Không theo dõi đường huyết, uống ít nước, ăn lượng carb không phù hợp… là những sai lầm người tiểu đường ăn theo chế độ ít carb dễ mắc phải.
Chế độ ăn ít carb (low carb) được nhiều người tiểu đường áp dụng để kiểm soát và cải thiện bệnh. Chế độ ăn này hạn chế carbohydrate (đường và tinh bột), nhiều thực phẩm giàu protein giúp ổn định đường huyết, giảm cân, cải thiện chỉ số cholesterol. Người bệnh tiểu đường type 2 ăn theo chế độ ăn này cũng giảm chất béo trung tính, huyết áp cao. Dưới đây là những sai lầm mà người bệnh tiểu đường thường gặp khi ăn ít carb.
Ăn lượng carb không phù hợp
Mỗi người cần một lượng carb khác nhau, tùy thuộc vào thể trạng. Người bệnh nên xem xét các yếu tố như tình trạng sức khỏe, kiểm soát đường huyết, dùng thuốc, sở thích ăn uống… để cân đối lượng carb. Mọi người có thể tham khảo chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ điều trị để được hướng dẫn cụ thể về lượng carb phù hợp.
Không theo dõi đường huyết
Chế độ ăn low carb có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu nhưng nó không phải là giải pháp hàng đầu để ổn định đường huyết lâu dài. Người bệnh tiểu đường nên thường xuyên theo dõi đường huyết để điều chỉnh lượng carb nhằm tránh tăng, hạ lượng đường trong máu. Theo dõi đường huyết còn giúp điều chỉnh khẩu phần bữa ăn, lượng carb tiêu thụ, liều lượng thuốc. Người bệnh nên theo dõi đường huyết thường xuyên như trước và sau ăn, sau tập thể dục… để tránh tăng hoặc giảm đột biến.
Bỏ qua chất lượng carb
Một số người có xu hướng tập trung đếm tổng lượng carb tiêu thụ mà không quan tâm đến chất lượng carb. Điều này ảnh hưởng đến lượng dinh dưỡng nạp vào cơ thể. Người bệnh nên cân bằng lượng carb theo nhu cầu dinh dưỡng, tập trung vào thực phẩm nguyên chất, chưa qua chế biến, tăng chất béo lành mạnh.
Giảm nhiều carb một lúc
Bạn không nên giảm carb quá nhiều trong một bữa ăn mà cần phân phối đều lượng tiêu thụ trong ngày. Điều này có lợi cho mục tiêu ổn định đường huyết, duy trì mức năng lượng cho các hoạt động. Người bệnh tiểu đường type 2 nên có 30-45 g carb mỗi bữa ăn (tính cả đồ ăn nhẹ).
Bỏ qua chất xơ
Chất xơ rất quan trọng với người bệnh tiểu đường. Nó hỗ trợ giảm huyết áp, cải thiện insulin, ổn định đường huyết, no lâu. Nhiều người ăn theo chế độ này thường thiên về việc cân đối chất béo và protein, khiến cơ thể không nhận đủ lượng chất xơ cần thiết. Chế độ ăn cần có lượng carb từ thấp đến trung bình nhưng nhiều chất xơ từ rau lá xanh, quả mọng, các loại đậu, hạt…
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, lượng chất xơ khuyến nghị hàng ngày ở nam và nữ dưới 50 tuổi lần lượt là 25 g, 38 g, trên 50 tuổi là 21g và 30 g.
Uống quá ít nước
Chế độ ăn low carb có thể làm tăng nguy cơ mất nước, gây mất cân bằng điện giải. Nếu lượng carb giảm, lượng nước dự trữ cũng giảm, khiến cơ thể không sản xuất nhiều insulin. Thận đào thải cả nước và natri (muối) ra khỏi cơ thể. Người lớn mắc bệnh tiểu đường nên uống 2-2,5 lít nước mỗi ngày.
Mai Cat (Theo Everyday Health)