Ít vận động, uống rượu bia, thừa cân, dậy thì sớm hoặc mãn kinh muộn, đột biến gene như BRCA1, BRCA2… là các yếu tố nguy cơ ung thư vú.
Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Đỗ Thùy Giang, Trưởng khoa Ngoại Vú, BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết các nhà nghiên cứu đã xây dựng một số công cụ thống kê giúp dự đoán nguy cơ mắc bệnh ung thư vú của phụ nữ. Ví dụ, công cụ Gail model thường được sử dụng để đánh giá nguy cơ nguy cơ ung thư vú của một người trong 5 năm tới và trong suốt cuộc đời dựa trên nhiều yếu tố. Tuy nhiên, công cụ này chỉ xem xét tiền căn gia đình của những người thân (như anh chị em ruột, cha mẹ và con cái). Nó không thể được sử dụng để ước tính nguy cơ nếu bạn có tiền sử ung thư biểu mô ống tuyến vú tại chỗ (DCIS), ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ (LCIS) hoặc ung thư vú hoặc mắc hội chứng ung thư gia đình.
Ngoài ra, dữ liệu mà công cụ này dựa vào không bao gồm phụ nữ thổ dân da đỏ hoặc Alaska. Vì vậy, ước tính cho những phụ nữ này có thể không chính xác. Các công cụ đánh giá nguy cơ khác, chẳng hạn như Tyrer-Cuzick và Claus, phần lớn dựa trên tiền căn gia đình. Những công cụ này có thể cung cấp cho một người ước tính sơ bộ về nguy cơ. Nhưng theo bác sĩ Thùy Giang, không có công cụ hoặc xét nghiệm nào có thể cho biết chắc chắn một người có bị ung thư vú hay không. Dưới đây là các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú cần quan tâm.
Lớn tuổi: Nguy cơ phát triển ung thư vú tăng theo độ tuổi. Hầu hết các bệnh ung thư phát triển sau 50 tuổi. Độ tuổi trung bình để phát triển ung thư vú là 63.
Có bệnh ác tính hoặc lành tính tại vú: Phụ nữ có tiền sử bị ung thư vú hoặc bệnh vú lành tính, ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ (LCIS)… có nguy cơ ung thư vú cao hơn.
Lối sống: Cũng như các loại ung thư khác, yếu tố lối sống khác nhau góp phần vào sự phát triển của ung thư vú. Sau mãn kinh, thừa cân… là các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Ít vận động: Có liên quan đến tăng nguy cơ phát triển ung thư vú và tái phát ung thư cao hơn sau khi điều trị.
Rượu bia: Uống nhiều hơn 1-2 phần rượu, bao gồm bia, rượu vang và rượu mạnh, mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú. Cụ thể, một người bình thường không nên uống quá một đơn vị rượu một ngày (một đơn vị rượu chứa 10 g cồn), tương đương 30 ml rượu mạnh (40-43 độ); 100 ml rượu vang (13,5 độ); 330 ml bia hơi (5 độ); 2/3 chai 500 ml hoặc lon bia 330 ml (5 độ).
Thực phẩm: Ăn nhiều trái cây, rau quả và ít chất béo động vật có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe, bao gồm giảm nguy cơ ung thư vú.
Thừa cân, béo phì: Thừa cân, béo phì… là các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú. Do đó, mọi người cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, giữ cân nặng ở mức bình thường.
Dậy thì sớm hoặc bước vào mãn kinh muộn: Nếu một người phụ nữ có kinh nguyệt trước 11 hoặc 12 tuổi hoặc thời kỳ mãn kinh bắt đầu sau 55 tuổi thì nguy cơ ung thư vú sẽ cao hơn. Điều này là do các tế bào vú đã tiếp xúc với estrogen và progesterone trong một thời gian dài. Estrogen và progesterone là những hormone kiểm soát sự phát triển của các đặc điểm giới tính như phát triển vú và mang thai. Việc sản xuất estrogen và progesterone giảm dần theo tuổi tác, giảm mạnh vào thời kỳ mãn kinh. Tiếp xúc lâu hơn với các kích thích tố này làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Phụ nữ lớn tuổi mới có con đầu lòng hoặc không sinh con hoặc không nuôi con bằng sữa mẹ: Mang thai làm giảm số chu kỳ kinh nguyệt trong đời người phụ nữ. Mô vú tiếp xúc với nhiều estrogen hơn trong thời gian dài hơn ở những phụ nữ mang thai lần đầu sau 35 tuổi hoặc những người không bao giờ mang thai.
Phụ nữ một số đột biến về gene như BRCA1 hoặc BRCA2: BRCA1 hoặc BRCA2 là những gene phổ biến nhất được biết đến có liên quan đến ung thư vú, ung thư buồng trứng và các loại ung thư khác. Ung thư vú ở nam giới, nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt và các bệnh ung thư khác cũng tăng lên nếu có đột biến ở một trong những gene này.
Sử dụng các liệu pháp hormone: Biện pháp tránh thai nội tiết tố gồm thuốc tránh thai và vòng tránh thai giải phóng hormone, làm tăng nguy cơ ung thư vú. Nhưng nguy cơ này rất nhỏ và sẽ giảm sau khi ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết tố.
Bác sĩ Giang dẫn các nghiên cứu cho thấy tác động hỗn hợp của liệu pháp hormone đối với sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh và giảm nguy cơ mắc các bệnh khác. Cho dù estrogen được sử dụng riêng lẻ hay kết hợp với progestin, các hormone này đều làm tăng nguy cơ ung thư vú. Nếu phụ nữ dùng liệu pháp hormone trong thời kỳ mãn kinh thì nên dùng trong thời gian ngắn nhất có thể. Phụ nữ nên hỏi ý kiến bác sĩ khi chọn tránh thai và liệu pháp hormone điều trị các triệu chứng sau mãn kinh.
Tiền sử gia đình: Bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu có mẹ hoặc chị gái bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng. Nguy cơ cao hơn nếu người thân bạn được chẩn đoán khi còn nhỏ.
Từng xạ trị vào vùng vú hoặc vùng ngực: Xạ trị vào ngực để điều trị ung thư làm tăng nguy cơ ung thư vú, bắt đầu vào 10 năm sau khi điều trị. Nguy cơ ung thư vú phụ thuộc vào liều lượng bức xạ và độ tuổi, cao nhất nếu xạ trị được sử dụng ở tuổi dậy thì, khi ngực đang hình thành.
Phụ nữ có những thay đổi trong gene BRCA1 và BRCA2 nếu tiếp xúc với bức xạ như bức xạ từ chụp X-quang ngực có thể tăng thêm nguy cơ ung thư vú hoặc các bệnh lý tuyến vú khác.
Ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ (LCIS): LCIS là các tế bào bất thường được tìm thấy trong tiểu thùy hoặc các tuyến của vú. LCIS ở một vú làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú xâm lấn ở cả hai vú trong tương lai.
Mật độ vú: Mô vú dày đặc gây khó khăn cho việc phát hiện khối u trên các xét nghiệm hình ảnh tiêu chuẩn như chụp nhũ ảnh. Mô vú dày đặc là tình trạng có nhiều tuyến sữa, ống dẫn sữa và mô nâng đỡ ở vú hơn là mô mỡ. Khi chụp nhũ ảnh, bác sĩ có thể khó phân biệt khối u với mô nền bình thường nếu có mô dày đặc.
Đức Nguyên