Ngành lúa gạo cần sớm tính phương án kinh doanh phù hợp

Báo Công thươngBáo Công thương11/02/2025

Trong bối cảnh thị trường thế giới nhiều biến động, đòi hỏi ngành lúa gạo Việt Nam cần sớm tính các phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp ngay từ đầu năm 2025.


Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam

Theo Báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Bộ Tài chính phục vụ họp Ban chỉ đạo điều hành giá quý I/2025 cho hay, khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo năm 2024 đạt 9 triệu tấn và 5,67 tỷ USD, tăng 11,1% về khối lượng và tăng 21,2% về giá trị so với năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2024 đạt 627 USD/tấn, tăng 9,1% so với năm 2023.

năm 2025 diện tích sản xuất lúa là 7,0 triệu ha, giảm 132 nghìn ha so với 2024
Năm 2025, diện tích sản xuất lúa là 7,0 triệu ha, giảm 132 nghìn ha so với 2024. Ảnh minh họa

Trong năm 2024, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 46,1%. Indonesia và Malaysia là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,2% và 7,5%. So với năm 2023, giá trị xuất khẩu gạo năm 2024 sang thị trường Philippines tăng 48,9%, thị trường Indonesia tăng 16,6%, thị trường Malaysia tăng 2,1 lần.

Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Malaysia với mức tăng 2,1 lần; thị trường có giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất là Trung Quốc với mức giảm 8,4%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, năm 2024, thị trường thóc, gạo trong nước chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi tình hình xuất khẩu gạo. Giá các loại thóc, gạo tẻ có xu hướng tăng khoảng 1.000-2.000 đồng/kg (gạo tẻ thường phía Bắc khoảng 17.000-20.000 đồng/kg; phía Nam khoảng 12.500-13.500 đồng/kg). Trước, trong và sau Tết, giá lúa gạo ít biến động.

Giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2024 ước đạt 626,5 USD/tấn, tăng 9% so với năm 2023. Trong đó, quý I/2024, giá gạo 5% tấm đầu năm cao, tăng mạnh nhờ nhu cầu lớn từ các thị trường nhập khẩu, trung bình khoảng 623 USD/tấn; quý II giá đạt đỉnh vào tháng 4 khoảng 642,7 USD/tấn nhưng giảm mạnh trong tháng 5,6, đạt trung bình khoảng 572 USD/tấn; quý III giá phục hồi nhẹ nhờ nhu cầu tăng giữa năm khoảng 605 USD/tấn; quý IV giá trung bình khoảng 628 USD/tấn duy trì mức cao ổn định và tăng tích cực so với 2023.

Cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2025, diện tích sản xuất lúa là 7,0 triệu ha, giảm 132 nghìn ha so với 2024; năng suất dự kiến 61,6 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha; Sản lượng ước đạt khoảng 43,143 triệu tấn, giảm khoảng 357 nghìn tấn so với năm 2024

Cân đối lượng gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu năm 2025 như sau: Sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long; các vùng khác chủ yếu phục vụ cho tiêu thụ nội địa. Ước sản xuất cả năm 2025 vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 3,778 triệu ha, năng suất bình quân ước 63,4 tạ/ha; sản lượng ước đạt 23,965 triệu tấn.

Trong đó, tiêu thụ nội địa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh (dự tính tổng số lượng người tiêu thụ gạo từ Đồng bằng sông Cửu Long là 28 triệu người, gồm dân số vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 18 triệu người và TP. Hồ Chí Minh khoảng 10 triệu người) và sử dụng làm giống, thức ăn chăn nuôi..., tổng lượng lúa tiêu thụ trong vùng khoảng 8,90 triệu tấn.

Lúa hàng hóa dùng cho xuất khẩu ước khoảng 15,085 triệu tấn, tương đương 7,54 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu. Trong đó, lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước 4,50 triệu tấn.

Cụ thể, tháng 1 khoảng 450 nghìn tấn; tháng 2 khoảng 570 nghìn tấn; tháng 3 khoảng 1.130 nghìn tấn; tháng 4 khoảng 1.000 nghìn tấn; tháng 5 khoảng 850 nghìn tấn; tháng 6 khoảng 500 nghìn tấn.

Lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng cuối năm ước 3,04 triệu tấn. Cụ thể, tháng 7 khoảng 550 nghìn tấn; tháng 08 khoảng 900 nghìn tấn; tháng 9 khoảng 900 nghìn tấn; tháng 10 khoảng 300 nghìn tấn; tháng 11 khoảng 250 nghìn tấn; tháng 12 khoảng 140 nghìn tấn.

Năm 2025, khi Ấn Độ đã gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, Indonesia - thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam - tự chủ lương thực chỉ nhập khẩu lượng nhỏ gạo tùy thuộc vào nguồn cung sẽ tác động đến lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, ngành lúa gạo Việt Nam cần sớm tính các phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp ngay từ đầu năm 2025.

Về thị trường xuất khẩu, một mặt vẫn chú trọng xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như Philippines, Indonesia… cần chủ động đa dạng hóa thị trường, chủng loại gạo xuất khẩu, không chỉ tập trung vào các thị trường châu Á như Philippines, Indonesia, Trung Quốc... mà cần mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác, như châu Âu, Mỹ, Trung Đông, Tây Á và châu Phi. Các địa phương cần tập trung sản xuất các loại gạo chất lượng, giá bán cao được thị trường ưa chuộng như các loại gạo thơm, gạo đặc sản…

Trong đó, quan tâm tập trung nguồn lực cho việc triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, để đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải phù hợp xu thế tiêu dùng thế giới, vừa tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn nữa cho hạt gạo Việt Nam.

Ước khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo tháng 1/2025 đạt 500 nghìn tấn và 308 triệu USD, tăng 1% về khối lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.


Nguồn: https://congthuong.vn/nganh-lua-gao-can-som-tinh-phuong-an-kinh-doanh-phu-hop-373227.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available