Âm thanh tần số thấp mà thiết bị thủy âm thu được ở Point Nemo, Thái Bình Dương, năm 1997, từng được cho là do quái vật biển tạo ra.
Point Nemo ở Nam Thái Bình Dương được coi là điểm xa xôi nhất hành tinh. Khi tới đó, tàu thuyền sẽ cách vùng đất gần nhất khoảng 2.700 km. Khi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) bay qua phía trên, phi hành gia của trạm sẽ là những người ở gần các thủy thủ nhất, chỉ cách khoảng 400 km.
Do vị trí xa xôi, cộng thêm việc các dòng hải lưu ở đây có rất ít cá và ngư dân hiếm khi qua lại, Point Nemo trở thành nấm mồ cho các vệ tinh và tàu vũ trụ cũ. Khi ngừng hoạt động, dự kiến khoảng năm 2030, trạm ISS cũng sẽ đâm xuống nơi này. Hơn 263 mảnh rác vũ trụ đã chìm xuống Point Nemo từ năm 1971, bao gồm trạm Mir của Nga và trạm vũ trụ đầu tiên của NASA, Skylab, theo nghiên cứu năm 2019.
Chính tại Point Nemo, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) phát hiện một âm thanh tần số cực thấp vào năm 1997. Âm thanh kỳ lạ được phát hiện bởi các thiết bị thủy âm đặt rải rác ở Thái Bình Dương và nằm trong số những âm thanh lớn nhất từng được ghi nhận dưới nước. Giới chuyên gia gọi âm thanh này là bloop. Nó lớn đến mức thiết bị thủy âm cách xa tới 4.800 km cũng thu nhận được.
“Có rất nhiều thứ tạo tiếng ồn dưới đó. Cá voi, cá heo, các loại cá và cả tiếng động của Trái Đất”, nhà hải dương học Chris Fox tại NOAA cho biết.
Tuy nhiên, không loài động vật đã biết nào có thể tạo ra bloop. Do đó, nhiều giả thuyết về thủ phạm được đưa ra, từ mực khổng lồ, khủng long dưới nước, cá mập megalodon, đến quái vật biển. Dù sao, có tới hơn 80% đại dương chưa được con người khám phá. Những giả thuyết này càng trở nên hấp dẫn hơn khi NOAA thông báo bloop không phải là âm thanh nhân tạo.
Bloop khiến các nhà khoa học bối rối suốt nhiều năm. Theo Fox, âm thanh bí ẩn này có thể liên quan đến quá trình tách băng. “Âm thanh luôn đến từ phía nam. Chúng tôi nghi ngờ đó là băng gần bờ biển châu Nam Cực”, Fox nói.
Mãi đến năm 2005, khi NOAA thực hiện một cuộc khảo sát âm thanh ở Nam Cực, các nhà khoa học mới bắt đầu hiểu được nguồn gốc của bloop. Theo Robert Dziak, chuyên gia tại Phòng thí nghiệm môi trường biển Thái Bình Dương thuộc NOAA, đến năm 2011, sau khi thu thập tất cả dữ liệu, họ đã có thể giải thích rõ ràng bloop là gì. Đó là âm thanh của một trận động đất băng, xảy ra khi thềm băng nứt vỡ và tách khỏi sông băng ở Nam Cực.
“Âm thanh băng nứt vỡ là một nguồn âm thanh tự nhiên nổi bật ở Nam Đại Dương. Mỗi năm có hàng chục nghìn trận động đất băng xảy ra do băng biển nứt, tan chảy và do băng từ sông băng tách ra, trôi vào đại dương. Những thứ này có đặc điểm rất giống với bloop”, Dziak nói.
Theo NOAA, các tảng băng trôi tạo ra bloop rất có thể nằm giữa eo biển Bransfield và biển Ross, hoặc Cape Adare ở châu Nam Cực. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, NOAA cảnh báo các trận động đất băng có thể trở nên phổ biến hơn.
Thu Thảo (Theo IFL Science, Business Insider)