ANTD.VN – Vàng thế giới đang chịu áp lực khi các dữ liệu lạm phát của Mỹ đều cao hơn so với dự kiến của thị trường. Giá vàng trong nước theo đó cũng giảm nhẹ trở lại sau phiên phục hồi ngoạn mục hôm qua.
Trong phiên giao dịch hôm qua, giá vàng trong nước đã hồi phục mạnh mẽ, lấy lại phần lớn những gì đã mất trong phiên liền trước đó. Theo đó, vàng SJC tăng mạnh tới khoảng 1,3 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn cũng tăng khoảng 600 – 700 nghìn đồng mỗi lượng.
Bước sang phiên sáng nay, thị trường kim loại quý trong nước không tiếp tục giữ được đà tăng này khi vàng thế giới lại gặp áp lực chốt lời nhẹ.
Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào – bán ra ở mức 79,40 – 81,40 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ 100 nghìn đồng mỗi lượng ở cả hai chiều mua vào – bán ra.
Tại Tập đoàn DOJI, vàng miếng cũng giảm 200 nghìn đồng mỗi lượng ở cả hai chiều, lên 79,30 – 81,30 triệu đồng/lượng.
Bảo Tín Minh Châu giảm 200 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và giảm 250 nghìn đồng/lượng chiều bán ra, niêm yết tại 79,4 – 81,25 triệu đồng/lượng;
Phú Quý giảm 100 nghìn đồng/lượng xuống 79,3 – 81,30 triệu đồng/lượng; PNJ cũng có cùng mức giảm, đang giao dịch tại 79,40 – 81,40 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới giảm khi đồng USD mạnh lên |
Đối với vàng nhẫn, mức giảm vào đầu giờ sáng cũng chỉ khoảng 50 – 100 nghìn đồng mỗi lượng.
Theo đó, vàng nhẫn 9999 của SJC đang niêm yết tại 67,70 – 68,95 triệu đồng/lượng; nhẫn tròn trơn Bảo Tín Minh Châu 68,28 – 69,58 triệu đồng/lượng; nhẫn DOJI Hưng Thịnh Vượng 9999 68,15– 69,55 triệu đồng/lượng…
Trên thế giới, giá vàng đã không giữ được đà hồi phục, quay đầu giảm khoảng 13,5 USD/ounce tính đến thời điểm này và đang giao dịch ở trên mức 2.161 USD/ounce đối với vàng giao ngay.
Thị trường kim loại quý đang gặp một chút áp lực chốt lời khi một dữ liệu kinh tế quan trọng khác của Mỹ cũng đang cho thấy lạm phát “ấm” hơn dự kiến. Cụ thể báo cáo chỉ số giá sản xuất tháng 2 đạt mức tăng 0,6%, cao gấp đôi dự báo tăng 0,3% so với tháng trước và theo sau mức tăng 0,3% trong báo cáo tháng 1.
Báo cáo này được tiếp theo ngay sau báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 của nền kinh tế lớn nhất thế giới vào hôm thứ Ba, cũng cao hơn kỳ vọng của các chuyên gia.
Chỉ số giá sản xuất là tiền thân của chi phí bán lẻ nên sẽ ảnh hưởng đến áp lực lạm phát đối với người tiêu dùng. Do đó, thị trường đang hiểu rằng lạm phát trong tương lai vẫn còn áp lực rất lớn, điều này có thể ngăn cản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất sớm như dự đoán gần đây.
Mối lo ngại lạm phát trở lại và nguy cơ Fed trì hoãn cắt giảm lãi suất cũng khiến lợi suất trái phiếu kho bạc và đồng đô la Mỹ cùng mạnh lên. Hai yếu tố này có tương quan nghịch đảo với giá vàng.