Giải Vàng Hạng mục Thời sự Giải ảnh “Khoảnh khắc báo chí” 2022 do Báo Nhà báo & Công luận tổ chức đã thuộc về tác phẩm “Hiện trường vụ lũ quét kinh hoàng ở Huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) xảy ra vào rạng sáng ngày 2/10/2022” của tác giả Phạm Đức. Đằng sau những bức ảnh báo chí mang tính thời sự và nhân văn ấy chính là sự dấn thân và tinh thần trách nhiệm của một phóng viên luôn tận tâm với nghề, sáng tạo, dám nghĩ dám làm.
Vượt 400 km tới hiện trường
Nhận được chỉ đạo của toà soạn, phóng viên Phạm Đức – Thường trú Báo Thanh Niên tại Hà Tĩnh, khi đó đang trong đợt được điều động tăng cường về Nghệ An hỗ trợ đồng nghiệp, lập tức lên hiện trường. Tuy nhiên, lúc này tuyến quốc lộ 7 từ H. Anh Sơn lên H. Kỳ Sơn bị sạt lở đất và ngập lụt, các phương tiện không thể qua lại. Quãng đường đi bình thường, tính từ TP. Vinh đến hiện trường vụ lũ quét mất khoảng hơn 300 km. Tuy nhiên, Phạm Đức phải đi đường vòng nên quãng đường di chuyển mất hơn 400 km.
“Khi có mặt tại hiện trường, trời đã dần chuyển tối, toàn khu vực này mất điện nên xung quanh chỉ một màu đen bao phủ. Tôi dùng đèn pin, chân lội bùn đất dò dẫm tiếp cận, phỏng vấn người dân và chụp ảnh để lấy tư liệu viết bài ngay trong đêm”, Phạm Đức nhớ lại.
Đến sáng hôm sau, hiện trường trận lũ quét bắt đầu hiện ra trước mắt Phạm Đức, “tôi mới mường tượng được sự khốc liệt của thiên tai mà bà con nơi đây đang phải gánh chịu”, anh xót xa.
Phạm Đức kể, trung tâm thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ tan hoang, bùn đất tràn vào nhà vùi lấp hết các công sở, trường học, nhà dân… Nhiều tài sản của cơ quan nhà nước và người dân thứ thì bị cuốn trôi, thứ thì bị chôn vùi. Có nhiều nhà dân bị lũ cuốn trôi hoặc xiêu vẹo. Không ít bà con rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.
Phạm Đức xúc động: “Đi đâu tôi cũng gặp những ánh mắt thất thần của bà con khiến bản thân không khỏi xót xa…”.
Con suối Huồi Giảng chảy qua xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén vẫn đang chảy cuồn cuộn, nước lũ đục ngầu. Phía trên các ngọn núi bao xung quanh các bản làng ở xã Tà Cạ vẫn đang tiếp tục sạt lở.
“Dù tác nghiệp trong điều kiện nguy hiểm, khó khăn nhưng tôi luôn cố gắng thâm nhập hết mọi ngõ ngách để ghi lại toàn bộ những gì được kể và nhìn thấy. Tất nhiên là làm sao có tác phẩm sớm nhất có thể để gửi về cho cơ quan nhằm cập nhật thồng tin mới nhất cho bạn đọc. Và chùm ảnh “Hiện trường mới nhất vụ lũ quét ở H. Kỳ Sơn” đã được xuất bản, kể cho bạn đọc tường tận những gì còn sót lại sau trận lũ quét và những thiệt hại rất nặng nề của bà con nơi miền biên viễn”, Phạm Đức chia sẻ.
Đặt đạo đức lên hàng đầu
Các phóng viên ảnh không chỉ làm công việc đơn thuần của một anh thợ ảnh, chỉ đi chụp ảnh sự kiện để phục vụ cho bài của phóng viên viết, mà yêu cầu đề ra là phóng viên ảnh phải làm việc một cách chủ động và độc lập, phải tự lên kịch bản như một phóng sự ảnh phản ánh đầy đủ một sự kiện, hoặc một câu chuyện đặc biệt được ghi lại bằng hình ảnh về cuộc sống muôn màu.
Phạm Đức là một phóng viên thường trú nên tất cả các thể loại báo chí, từ ảnh, phóng sự, ký sự, phản ánh và truyền hình đều phải làm tốt, các tác phẩm luôn phải đạt chất lượng cao.
“Tôi làm nghề cũng đã ngót nghét được hơn 10 năm nay, kể từ ngày tốt nghiệp Khoa Báo chí truyền thông của Trường ĐH Khoa học Huế vào năm 2014. Trong quá trình làm việc, công tác, tôi luôn phấn đấu để tự nâng cao tay nghề, để các tin, bài sau khi được đăng tải có chất lượng tốt nhất”, Phạm Đức cho hay.
Theo Phạm Đức, với thể loại ảnh báo chí, điều quan trọng nhất là làm sao mỗi bức ảnh khi độc giả xem sẽ hiểu được câu chuyện mà tác giả muốn truyền tải. Ảnh báo chí làm sao để lột tả hết câu chuyện mà tác giả muốn kể là không hề dễ dàng.
Phạm Đức nói: “Vì thế, khi có sự kiện nóng gì xảy ra, nhất là thiên tai dịch hoạ, tôi luôn chú ý quan sát tỉ mỉ khi có mặt tại hiện trường. Những khoảnh khắc sẽ vụt mất nếu như mình không có sự chuẩn bị từ trước, từ trang thiết bị lẫn ý đồ đã lên “kịch bản” sẵn trong đầu”.
Thế mới nói, phóng viên ảnh phải làm việc ở cường độ cao. Những phóng viên ảnh giỏi là những người ngoài việc nỗ lực làm việc không mệt mỏi còn phải luôn học hỏi trau dồi kinh nghiệm từ đồng nghiệp trong nước và nước ngoài, cập nhật xu hướng ảnh báo chí thế giới trên nền tảng số…
“Phóng viên ảnh cũng luôn phải đặt đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu, đã là ảnh báo chí thì phải chân thực, đã là ảnh báo chí thì không bao giờ được phép thay đổi, xử lý hậu cảnh cũng phải có giới hạn để những câu chuyện được ghi bằng hình ảnh luôn chân thực và có giá trị nhất. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, đòi hỏi phóng viên ảnh phải có năng lực, có cái nhìn toàn diện, chuyên sâu, nhanh nhạy…” – Phạm Đức quan niệm.
Chuẩn bị bước sang một năm mới, với nhiệt huyết của một tay máy đầy sự dấn thân, Phạm Đức chia sẻ: “Nhìn lại năm 2023, Phạm Đức chia sẻ niềm vui mừng khi nhận giải thưởng cao nhất tạo Lễ trao giải Khoảnh khắc báo chí 2022. Đó là sự ghi nhận đáng tự hào sự nghiệp, đó cũng là nguồn động lực cổ vũ rất lớn, thôi thúc tôi luôn phải nỗ lực làm nghề để chinh phục được những giải thưởng tiếp theo cũng như cống hiến cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Năm 2024, dự đoán thêm 1 năm khó khăn đối với báo chí, nhưng tôi sẽ cố gắng mức tối đa để hoàn thành tốt công việc, làm việc với niềm đam mê, trí tuệ và nhân văn nhất”, Phạm Đức bày tỏ.
Phan Hoà Giang
Bộ ảnh “Hiện trường vụ lũ quét kinh hoàng ở Huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) xảy ra vào rạng sáng ngày 2/10/2022”: