Quan chức này tiết lộ thêm những nước tham gia hội nghị thượng đỉnh sẽ bao gồm Ukraine, cũng như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi và một số quốc gia đang phát triển khác.
Được biết, các chi tiết liên quan đến hội nghị thượng đỉnh vẫn còn thay đổi và vẫn chưa có thời gian cụ thể cho các cuộc đàm phán. Nhưng theo báo Wall Street Journal, các nhà ngoại giao liên quan đến hội nghị cho rằng các cuộc đàm phán có thể diễn ra vào ngày 5 và 6 tháng 8 tới đây.
Việc Ả Rập Xê Út đăng cai tổ chức các cuộc đàm phán diễn ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hồi tháng 5 tham dự hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Ả đã thúc giục các quốc gia ở đây ủng hộ Kiev.
Các nước Ả Rập phần lớn vẫn giữ thái độ trung lập kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, một phần là do mối mối quan hệ quân sự và kinh tế của họ với Nga.
Về phần mình, Ả Rập Xê Út cũng duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga với tư cách là một phần của nhóm OPEC+. Do đo, việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine được Ả Rập Xê Út kỳ vọng giúp cải thiện hình ảnh của họ với phương Tây.
Hội nghị sắp diễn ra tại Jeddah cũng được xem là sự tiếp nối từ cuộc họp của các quan chức cấp cao ở Copenhagen (Đan Mạch) hồi cuối tháng 6, với sự tham dự của Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi và nhiều nước đang phát triển để bàn về vấn đề Ukraine.
Các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng Ả Rập Xê Út được chọn đăng cai vòng đàm phán thứ hai một phần với hy vọng thuyết phục Trung Quốc tham gia.
Riyadh và Bắc Kinh đang duy trì quan hệ chặt chẽ. Đầu năm nay, Trung Quốc đã giúp đàm phán để phá băng mối quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và đối thủ lớn nhất tại khu vực của họ là Iran, vài tháng sau khi Riyadh tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một hội nghị thượng đỉnh Ả Rập.
Tại cuộc họp ở Copenhagen hồi tháng 6, có một khoảng cách lớn về quan điểm giữa Ukraine và hầu hết các nước đang phát triển tham dự. Phía Ukraine đề nghị những nước tham gia ủng hộ kế hoạch hòa bình 10 điểm của Tổng thống Zelenskyy, theo đó yêu cầu Nga rút quân khỏi tất cả các vùng các lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền rồi mới có thể bắt đầu hòa đàm.
Nhóm các nước đang phát triển khi đó tuyên bố, họ sẵn sàng thảo luận về các nguyên tắc chung nhưng không nhất trí với kế hoạch của Ukraine.
Nguyễn Khánh (theo WSJ, Reuters)