Tôi hay thèm ăn sau bữa tối và trước khi đi ngủ nếu không sẽ bồn chồn, khó chịu, điều này có gây hại? (Trang, 28 tuổi, Hà Nội)
Trả lời:
Nhắc đến ăn đêm, mọi người thường nghĩ đến những vấn đề như đầy bụng, tăng cân, da nổi mụn, đều là hàng loạt tác động xấu tới sức khỏe. Tuy nhiên, nếu ăn đêm một cách khoa học và kiểm soát sẽ mang lại hiệu quả.
Thực tế, những gì bạn ăn trước khi đi ngủ đóng vai trò rất quan trọng. Một bữa ăn nhẹ giàu chất xơ và ít chất béo là lựa chọn tốt nhất, đặc biệt nếu bữa ăn đó bao gồm các loại thực phẩm giúp cơ thể duy trì lượng đường trong máu khỏe mạnh. Ngoài ra, ăn nhẹ có thể giúp tránh bị hạ đường huyết khi ngủ.
Tiêu thụ protein hoặc carbohydrate vào ban đêm cũng giúp nhiều người kiểm soát cơn thèm ăn, từ đó hạn chế được việc ăn bừa bãi, gây tăng cân. Ngoài ra, nếu bạn tập luyện buổi tối thì việc bổ sung năng lượng là điều cần thiết. Trung bình, khoảng 45 phút sau khi tập luyện phải bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo nên bổ sung carbohydrate sau khi tập, ngay cả khi đã tối khuya.
Với những người suy dinh dưỡng, cân nặng dưới chuẩn, việc ăn đêm sẽ bổ sung năng lượng như một bữa phụ giúp cơ thể nhận thêm calo. Ăn đêm cũng giúp những người đang chán ăn hoặc có khẩu vị kém được tăng cường dinh dưỡng từ những bữa ăn phụ.
Lưu ý, bạn cần lựa chọn thời điểm ăn phù hợp, cụ thể là kết thúc bữa ăn tối thiểu 90 phút trước khi ngủ để thực phẩm có thời gian tiêu hóa, cơ thể không bị tích tụ mỡ thừa cũng như ngủ ngon hơn. Năng lượng bạn nên nạp vào cho bữa ăn đêm chỉ trong khoảng 150-200 Kcal.
Nên tránh thức ăn nhiều đường và phụ gia bánh, kẹo, thức ăn nhanh chế biến sẵn nhiều dầu mỡ như dăm bông, khoai tây chiên, bắp rang bơ, giò chả, xúc xích, hamburger, đồ ăn cay nóng, đồ uống có cồn, nước ngọt có ga.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu
Viện Y học Ứng dụng Việt Nam