(NLĐO) – Trong 8 cây được công nhận cây di sản tại Thảo Cầm Viên, cây Giáng hương là cây có tuổi đời cao nhất với hơn 200 năm tuổi.
Sáng 29-12, Thảo Cầm Viên Sài Gòn phối hợp cùng Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức lễ trao quyết định công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Đây không chỉ là sự kiện đánh dấu giá trị tự nhiên và văn hóa lâu đời của các loài thực vật quý hiếm tại Thảo Cầm Viên mà còn khẳng định nỗ lực của TP HCM trong việc bảo tồn và phát huy di sản thiên nhiên, lan tỏa thông điệp yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường đến cộng đồng.
Trao đổi với báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Bé Na, phó Giám đốc Xí nghiệp Thực vật Thảo Cầm Viên, cho biết các loài cây di sản tại Thảo Cầm Viên được trao quyết định gồm nhiều cây tuổi đời hàng trăm năm. Trong đó, cây Xà cừ (Khaya senegalensis (Desr.) A. Juss.), thuộc họ Xoan, mã số 1700 là cây “mẹ” của loại cây xà cừ tại Việt Nam. Tuổi đời của cây hơn 160 năm, chu vi thân có chỗ 12,3m và chiều cao vút ngọn 60m. Cây Xà cừ có giá trị trong việc cung cấp gỗ để đóng thuyền, đồ gỗ, lá cây làm thuốc chữa ghẻ, sốt.
Cũng theo bà Na, trong 8 cây được công nhận cây di sản tại Thảo Cầm Viên, cây Giáng hương là cây có tuổi đời cao nhất với hơn 200 năm tuổi, theo những tài liệu được ghi lại cho thấy đây là những cây di tích rừng nhiệt đới của Đông Nam bộ ngày xưa. Cây Giáng hương quả to (Pterocarpus macrocarpus Kurz), thuộc họ Đậu, mã số 1302 cũng được công nhận cây di sản Việt Nam, cao khoảng 34m.
Giáng hương được xếp cấp độ nguy cấp (EN) trong sách đỏ Việt Nam. Đây là loài cây quý, có gỗ chất lượng cao, bền, có mùi thơm, thường được sử dụng trong sản xuất đồ mỹ nghệ cao cấp.
Cũng được xếp loại cây di sản là cây Tung (Tetrameles nudiflora R.Br.), thuộc họ Tung, mã số 1188 với tuổi thọ khoảng 200 năm, cao khoảng 35m.
Theo đó, đây là loài có nguồn gen độc đáo. Gỗ cây Tung mềm, được sử dụng trong xây dựng và sản xuất đồ dùng gia đình. Vỏ cây có tác dụng làm thuốc nhuận tràng, lợi tiểu, thanh huyết, thông mật.
Bà Nguyễn Thị Bé Na khẳng định việc 8 cây tại Thảo Cầm Viên được công nhận là cây di sản Việt Nam không chỉ mang ý nghĩa riêng với Thảo Cầm Viên mà còn góp phần khẳng định giá trị văn hóa lâu đời của TP HCM. “Sự kiện này cho thấy thành phố không chỉ quan tâm bảo tồn thiên nhiên mà còn truyền tải thông điệp yêu môi trường, giữ gìn những giá trị bền vững cho thế hệ mai sau” – bà Na chia sẻ.
PGS. TS. Phùng Chí Sĩ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho biết tiêu chí công nhận cây di sản Việt Nam bao gồm ba yếu tố chính. Thứ nhất, cây có tuổi đời trên 200 năm. Thứ hai, cây di sản cần có giá trị về mặt bảo tồn nguồn gen, bảo vệ môi trường và phải là loài quý hiếm. Thứ ba, cây cần có mối liên hệ mật thiết với hoạt động và cuộc sống của người dân, góp phần vào phát triển văn hóa và sinh kế của cộng đồng.
Việc công nhận các cây di sản không chỉ là sự ghi nhận đối với giá trị tự nhiên mà còn nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và di sản thiên nhiên. Các cây này sẽ trở thành biểu tượng cho việc bảo tồn và phát triển bền vững của hệ sinh thái tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Du khách có thể đến thăm và chụp ảnh cùng những cây di sản, góp phần lan tỏa tình yêu thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan và môi trường sống.
Một số hình ảnh tại Thảo Cầm Viên sáng 29-12:
Cây Xà cừ (Khaya senegalensis (Desr.) A. Juss.), thuộc họ Xoan, mã số 1700 là cây “mẹ” của loại cây xà cừ tại Việt Nam
Cây Xà cừ có giá trị trong việc cung cấp gỗ để đóng thuyền, đồ gỗ, lá cây làm thuốc chữa ghẻ, sốt.
Cây Giáng hương quả to (Pterocarpus macrocarpus Kurz), thuộc họ Đậu, mã số 1302 cũng được công nhận cây di sản Việt Nam
Cây Tung (Tetrameles nudiflora R.Br.), thuộc họ Tung, mã số 1188 với tuổi thọ khoảng 200 năm, cao khoảng 35m là một trong những cây di sản được công nhận
Nguồn: https://nld.com.vn/thao-cam-vien-8-cay-di-san-ke-chuyen-lich-su-thien-nhien-196241229133327739.htm