Trong chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Fidel Castro vào vùng giải phóng Quảng Trị tháng 9.1973, có hai người, dù không phải là cán bộ cấp cao ở thời điểm đó, nhưng may mắn được tiếp xúc rất gần với lãnh tụ Cuba. Họ là một nhiếp ảnh gia và một người phiên dịch.
“Tôi chỉ cách ông ấy nửa bước chân suốt hành trình”
Một trong hai người được nhắc đến ở đây là ông Nguyễn Xuân Phong (80 tuổi, nguyên Vụ trưởng Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao; nguyên Đại sứ VN tại Vương quốc Tây Ban Nha). Trùng hợp thay, ông Phong là một người con Quảng Trị, quê ở làng Lập Thạch (P.Đông Lễ, TP.Đông Hà; nay nghỉ hưu sống tại Hà Nội). Năm 10 tuổi, ông rời vòng tay mẹ để ra Bắc cùng ông nội. Hết phổ thông, ông được gửi sang du học tại Cuba. Năm 1965, đang trên giảng đường đại học, ông được tuyển làm phiên dịch tiếng Tây Ban Nha cho phái đoàn đại diện Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tại La Habana rồi trở thành cán bộ đối ngoại của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam.
“Chính trên cương vị đó tôi được phiên dịch cho Fidel Castro khi ông thăm vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973 (thời điểm đó, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin là người phụ trách chính phiên dịch của Fidel trong các hoạt động suốt từ Bắc vào Nam). Đây cũng là lần đầu tôi trở về quê hương Quảng Trị sau gần 20 năm xa cách, lại đi cùng một nhân vật huyền thoại tầm vóc thế giới. Suốt hành trình cả mấy ngày, tôi được theo ông như bóng với hình, cách nhau nửa bước chân”, ông Phong nhớ lại vào thời điểm ông chỉ vừa tuổi 30.
Kể với Thanh Niên, ông Phong cho biết đó không phải là lần đầu tiên ông dịch cho Fidel, bởi những năm công tác ở Cuba, ông đã từng làm việc này. Chỉ là lần này nó khác khi Fidel nói trực tiếp với đồng bào ông, trên quê hương ông. “Cách Đông Hà chừng 2 cây số là làng tôi, Lập Thạch; 80 cây số về phía nam là mẹ tôi đang mòn mỏi chờ con… Có ai biết tôi về đây không và đang nghe tôi nói không… Tôi luôn tự nhủ mình: Phải làm cho tốt”, ông Phong xúc động chia sẻ.
Ông Phong cho biết điều ông ấn tượng nhất với Fidel trong toàn chuyến đi chính là quyết tâm của vị lãnh tụ Cuba với việc đến VN, thăm vùng giải phóng Quảng Trị. “Tôi bay cùng chuyên cơ với lãnh tụ Fidel từ TP.Algiers (thủ đô của Algérie) về Hà Nội. Chương trình khi đó của Fidel đi thăm nhiều nước, nhưng cuộc đảo chính phản động ở Chile ngày 11.9.1973 buộc ông rút ngắn hành trình, chỉ giữ lại chuyến thăm VN. Ở VN chuyến thăm đáng lẽ cũng dài ngày hơn, thăm nhiều nơi hơn, nhưng cũng phải rút ngắn lại, dù vậy ông vẫn giữ chuyến thăm vùng giải phóng Quảng Trị. Toàn bộ câu chuyện đó khẳng định hùng hồn tình cảm sâu đậm của Fidel đối với VN và đặc biệt là đối với miền Nam VN”, ông Phong nói.
Ông Phong cũng cho biết ngôn ngữ của Fidel rất giản dị, đời thường. Nhiều động từ và danh từ đi thẳng vào con người, sự vật và hành động. Không có nhiều tính từ, trạng từ sáo rỗng, xã giao. “Tư duy của ông cũng rất rành mạch, logic. Vì vậy, dịch cho Fidel không khó. Cái khó nhất là tài hùng biện của ông khi phát biểu trước quần chúng. Thú thật là do khả năng hạn chế và trạng thái tinh thần xúc động, nên khi dịch tôi không thể hiện được sức mạnh hùng biện đó của Fidel. Nhưng tôi bảo đảm là đã chuyển tải được đầy đủ những gì Fidel muốn nói”, ông Phong kể.
Hòa bình, ông Phong có nhiều dịp trở lại Quảng Trị để thăm những nơi lãnh tụ Cuba Fidel Castro đặt chân đến và hồi tưởng về ký ức 50 năm trước. Khi đứng ở cao điểm 241 (H.Cam Lộ) lộng gió, ông vẫn như nghe tiếng Fidel đọc diễn văn hùng hồn:
“Thưa các đồng chí và các bạn thân mến.
Hôm nay, chúng ta tụ họp lại đây trong lòng lãnh thổ giải phóng miền Nam Việt Nam, tại một nơi mà trước đây có một căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ tưởng chừng bất khả xâm phạm nhưng đã bị đè bẹp. Đoàn chúng tôi đã từ sông Bến Hải đến đây một cách yên bình theo đường số 1, qua Đông Hà, rồi Đường 9 nổi tiếng, và bây giờ chúng tôi đang đứng trên ngọn đồi 241 lịch sử mà các bạn đã đánh chiếm bằng chủ nghĩa anh hùng và lòng quả cảm của mình.
…
Và thắng lợi cuối cùng giải phóng miền Nam Việt Nam, hòa bình thống nhất đất nước sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
…
Nhân dân Việt Nam anh hùng muôn năm!
Tình hữu nghị Cuba – Việt Nam muôn năm!”.
Đó là “khoảnh khắc” của cuộc đời tôi
Với nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sỹ Sô (năm nay 83 tuổi, trú xã Vĩnh Giang, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) thì chuyến thăm của Fidel năm 1973 là “khoảnh khắc” của cả cuộc đời ông. “Bộ ảnh chụp sự kiện đó là niềm tự hào, là di sản để lại của sự nghiệp nhiếp ảnh của tôi”, ông Sô khẳng định.
Nay dù tuổi đã lớn, tai đã lãng, nhưng ông Sô vẫn nhớ như in câu chuyện tháng 9.1973. Ấy là khi đang làm việc ở Ty Văn hóa – Thông tin Quảng Trị thì ông bất ngờ nhận được mảnh giấy, nội dung ngắn gọn: “Vào lúc 17 giờ phải có mặt tại Ty An ninh Quảng Trị để Trưởng ty Thủy gặp”. Đọc xong, tay chân ông bải hoải, mồ hôi toát ra thành dòng, đầu óc “nhảy số” liên tục, lục lọi xem lâu nay mình có… vi phạm kỷ luật gì không? Thế nhưng lệnh trên đã phát, ông Sô nắm chặt tay, lấy bình tĩnh đến Ty An ninh. May thay, vị Trưởng ty An ninh khi đó chỉ nói về chuẩn bị đồ nghề tác nghiệp rồi dặn sang chỗ Bí thư Tỉnh ủy nhận nhiệm vụ mới. Nhưng nhiệm vụ gì thì không ai nói?
Y lệnh, ông Sô cùng đồ nghề máy móc sang “nằm” ở Tỉnh ủy Quảng Trị mấy ngày liền và được dặn khi nào Bí thư Tỉnh ủy Hồ Sĩ Thản ra lệnh thì… lên xe đi cùng ông.
Mãi đến sáng 15.9, mọi tưởng tượng mơ hồ về nhiệm vụ của ông Sô mới được giải tỏa: đó là đi đón đoàn Cuba do Fidel dẫn đầu sang thăm. “Lúc đó, thấy hơn 40 phóng viên quay phim, nhiếp ảnh của các hãng thông tấn báo chí trong nước và quốc tế lăm lăm tay máy, tay bút ghi nhận giây phút trọng đại của mảnh đất lịch sử này, tôi mới hiểu rằng mình thực sự quá may mắn”, ông Sô nhớ lại.
Suốt hành trình theo chân Fidel, ông Sô đã chụp khoảng 300 bức ảnh. Năm 2013, ông đã tuyển chọn 51 bức tiêu biểu để in thành cuốn sách ảnh Fidel Castro – Quảng Trị một ngày lịch sử 1973 vào đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày Chủ tịch Fidel Castro thăm vùng giải phóng Quảng Trị. Tuy nhiên, tay máy kỳ cựu này cho biết ông vẫn “khoái” nhất là bức ảnh: Dưới chân Fidel Castro là nòng pháo “vua chiến trường” của Mỹ trên cao điểm 241 Quảng Trị. “Vì sao ư, khoảnh khắc đó diễn tả hành động toát lên sự oai hùng, tráng ca của một vị Tổng tư lệnh luôn chiến đấu cho độc lập, tự do của nhân dân Cuba, Mỹ Latinh và thế giới”, ông Sô nói.
Với việc nắm bắt được khoảnh khắc của cuộc đời, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sỹ Sô vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định tặng Giải thưởng Nhà nước về nhiếp ảnh với cụm tác phẩm, gồm bộ ảnh: Fidel Castro – Quảng Trị một ngày lịch sử 1973 và bộ ảnh Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1960 – 1975).
“Tôi chỉ có một ngày để chụp ảnh Fidel. Chỉ một ngày, nhưng tôi được quá nhiều. Đó có lẽ là ngày tuyệt vời nhất của đời tôi”, ông Sô xúc động chia sẻ. (còn tiếp)
Thanhnien.vn