Trong chuyến đi về nguồn do Sở LĐTB-XH TPHCM tổ chức cho đoàn đại biểu người có công tiêu biểu của thành phố về thăm lại chiến trường Quảng Trị mới đây, có những giây phút đoàn phục vụ đã lặng người chứng kiến các cô, các chú nghẹn ngào dâng những nén hương lên mộ đồng đội!
Hình bóng của ba
“Tôi đi để tìm hình bóng của ba”, chị Nguyễn Thị Trúc Phương (ngụ quận 11), chuyên viên Phòng LĐTB-XH quận 11 xúc động chia sẻ. Có mặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị), nỗi nhớ ba của chị Phương lại ùa về. Ba chị hy sinh lúc chị vừa lên 6 tuổi, hình ảnh của ba chỉ qua lời kể của má. Chuyến công tác này, chị Phương hỗ trợ 2 chú ở quận 11 về thăm lại chiến trường xưa, cũng là chuyến công tác có ý nghĩa sâu sắc nhất của chị. Chị Phương xông xáo, cùng các đồng nghiệp hỗ trợ các cô chú thương binh, bệnh binh, người có công… từng bữa ăn, giấc ngủ. Chị đã bật khóc khi nhìn thấy hình ảnh của chú Trần Bá Hiệp phải chống nạng, di chuyển khá khó khăn nhưng vẫn cố gắng để thắp hương cho nhiều đồng đội.
Là lần thứ 3 quay trở lại Thành cổ Quảng Trị, người lính gần 80 tuổi Phạm Văn Quang vẫn không khỏi nghẹn ngào xúc động khi được thăm lại chiến trường xưa, thắp nén hương thơm tưởng nhớ về đồng đội. Ông cùng đồng đội đã có mặt trong trận chiến đấu 81 ngày đêm ác liệt nhất tại Thành cổ Quảng Trị vào năm 1972. “Với diện tích chưa đầy 4km2 , ta đã phải chịu đựng hơn 120.000 tấn bom Mỹ rải xuống, chưa tính pháo bắn phá ác liệt ngày đêm. Tôi khi đó là chính trị viên Đại đội 11, tối hôm trước mới ghi bổ sung danh sách đồng đội vào chiến đấu, tối hôm sau đồng đội đã hy sinh. Thậm chí có những chuyến thuyền chở liệt sĩ qua sông cũng bị trúng bom! Nhưng với ý chí “bộ đội còn, Quảng Trị còn”, các anh em đã kiên cường bám trụ”, ông Phạm Văn Quang kể mà mắt ngấn lệ.
Tìm em, tìm đồng đội..
Trong đoàn đại biểu người có công, có một người cựu chiến binh đội mũ tai bèo, cứ ngồi khóc mãi trước một ngôi mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn. Ông tên Dư Đình Thành (sinh năm 1954, quê quán huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội), đã tìm được ngôi mộ liệt sĩ Dư Đình Long, người em họ đến nay mới tìm được tung tích. Hy sinh vào tháng 10-1967 nhưng sau khi giải phóng, mộ liệt sĩ Dư Đình Long mới được quy tập về an nghỉ tại Nghĩa trang Trường Sơn.
Vừa sửa sang lại hoa trên mộ, ông Thành tự hào kể về nhà thờ họ Dư ở làng Hòa Phú, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội hiện có bảng ghi danh tên các anh hùng, liệt sĩ của dòng họ đã hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến. Riêng gia đình liệt sĩ Dư Đình Long có 7 người con cũng đã có 4 người đi bộ đội. “Kỳ này tôi đi với đoàn người có công, tìm được chú là điều thật kỳ diệu. Mẹ chú đã 99 tuổi, vẫn ngóng trông thông tin về chú. Thế hệ trẻ mãi mãi biết ơn chú cùng đồng đội…”, ông Thành tâm sự.
Theo Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Trần Xuân Điền – Trưởng đoàn công tác, TPHCM hiện đang quản lý gần 280.000 hồ sơ người có công và thân nhân người có công. Thời gian qua, thành phố đã không ngừng xây dựng, kiến nghị, đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Nhiều chính sách chăm lo, giải quyết các chế độ ưu đãi cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng luôn được quan tâm đặc biệt. Hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025), với niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc những người đã có công với cách mạng, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức hành trình về nguồn chủ đề “Về thăm Chiến trường xưa” cho các đại biểu là người có công tiêu biểu trên địa bàn thành phố.
THU HOÀI
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/xuc-dong-tro-lai-chien-truong-xua-post754678.html