Bàn làm việc, thang máy, điện thoại, ATM là các khu vực thường xuyên tiếp xúc, dễ chứa virus và vi khuẩn gây cảm lạnh.
Cảm lạnh, cảm cúm, viêm đường hô hấp trên thường lây truyền trực tiếp qua tiếp xúc giữa người với người. Con đường lây nhiễm khác có thể do chạm vào các bề mặt chứa mầm bệnh.
Để phòng bệnh, mọi người nên hạn chế tiếp xúc với các bề mặt có khả năng chứa vi khuẩn. Vệ sinh chúng thường xuyên góp phần loại bỏ virus, vi khuẩn. Dưới đây là một số vị trí mầm bệnh dễ phát triển.
Nơi làm việc: Các thiết bị trong văn phòng hoặc bàn làm việc, nhất là các ngóc ngách tối, ẩm như ngăn bàn, tủ đựng đồ tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển. Nước đọng trong bể chứa cây cảnh trên bàn hay lọ hoa cắm lâu ngày cũng là môi trường cho vi khuẩn sinh sôi.
Mọi người nên vệ sinh bàn phím, ngăn tủ, các ngóc ngách ở nơi làm việc thường xuyên. Nếu nuôi trồng cây thủy sinh, cắm hoa ở nơi làm việc, bạn nên nuôi thêm cá để diệt lăng quăng, thay nước và lau chùi định kỳ để loại bỏ các mầm bệnh.
Thang máy: Vi trùng thường vào bám vào các bề mặt công cộng trong công ty như thang máy, thang cuốn, kể cả thang bộ. Nên vệ sinh các bề mặt này bằng cồn sát khuẩn hoặc dung dịch có khả năng sát trùng cao, vệ sinh nút bấm thang máy hai lần một ngày.
Nếu được nên rửa tay ngay sau khi chạm vào các bề mặt nói trên, tránh trường hợp virus theo tay lây truyền mầm bệnh khi chạm tay vào mắt, mũi miệng.
Xe đẩy và giỏ hàng ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng tiềm ẩn khả năng chứa mầm bệnh cao, do nhiều người sử dụng, tiếp xúc liên tục.
Các vật dụng này thường chứa thịt, cá, hải sản sống, nguy cơ tích tụ vi khuẩn e. coli và salmonella cao. Các vi khuẩn này có thể sống trên bề mặt khoảng 2-8 giờ. Để đảm bảo an toàn, bạn có thể đeo bao tay khi lựa chọn đồ hoặc đẩy xe đi siêu thị, mua sắm. Lau bề mặt trước khi tiếp xúc và khử trùng tay, rửa tay bằng xà phòng ngay sau khi về nhà.
ATM: Một ngày có hàng chục, hàng trăm người tiếp xúc với máy rút tiền tự động. Trong số đó có thể có nhiều người bị ốm, mang mầm bệnh đến khu vực trong máy ATM, nút bấm…
Khi đến ATM và thực hiện các giao dịch, bạn nên đeo khẩu trang, rửa tay hoặc sử dụng chất khử trùng tay ngay sau khi sử dụng ATM.
Điện thoại di động dễ trở thành nơi chứa vi khuẩn, virus vì tần suất sử dụng cao. Người dùng có thể chạm vào các bề mặt chứa virus sau đó chạm vào điện thoại. Đi vệ sinh và sử dụng điện thoại cũng tìm ẩn nguy cơ lây lan mầm bệnh.
Mỗi người nên có thói quen lau sạch điện thoại bằng vải khử trùng ít nhất một lần một ngày, không đưa tay lên mắt, mũi miệng, thường xuyên rửa tay để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Bạn có thể rửa tay bằng xà phòng, bằng nước nóng hoặc nước lạnh tùy thích. Lưu ý rửa tay toàn bộ các bề mặt tay, kẽ tay, đầu ngón tay trong ít nhất 20 giây. Nước rửa tay khô chứa cồn là phương pháp dự phòng tiện lợi, trong các trường hợp khẩn cấp. Lau khô tay bằng khăn sạch hoặc để tay khô tự nhiên. Đeo khẩu trang khi ra ngoài, nhất là đến các khu vực công cộng. Nên dùng khẩu trang y tế một lần, vứt bỏ sau mỗi lần sử dụng.
Anh Chi (Theo WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |