Trung Quốc đại lục thống trị top 10 đại học tốt nhất châu Á với 5 trường, trong đó Thanh Hoa và Bắc Kinh lần thứ 5 liên tiếp dẫn đầu.
Time Higher Education (THE) ngày 1/5 công bố bảng xếp hạng đại học tốt nhất châu Á năm 2024. Hai vị trí đầu tiên vẫn là Đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh của Trung Quốc. Đại học Quốc gia Singapore xếp thứ ba, cũng không thay đổi so với năm ngoái.
Những trường còn lại của top 10 đều có sự xáo trộn. Đại học Chiết Giang của Trung Quốc vươn lên hạng 8, từ vị trí 12 năm ngoái, thế chỗ Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc.
Đại học Trung văn Hong Kong tụt từ thứ 6 xuống 10. Các đại học Tokyo, Giao thông Thượng Hải và Phúc Đán tăng 1-3 bậc.
Xét số lượng, Trung Quốc đại lục có một nửa đại diện trong top 10, đặc khu Hong Kong có hai trường. Singapore cũng có hai, Nhật Bản có một, Hàn Quốc không có trường nào.
10 đại học tốt nhất châu Á năm 2024 (học phí được đổi sang USD, theo tỷ giá tháng 5/2024):
Thứ hạng châu Á 2024 | Thứ hạng châu Á 2023 | Đại học | Quốc gia, vùng lãnh thổ | Thứ hạng thế giới 2024 | Học phí bình quân (USD/năm) |
1 | 1 | Thanh Hoa | Trung Quốc | 12 | 3.590-9.667 |
2 | 2 | Bắc Kinh | Trung Quốc | 14 | 3.590-4.695 |
3 | 3 | Quốc gia Singapore | Singapore | 19 | 13.130-52.230 |
4 | 5 | Công nghệ Nanyang | Singapore | 32 | 13.217-57.210 |
5 | 8 | Tokyo | Nhật Bản | 29 | 4.735 |
6 | 4 | Hong Kong | Hong Kong | 35 | 23.270 |
7 | =9 | Giao thông Thượng Hải | Trung Quốc | 43 | 3.432-11.040 |
8 | =9 | Phúc Đán | Trung Quốc | 44 | 3.150-11.360 |
9 | 12 | Chiết Giang | Trung Quốc | =55 | 2.720-27.610 |
10 | 6 | Trung văn Hong Kong | Hong Kong | 53 | 18.540 |
THE là một trong ba tổ chức xếp hạng đại học có quy mô lớn nhất thế giới, bên cạnh QS và Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc).
Bảng xếp hạng đại học châu Á năm nay có 739 trường, đến từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhật Bản dẫn đầu với 119 trường được xếp hạng, tiếp đó là Ấn Độ với 91 trường. Việt Nam có 6 đại diện, hầu hết tụt hạng so với năm ngoái.
Trên website, THE cho biết đánh giá các đại học theo 18 tiêu chí, chia thành 5 nhóm: chất lượng nghiên cứu (30%), môi trường nghiên cứu (28%), giảng dạy (24,5%), thu nhập từ chuyển giao tri thức và khả năng thu hút tài trợ (10%), triển vọng quốc tế (7,5%). So với bảng xếp hạng trước, số tiêu chí tăng 5, trọng số mỗi tiêu chí cũng thay đổi.
Thanh Hằng