Chương trình nhằm kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc, 55 năm ngày hy sinh của 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong (TNXP) Ngã ba Đồng Lộc (24/7/1968-24/7/2023), 55 năm Chiến tích Làng K130 (13/8/1968 – 13/8/2023), 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023).
Tham dự chương trình có Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Văn Thể, Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương Trần Tiến Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Tổng biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thân nhân 10 nữ liệt sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc, các nhân chứng lịch sử, cựu TNXP và các lực lượng từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại Ngã ba Đồng Lộc, và toàn thể bà con nhân dân, các bạn đoàn viên thanh niên tỉnh Hà Tĩnh dự chương trình.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đã ôn lại lịch sử hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại. Đồng thời khẳng định, tấm gương hy sinh của 10 nữ liệt sĩ TNXP, sự xả thân của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân thuộc các lực lượng tại chiến trường Đồng Lộc; tinh thần “xe chưa qua, nhà không tiếc” của Làng K130 và những chiến công của Tiểu đoàn 8 Phòng không bộ đội địa phương và các địa danh bất tử là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện khát vọng hòa bình của mỗi người dân Việt Nam, minh chứng cho ý Đảng, lòng dân, khích lệ toàn quân, toàn dân ta đánh thắng kẻ thù xâm lược.
“Phát huy bề dày văn hóa, truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, không ngừng vươn lên phát triển. Ngã ba Đồng Lộc, Làng K130 và những địa danh bị đánh phá ác liệt năm xưa nay đã trở thành những vùng quê trù phú, là địa chỉ đỏ giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ, thôi thúc Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh quyết tâm giành kết quả cao trên các lĩnh vực”, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Nhân dịp này, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng trân trọng cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ hiệu quả của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành, các tổ chức quốc tế và nhân dân cả nước đã dành cho tỉnh Hà Tĩnh; cảm ơn các tổ chức, cá nhân đã luôn hướng về các địa danh trên địa bàn Hà Tĩnh và Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc với những nghĩa cử cao đẹp; cảm ơn Báo Nhân dân, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hằng năm đã đồng hành với tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Chương trình tri ân tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.
Phát biểu tại chương trình, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh vừa là hậu phương của tiền tuyến lớn miền Nam, vừa là tiền tuyến của hậu phương lớn miền Bắc. Với vị trí địa lý đặc biệt, là “yết hầu giao thông” quan trọng trên tuyến đường Trường Sơn huyết mạch, Ngã ba Đồng Lộc trở thành điểm quyết chiến chiến lược, nơi diễn ra cuộc đọ sức giữa ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân ta với sức mạnh hủy diệt của các loại vũ khí chiến tranh hiện đại của đế quốc xâm lược.
Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, TNXP và các lực lượng khác đã mưu trí, sáng tạo, kiên cường, vừa chiến đấu, vừa mở đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Cuộc chiến ác liệt đó đã cướp đi hàng ngàn người con ưu tú của đất nước, đặc biệt là sự hi sinh anh dũng của 10 nữ TNXP, tuổi mới 18 đôi mươi của Tiểu đội 4, Đại đội 552, là hiện thân của truyền thống anh hùng, bất khuất của phụ nữ Việt Nam, làm nên một Đồng Lộc huyền thoại, đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân.
Sự hy sinh của các anh, các chị, của 10 bông hoa trinh liệt tại Ngã ba Đồng Lộc, cùng với những chiến tích thấm đẫm máu đào của các anh hùng, liệt sĩ ở khắp mọi miền đất nước và tấm lòng yêu nước, hết lòng đi theo Đảng, theo cách mạng của nhân dân ta đã làm nên những chiến công hiển hách, để nhiều tên tuổi, nhiều địa danh trên mảnh đất hình chữ S này trở thành những di tích lịch sử cách mạng, để thế hệ sau luôn ghi nhớ, tri ân và tiếp nối.
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, Hà Tĩnh đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ một tỉnh có nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp, Hà Tĩnh đã vươn lên đứng trong tốp các tỉnh dẫn đầu khu vực Bắc Trung bộ. Đó cũng là cách làm thiết thực để tri ân công lao của những người đi trước và đáp ứng sự kỳ vọng, mong đợi của nhân dân.
Phó Chủ tịch nước mong muốn, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác “đền ơn, đáp nghĩa”, chăm lo cho người có công với cách mạng; đầu tư phát triển những địa điểm chiến trường xưa, những địa bàn còn khó khăn. Tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa, anh hùng và cách mạng của quê hương, khơi dậy ý chí, khát vọng của con người Hà Tĩnh; tiếp tục viết nên những kỳ tích Núi Hồng – Sông La trong thời kỳ mới.
Phó Chủ tịch nước cũng đánh giá cao Báo Nhân Dân đã khởi xướng và bền bỉ tổ chức nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm khơi dậy, làm sống động những sự kiện lịch sử của dân tộc, trong đó Chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc”, là hoạt động thiết thực thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, là tình cảm và trách nhiệm tiếp bước cha anh của thế hệ hôm nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phó Chủ tịch nước tin tưởng, thế hệ trẻ hôm nay sẽ viết tiếp những trang sử vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Chương trình “Cõi thiêng Đồng Lộc – nối mạch ngàn năm” là dịp để ôn lại truyền thống hào hùng, sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của các lực lượng trên chiến trường Đồng Lộc; đồng thời nhằm bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh, các cựu TNXP, dân công hỏa tuyến, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã chiến đấu, cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: “Xe chưa qua nhà không tiếc”; “Máu có thể đổ, đường không thể tắc”; “Thênh thang đường mới”. Trong đó, chương I tái hiện chiến tích của Làng K130 với bản hùng ca “Xe chưa qua, nhà không tiếc”; chương II là những câu chuyện về một thời chiến đấu anh hùng, về sự hy sinh của 10 nữ TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc; chương III là hình ảnh Hà Tĩnh bước đến thời kỳ đổi mới với các tầng lớp nhân dân hăng say lao động, tăng gia sản xuất, chung tay xây dựng và phát triển quê hương.
Chương trình nghệ thuật “Cõi Thiêng Đồng Lộc – nối mạch ngàn năm” tái hiện Ngã ba Đồng Lộc một thời hào hùng và sự hy sinh anh dũng của 10 nữ liệt sĩ TNXP; phản ánh sự nỗ lực, vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.
Chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu với các vở kịch, các ca khúc, màn múa đặc sắc, lắng đọng do hàng trăm nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên chuyên và không chuyên cả nước thể hiện để lại trong lòng khán giả nhiều xúc cảm, ấn tượng sâu sắc, là dịp để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa cho các tầng lớp nhân dân.
Trước khi bước vào chương trình nghệ thuật, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và các đại biểu cơ quan Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh đã đến dâng hương tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Tại đây, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng đoàn bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn trước sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Với âm mưu biến Ngã ba Đồng Lộc thành “toạ độ chết”, chặn đứng sự chi viện của hậu phương cho tiền tuyến, từ tháng 4 đến tháng 10/1968, không quân Mỹ đã đánh phá nơi đây gần 1.900 lượt, ném hơn 50 nghìn quả bom các loại. Tính ra, mỗi mét vuông đất tại Ngã ba Đồng Lộc đã phải oằn mình hứng chịu 3 quả bom tấn. Tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu, hy sinh tại “tọa độ chết” Ngã ba Đồng Lộc là gương nghĩa liệt của 10 nữ anh hùng TNXP Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội TNXP 55 Hà Tĩnh. Các chị đã mãi mãi nằm lại nơi này vào ngày 24/7/1968 khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, khi mà “Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được” (Vương Trọng).