thuế nhập khẩu 40% với lúa mỳ, đồng thời bán cà chua và ngũ cốc từ kho dự trữ quốc gia để cải thiện nguồn cung trong nước.
Lượng mưa tại nhiều bang trồng lúa chủ chốt của Ấn Độ, như Tây Bengal, Uttar Pradesh, Jharkhand, Bihar, Chhattisgarh và Andhra Pradesh hiện ít hơn 15% so với mọi năm. Việc này làm dấy lên lo ngại về nguồn cung gạo. Lúa là vụ thu hoạch lớn nhất của Ấn Độ trong mùa mưa.
Gạo hiện là nhu yếu phẩm với hàng tỷ người ở châu Á và châu Phi, đóng góp 60% tổng năng lượng nạp vào mỗi ngày cho người dân ở hai khu vực này. Thậm chí, ở một số quốc gia như Bangladesh, tỷ lệ này lên tới 70%.
Vì vậy, giới phân tích cảnh báo việc giá tăng gần đây sẽ gây thêm sức ép lên ngân sách của người dân châu Á, châu Phi, trong bối cảnh thị trường lương thực toàn cầu vốn đang lao đao vì thời tiết khắc nghiệt và xung đột Nga – Ukraine.
Hà Thu (theo Bloomberg)