Trẻ chơi xếp hình, ô chữ, tập thể thao, tập thói quen hoàn thành từng nhiệm vụ nhỏ có thể tập trung lâu hơn.
Khó tập trung là vấn đề của nhiều trẻ em. Cha mẹ có thể nhận thấy khi bé chuyển sự chú ý từ việc này sang việc khác trong vòng vài phút. Ví dụ trẻ đang làm toán rồi chuyển sang nghịch chiếc bút chì. Theo thời gian, thói quen này có thể ảnh hưởng đến khả năng học hỏi, thực hiện nhiệm vụ. Dưới đây là một số cách giúp bé tập trung hơn.
Tạo không gian nghiêm túc
Cha mẹ cố gắng không để bé phân tâm khi thực hiện các nhiệm vụ. Truyền hình, âm nhạc, tiếng ồn và điện thoại di động dễ phiền nhiễu trẻ. Khi bé đang học hoặc tham gia một số hoạt động nào đó, bạn cố gắng giảm những nguồn gây xao lãng này. Tùy vào tính cách của từng bé, cha mẹ hiểu điều gì phù hợp nhất với con.
Chơi trò chơi
Nhiều trò chơi như ô chữ, ghép hình có thể giúp bé cải thiện mức độ tập trung. Các trò này yêu cầu trẻ tập trung để hoàn thành công việc, hình thành khả năng chú ý và kiên nhẫn.
Trẻ em dưới hai tuổi có thể chơi ghép các khối hình đơn giản như tam giác, hình tròn. Trẻ lớn thử sức với tranh xếp hình tùy theo độ tuổi và khả năng. Tranh xếp hình nên chọn theo sở thích của bé để tăng hứng thú, tò mò.
Hình thành thói quen
Hình thành thói quen tốt mỗi ngày quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Ví dụ cha mẹ định hướng bé làm bài tập về nhà mỗi ngày vào cùng một thời điểm. Lặp lại cùng một việc bé sẽ hình thành ý thức tốt hơn và tự giác thực hiện theo thói quen.
Tập luyện
Thiền không chỉ có ích cho người lớn mà còn có tác dụng tương tự đối với trẻ em. Thiền 10 phút mỗi ngày hỗ trợ bé tập trung tốt hơn. Tập thể dục cũng cải thiện năng lực trí tuệ.
Cha mẹ khuyến khích con chơi thể thao. Ví dụ bóng rổ có thể thu hút những bé nhút nhát tham gia hoạt động tập thể. Trẻ học cách kiểm soát cơ thể thông qua việc phòng thủ, tấn công. Thực hiện các đường chuyền nhanh để bé phát triển tư duy, phản xạ, kỹ năng lừa bóng khuyến khích sự phối hợp giữa mắt và chân.
Các môn thể thao đòi hỏi khả năng ghi nhớ, lặp lại và học hỏi, đều liên quan đến khả năng tiếp thu kiến thức trên lớp.
Chia những mục tiêu nhỏ
Đặt ra những mục tiêu nhỏ cho bé để con không cảm thấy quá tải. Làm một việc trong thời gian dài trẻ thường cảm thấy nhàm chán và mất tập trung. Chia mục tiêu thành những phần nhỏ hơn giúp bé dễ dàng hoàn thành chúng đúng thời hạn, hứng thú với những nhiệm vụ mới.
Cha mẹ cho bé thời gian thư giãn giữa hai hoạt động để tận hưởng, chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp theo một cách trọn vẹn.
Lê Nguyễn (Theo Times of India)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để được bác sĩ giải đáp |