Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trên cơ sở các báo cáo, tờ trình của UBND TP, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND TP, các vị đại biểu đã tập trung nghiên cứu, thảo luận và biểu quyết thông qua 10 nghị quyết với tỷ lệ thống nhất cao để kịp thời quyết định các nội dung, cơ chế, chính sách, giải pháp quan trọng bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của TP.
Đó là Nghị quyết thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024 và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố;
Phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công; Điều chỉnh, bổ sung danh mục các công trình, dự án thu hồi đất danh mục các dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2024; bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố từ năm học 2023-2024; quy định mức thu học phí, quy định danh mục, mức thu, cơ chế quản lý thu chi các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của TP; quy định một số nội dung, mức chi hỗ trợ hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở phục vụ xây dựng nông thôn mới…
Chủ tịch HĐND TP đề nghị, ngay sau Kỳ họp, UBND TP, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo các nghị quyết của HĐND TP đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực.
Về quy hoạch Thủ đô, đề nghị UBND TP khẩn trương tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện nội dung Quy hoạch để Ban Thường vụ Thành ủy báo cáo với Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ báo cáo với Quốc hội bảo đảm chất lượng, tiến độ, bảo đảm các quy định.
Đối với Kế hoạch đầu tư công của thành phố, theo Chủ tịch HĐND TP, kỳ họp này, HĐND TP xem xét, quyết nghị điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024 và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 – 2025 cấp thành phố; phê duyệt chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án quan trọng về các lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hoá, thoát nước, xử lý nước thải, giao thông, hạ tầng kỹ thuật tái định cư… Đây là những dự án cấp thiết, đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội các địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô.
Năm 2023, Hà Nội có kế hoạch vốn lớn và kết quả giải ngân tốt, phát huy kết quả đó, năm 2024, kế hoạch đầu tư công của thành phố khoảng 81.033 tỷ đồng (tăng hơn 72,3% so với kế hoạch đầu năm 2023).
“Khối lượng các công trình, dự án là rất lớn, nhiều việc khó, phức tạp trong quá trình thực hiện. Đề nghị UBND TP tập trung chỉ đạo, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết, tháo gỡ vướng mắc” – Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn lưu ý.
Cùng với đó, cần chỉ đạo rà soát, thống kê phân loại rõ số lượng dự án đã phê duyệt chủ trương, đã phê duyệt dự án, khởi công; đánh giá tiến độ thực hiện của từng dự án; xác định cụ thể nguyên nhân chậm triển khai trong từng khâu và đề xuất các giải pháp cụ thể.
Đối với các dự án không có khả năng triển khai, kiên quyết cắt giảm để bố trí nguồn lực cho các dự án có tính khả thi cao, dự án trọng điểm, dự án cấp bách, giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc như: ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; kế hoạch đầu tư các lĩnh vực và việc xây dựng nông thôn mới cũng như đồng bào dân tộc thiểu số; đường sắt đô thị; công viên, vườn hoa, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; các chương trình cấp nước sạch, xử lý rác thải, nước thải, thoát nước, bảo vệ môi trường…
Tại kỳ họp này, HĐND TP đã xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền: quyết nghị miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND TP và thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND TP đối với bà Trần Thị Nhị Hà (nguyên Giám đốc Sở Y tế) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; miễn nhiệm với ông Nguyễn Huy Cường và bầu bổ sung Ủy viên UBND TP đối với ông Lê Thanh Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường do kiện toàn công tác cán bộ.