Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kỷ niệm 66 năm Ngày Truyền thống ngành thủy sản (1/4/1959 - 1/4/2025): Tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân bám biển làm giàu

Trải qua 66 năm hình thành và phát triển, ngành thủy sản cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng từng bước vươn lên và khẳng định vị thế quan trọng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong nền kinh tế quốc dân.

Báo Bình ThuậnBáo Bình Thuận01/04/2025

Được xác định là 1 trong 3 ngư trường trọng điểm của cả nước, có vùng nước trồi đặc biệt với nguồn lợi biển phong phú, nhiều hải đặc sản có giá trị kinh tế cao, Bình Thuận có nhiều yếu tố thuận lợi để thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, là cơ hội cho ngư dân bám biển làm giàu.

Đứng đầu cả nước về năng lực đánh bắt

Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển, ngành thủy sản Bình Thuận đã trải qua không ít khó khăn, thách thức, từng bước phát triển, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra và đạt được nhiều thành tựu. Năm 2023, giá trị gia tăng ngành thủy sản đạt 8.457,3 tỷ đồng (tăng 36,9% so với năm 2015 và tăng 158,6% so với năm 2010), đóng góp 29,58% giá trị tăng thêm (VA) của khu vực nông lâm thủy sản và đóng góp trên 7,47% GRDP của toàn tỉnh; kim ngạch xuất khẩu đạt 211.447 ngàn USD, tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong các ngành kinh tế biển và có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế tỉnh Bình Thuận.

tau-thuyen-danh-bat-hai-san-anh-n.-lan-62-.jpg
Ngành thủy sản tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong các ngành kinh tế biển.

Không chỉ vậy, khai thác hải sản từng bước được cơ cấu theo hướng phát triển khai thác xa bờ, gắn với dịch vụ hậu cần và sắp xếp lại nghề cá ven bờ phù hợp với trữ lượng, nguồn lợi. Toàn tỉnh hiện có trên 8.000 tàu cá với gần 47.000 ngư dân trực tiếp khai thác hải sản, thuộc nhóm các địa phương đứng đầu cả nước về năng lực đánh bắt, sản lượng khai thác. Trong số 1.957 tàu cá chiều dài từ 15 mét trở lên hoạt động tại vùng khơi, có 1.056 tàu cá thường xuyên hoạt động trên vùng biển xa bờ, được đầu tư khá đồng bộ, ứng dụng vật liệu mới với trang thiết bị, công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm hiện đại, có khả năng hoạt động ổn định dài ngày trên biển, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn.

cang-phan-ri-cua-anh-n.-lan-3-.jpg
Là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về năng lực đánh bắt, sản lượng khai thác.

Trong năm 2024, sản lượng thủy sản khai thác toàn tỉnh đạt gần 240.000 tấn (đạt 100,3% kế hoạch, tăng 1,8% so năm 2023). Đồng thời, khuyến khích ngư dân tiếp tục nhân rộng các ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu cá. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 600 tàu cá cải hoán hầm bảo quản bằng vật liệu cách nhiệt Polyurethan để thay thế hầm bảo quản truyền thống; trên 100 tàu trang bị hầm cấp đông; khoảng 90% tàu cá nghề lưới vây rút chì, lưới chụp, mành, pha xúc sử dụng đèn led thay thế đèn sợi đốt. Ngoài ra, còn có các mô hình chuyển giao được ngư dân ứng dụng rộng rãi như: Mô hình sử dụng công nghệ hầm lạnh bảo quản sản phẩm bằng máy bảo ôn trên tàu hoạt động nghề lưới kéo; mô hình hệ thống tời cơ khí cho nghề chụp mực; mô hình máy dò ngang Sonar.

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản, những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh, ngành khai thác thủy sản có bước phát triển ổn định, được cơ cấu và chuyển dịch theo hướng hiệu quả, an toàn, bền vững; tiếp tục là ngành có đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

z5762648920326_34e23ec1c5b2a2a312e306608c94b6ad.jpg
Chất lượng sản phẩm sau khai thác ngày càng được nâng cao.

Hiện đại hóa đội tàu xa bờ

Có thể thấy, đội tàu cá của tỉnh đã có bước tiến đáng kể, ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu thuyền lớn với trang thiết bị khá đồng bộ. Năm 2017 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên là 1.718 chiếc thì đến nay là 1.957 chiếc, tăng 239 chiếc (có 41 tàu cá có chiều dài từ trên 24 mét). Sự phát triển của nhóm tàu công suất lớn phản ánh chuyển dịch đúng hướng về cơ cấu lực lượng khai thác hải sản của tỉnh những năm qua. Đội tàu này được đầu tư trang bị khá hiện đại như: máy lọc nước biển, máy dò ngang, hệ thống tời thủy lực... ngư cụ, phương pháp đánh bắt ngày càng được cải tiến phù hợp với ngư trường, đối tượng, mùa vụ. Công nghệ bảo quản sau thu hoạch cũng có những chuyển biến tích cực, nhiều tàu cá đã cải tiến hệ thống khoang, hầm đông, công cụ bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác đáp ứng yêu cầu của thị trường.

hai-san-ve-bai-bien-ke-ga-ham-thuan-nam-anh-n.-lan-.jpg
Với nhiều chính sách sẽ động lực tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân bám biển làm giàu.
c0124t01.jpg
Thả hơn 600.000 con giống hải sản nước mặn tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Bên cạnh đó, nhằm thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tỉnh đã thực hiện quyết liệt, không phát triển tàu thuyền nhỏ khai thác vùng bờ; không cấp văn bản chấp thuận đóng mới tàu cá hành nghề lưới kéo và không cấp giấy phép khai thác thủy sản mới cho nghề lưới kéo dưới mọi hình thức. Năm 2017 số tàu hoạt động nghề lưới kéo (giã cào) là 1.133 chiếc thì đến nay còn 731 chiếc, giảm 402 chiếc.

Giai đoạn năm 2020 - 2025, thực hiện cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị khai thác, trong đó khai thác vùng biển khơi chiếm 60%, ngư dân tỉnh Bình Thuận đã đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa nghề cá góp phần gia tăng năng lực và hiệu quả khai thác xa bờ. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai các giải pháp phát triển tốt hình thức liên kết trên biển, hình thành đội tàu dịch vụ hậu cần mạnh mẽ.

Song song với khai thác, đánh bắt, tỉnh còn quan tâm đến công tác bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và sinh kế của cộng đồng ngư dân. Trong đó thành công nhất là mô hình Quản lý cộng đồng nguồn lợi ven bờ đã được triển khai ở 3 xã ven biển Hàm Thuận Nam, mở ra hướng quản lý hiệu quả đối với nguồn lợi ven bờ, tạo đồng thuận trong ngư dân. Ngoài ra, trong năm qua, tỉnh đã triển khai thả hơn 600.000 con giống hải sản nước mặn (chủ yếu là tôm sú, ốc hương, cá biển) và 60.000 con giống thủy sản nước ngọt xuống các vùng nước tự nhiên góp phần tái tạo và phục hồi nguồn lợi thủy sản.

Tin rằng, với những chính sách hỗ trợ phát triển nghề cá đang được triển khai thực hiện sâu rộng sẽ là động lực tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân bám biển làm giàu, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Từ ngày 1/1/2025, gần 2.000 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên sẽ được hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh VMS là 175.000 đồng/1 tháng/1 tàu, gần bằng 50% mức phí thuê bao dịch vụ vệ tinh VMS hàng tháng hiện nay, với tổng kinh phí hơn 12 tỷ đồng/3 năm từ nguồn ngân sách tỉnh. Trước đó, tỉnh đã hỗ trợ 10 triệu đồng cho mỗi chủ tàu cá mua, lắp đặt thiết bị VMS.

Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/ky-niem-66-nam-ngay-truyen-thong-nganh-thuy-san-1-4-1959-1-4-2025-tiep-them-suc-manh-cho-ngu-dan-bam-bien-lam-giau-129000.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm