Dưới cái nóng gần 50 độ C của mùa hè châu Phi, Hương và Long đã đưa con gái 4 tuổi rong ruổi khắp Namibia, Ethiopia và Madagascar.
Hành trình ghé thăm ba nước châu Phi Namibia, Ethiopia và Madagascar của hai vợ chồng Mai Hương – Ngọc Long cùng con gái Mỡ 4 tuổi bắt từ 9/6, kết thúc vào 17/7. Họ khởi hành từ TP HCM, bay tới châu Phi hết 16 tiếng, chưa tính thời gian nối chuyến và đi cùng một nhóm du khách Việt. Trừ thời gian 4 ngày di chuyển cả đi và về, trung bình gia đình Hương dành hơn 10 ngày tại một quốc gia.
Họ đi theo hình thức tự túc, do Hương và chồng thiết kế tour và làm người dẫn đoàn, hỗ trợ những người khác đi cùng. Tại châu Phi, nhóm thuê hướng dẫn viên và đặt tour của các công ty lữ hành địa phương để đảm bảo an toàn và có cơ hội tìm hiểu văn hóa, cuộc sống ở đây kỹ hơn và thuận tiện hơn. Đây là chuyến xuất ngoại thứ ba của Mỡ sau dịch, trước đó cô bé đã tới Pakistan và Ấn Độ.
Mai Hương đam mê khám phá các vùng đất hoang sơ, con người với lối sống cổ đại, những câu chuyện bí ẩn và nền văn hóa khác biệt, thiên nhiên hoang dã, kỳ bí. Châu Phi là vùng đất chứa tất cả điều đó. “Lục địa đen ẩn chứa nhiều trải nghiệm mà tôi tin không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên trái đất”, Hương nói.
Sau thời gian tìm hiểu và kết nối khoảng 20 công ty lữ hành địa phương, nhóm Hương lên đường. Ba quốc gia châu Phi nhóm Hương đến đều dễ xin visa. Namibia và Madagascar cấp visa ngay tại sân bay còn Ethiopia cấp e-visa sau 3 ngày. Phí visa từ 50 đến 80 USD tùy nước.
Một trong những điểm đến Hương ấn tượng nhất là khu vực suối địa nhiệt Dallol nằm trong vùng lòng chảo Danakil, Ethiopia. Dallol được mệnh danh là “nơi sự sống không thể tồn tại trên trái đất” và một trong những nơi nóng nhất hành tinh khi nền nhiệt dao động từ 45 đến 60 độ C, theo CNN. Thời tiết khắc nghiệt nhưng Dallol lại sở hữu cảnh quan kỳ lạ giống như ở hành tinh khác với những chiếc hồ và suối axit luôn sôi sục, mạch nước nóng ngầm có màu sắc sặc sỡ. Hình dáng và vị trí, cảnh quan này thay đổi liên tục theo tuần. Mỗi lần ghé thăm đều là một khung cảnh khác nhau, Hương cho biết.
Ngày Hương đến, nhiệt độ gần 50 độ C. Trước khi đi, cô đã đọc trước tài liệu và biết về nhiệt độ ở nơi này. Nhưng chỉ đến khi đặt chân đến Hương mới bị sốc vì sự khắc nghiệt của Dallol. “Những con đường bụi mù dài hàng trăm cây số và chỉ có nham thạch, dân nghèo, ai cũng gày gò cùng cái nắng nóng gay gắt”, Hương nói.
19 năm trước, một nữ du khách Pháp bị mất tích ở khu vực này do tự ý tách đoàn. 8 năm sau, người ta mới tìm được một phần xương và tóc của cô. Hướng dẫn viên dẫn đoàn cho nữ du khách Pháp năm đó cũng chính là hướng dẫn viên nhóm Hương lần này. “Ám ảnh chuyện cũ nên những lần dẫn tour sau đó người hướng dẫn viên này rất cẩn thận và khắt khe. Bác ấy tuyệt đối không cho ai tách đoàn và vô cùng tức giận khi một người trong đoàn chúng tôi tự ý quay ngược về mà không báo cho ai”, Hương cho biết.
Theo Ngọc Long, chồng Hương, trong khu vực không có bất kỳ một dịch vụ lưu trú nào. “Thậm chí không thể ngủ lều vì quá ngộp và nóng. Mọi người đều ngủ giường tre ở ngoài trời”, anh nói.
Tuy thời tiết khắc nghiệt nhưng dừng chân ngắm hoàng hôn tại một hồ muối rộng lớn tại Dallol, trời đất rộng lớn cùng thiên nhiên hùng vĩ, kỳ ảo khiến Hương có cảm giác “tự do và hạnh phúc”, dù “cái nóng hầm hập và gió táp vào mặt khiến tôi không thở nổi”.
Tại Madagascar, nơi Hương muốn “khoe” với bạn bè nhất chính là đại lộ bao báp (Avenue of baobabs), gần thành phố Morondava. Đây cũng là điểm đến hút khách tại Madagascar mà hầu hết du khách ghé thăm đều tới nơi này chụp ảnh. “Tại đây, bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều cây bao báp to lớn mọc hai bên đường”, Hương nói.
Từ xa nhìn lại, bao báp không khác gì những chiếc cây bị trồng ngược, với hàng rễ mọc ra tua tủa. Ngày nay, loài cây to lớn này được coi như hình ảnh đại diện của Madagascar, tượng trưng cho sự vươn lên không ngừng của mảnh đất châu Phi khô cằn, khắc nghiệt. Mỗi năm, bao báo chỉ nở hoa và cho ra trái trong vài tuần. Trái cây là món ăn ưa thích của người dân bản địa vì cung cấp nhiều vitamin. Lá cây dùng để nấu súp, thân cây là nguồn cung cấp sợi, thuốc nhuộm và làm củi. Những thân cây mục rỗng sẽ được người dân sửa sang thành ngôi nhà thiên nhiên độc đáo. Ngoài ra, cũng chính sự độc đáo của loài cây này đã thu hút khách du lịch đến Madagascar, góp phần cải thiện đời sống đói nghèo của người dân địa phương, theo CNN. Mai Hương cho biết ngoài đại lộ bao báp, loài cây này được người dân trồng khắp nơi, từ các bản làng cho đến trước cửa nhà.
Hương đã ôm lấy thân cây bao báp khi lần đầu được tận mắt nhìn thấy loài cây độc đáo này. “Tôi cảm thấy biết ơn vì đã có thể một lần đến được nơi này. Tôi ôm lấy thân cây, hôn nhẹ lên đó để thể hiện sự biết ơn và trân trọng của mình dành cho thiên nhiên, trái đất này”, Hương nói.
Cũng tại Madagascar, Hương đã có trải nghiệm về một chuyến phà mà cô đánh giá “đặc biệt nhất, sốc nhất” – chuyến phà chạy bằng “cơm”. Để đi qua sông, cả đoàn khách Việt lên hết một chiếc phà lớn cùng xe ôtô, xe tải. Sau đó, người dân địa phương sẽ hợp lực để đẩy chiếc phà đó qua sông. Những người này được chính phủ trả lương hàng tháng. Hương nói họ không đòi tiền tip hay trông chờ được tip và làm “với tất cả sự nhiệt tình, thân thiện”. Điều Hương ấn tượng chính là dù phải làm công việc cực nhọc, cô thấy ai cũng luôn vui vẻ, tràn đầy năng lượng. “Khung cảnh qua phà không có gì choáng ngợp nhưng với tôi thật đẹp. Đó là vẻ đẹp của lao động. Madagascar đã mang tới một trải nghiệm có một không hai trong hành trình khám phá thế giới “, nữ du khách Việt chia sẻ.
Một số điểm đến khác mà Hương cùng nhóm khách Việt ghé thăm trong chuyến đi này là hồ muối Assale Salt, nhà thờ Abuna Yemata Gub nằm trong một khối đá, (Ethiopia), nghĩa địa cây khô Deadvlei, sa mạc Namib, Đồng bằng Mặt Trăng, rừng cây Quiver, bờ biển Skeleton (Namibia).
Nhắc đến châu Phi là nhắc đến các bộ tộc bản địa với lối sống tách xa thời hiện đại. Hương đã gặp hơn 10 bộ lạc. Tại Madagascar, nhóm Hương ngồi xe bò đi xuyên rừng để tới bộ tộc Mikea và gặp Rah, một người bản địa. Rah là người duy nhất trong làng tiếp xúc với thế giới hiện đại; những người còn lại thường có xu hướng chạy trốn.
Khi dẫn nhóm khách Việt về nhà mình, Rah phải đứng thuyết phục bố mẹ, anh chị em trong nhà một lúc thì những người này mới chịu ra để gặp. Tuy nhiên, mọi người đều tiếp xúc một cách dè dặt và ai cũng lấy tay che mặt, ngồi co rúm lại. Điều này trái ngược với cuộc gặp gỡ với các bộ lạc cổ đại ở Ethiopia. “Nhiều bộ lạc ở Ethiopia đã bị du lịch hóa. Họ biết cách xin tiền từ khách, thậm chí là hung hăng. Những người bản địa ở Madagascar chưa biết thế nào là tiền, cũng không tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên nhút nhát hơn”, Hương chia sẻ. Tại đây, cô còn được xem cách bộ lạc nguyên thủy tạo lửa từ một vài cọng gỗ và lá khô. Hôm đến, nhóm của Hương cũng mang theo đồ ăn như cá, thịt bò và bánh mỳ để tặng người nhà của Rah.
Hương cho biết mọi thứ với cô trong chuyến đi “như một giấc mơ” và có cảm giác “xuyên không về thời nguyên thủy”. Hương cảm thấy xúc động không nói nên lời và chỉ biết nói lời cảm ơn đến những người đã giúp cô có được cuộc gặp gỡ kỳ diệu này.
Về việc mang theo con gái nhỏ tham gia vào một chuyến đi khắc nghiệt, Hương cho biết “chưa bao giờ là điều dễ dàng”. Vợ chồng Hương phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí là tốn kém thêm tài chính. Trung bình một chuyến đi 40 ngày qua 3 quốc gia châu Phi tốn khoảng 290 triệu đồng một người. Trẻ nhỏ có nơi giảm 50% giá tour, có nơi miễn phí nhưng việc dẫn Mỡ đi cùng cũng khiến hai vợ chồng chi thêm 200 triệu.
Dù vậy, Hương chấp nhận vì “yêu cảm giác được ở bên con trên mọi chặng đường”, “được chỉ cho con biết cái này cái kia” và “được thấy con thích nghi với mọi thứ từ cái lạnh âm 5 độ C đến cái nóng 50 độ C”. Nhưng những gì cô nhận được “hoàn toàn mĩ mãn” khi con gái nhanh chóng thích nghi với mọi điều kiện, hoàn cảnh và không quấy khóc. Suốt chuyến đi, Mỡ không bị ốm. Duy nhất một lần Mỡ bị muỗi đốt nên sưng húp mắt và mặt.
Lần đầu tiên khi gặp gỡ những người dân châu Phi, Mỡ níu tay mẹ và nói “con sợ”. Nhưng những ngày sau đó, Mỡ nhanh chóng làm quen với mọi người. Cô bé 4 tuổi thậm chí còn cười nói, vui đùa với họ.
Hương nói, chỉ khi đưa con đi du lịch, trải nghiệm nhiều, cô mới nhận ra “con mình giỏi, ngoan đến thế”. Đó là những điều tích cực mà Hương nhận được trong chuyến đi này. “Tôi cảm thấy hạnh phúc và an tâm nhất khi con gái được ở bên cạnh mình, dù nơi đó là sa mạc khô cằn hay đại dương rộng lớn”, Ngọc Long, chồng Hương nói thêm.
Ngoài những kinh nghiệm cuộc sống, mở mang tầm mắt về một vùng đất xa xôi, chuyến đi của những du khách Việt cũng nhiều vất vả. Họ phải đối mặt với thiếu thốn tiện nghi sinh hoạt: không điện, nước, nhà vệ sinh hay nhà tắm. Các công ty lữ hành địa phương đã phải chuẩn bị máy phát điện để thắp sáng chỗ ăn uống sinh hoạt trong vài tiếng buổi đêm. Nước mua từ người dân địa phương đựng vào trong những thùng nhựa mang sẵn trong cốp xe. Chỗ tắm và thay đồ là những căn lều di động. Chỗ ngủ cũng đơn giản như giường tre, đệm cứng thay vì khách sạn 5 sao. Có những đêm, mọi người chấp nhận không tắm rửa vì thiếu nước. Tuy nhiên, đoàn khách Việt đều vui vẻ, không phàn nàn. Thậm chí, họ còn cảm thấy thích thú vì được ngủ ngoài trời giữa một bầu trời đầy sao. “Tôi là một người thích nghi tốt nhưng ban đầu cũng sốc vì không nghĩ châu Phi thiếu thốn đến vậy”, Long nói.
Nữ du khách Việt cho biết chuyến đi ngoài để lại cho cô ấn tượng khó quên, còn là những bài học sâu sắc. Nhờ chuyến đi, cô càng cảm thấy yêu mến và trân trọng thiên nhiên hơn, có ý thức bảo vệ môi trường trái đất hơn. Và cô thấy mình trưởng thành hơn.
Nữ du khách Việt cũng đưa ra gợi ý về các món đồ mọi người nên mang theo nếu có ý định tham quan ba quốc gia này: mặt nạ chống độc, bình xịt lạnh để thích nghi khi tiếp xúc gần các hồ axit, lưu huỳnh tại Danakil, các loại vitamin tăng đề kháng, thuốc men thông dụng. “Nói chung tôi ưu tiên gọn nhẹ. Càng đi dài ngày càng cần đồ nhẹ nhàng, gọn gàng để giữ sức và thuận tiện di chuyển”, Hương nói.
Phương Anh
Ảnh: NVCC