Năm 2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản có thể đạt 53 – 54 tỷ USD Điểm tên 6 mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu vượt 3 tỷ USD 11 tháng năm 2023 |
Báo cáo những điểm sáng, thành tích nổi bật phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn năm 2023; nhiệm vụ, giải pháp phát triển năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp ước đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây.
Giá lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã chững lại và tiếp tục duy trì ở mức cao. Ảnh: Thu Hiền/TTXVN |
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô (sản lượng lúa đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022, sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,3 triệu tấn, tăng 2,9%).
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt trên 11 tỷ USD (mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước). Trong đó một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: hàng rau quả tăng trên 70% và gạo tăng trên 36%, gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới.
Tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế (Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo, Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng chống thiên tai…), qua đó giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông lâm thủy sản trong nước, khu vực và quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tăng đều qua các tháng và đạt 11.000 sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Đã nghiên cứu, sản xuất thành công và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp vẫn còn những tồn tại, yếu kém. Cụ thể, 3 Quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (về lâm nghiệp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và cảng cá) chưa được ban hành đúng kế hoạch; Chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản và tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới chưa đạt chỉ tiêu Chính phủ giao;
Các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa thật sự ổn định. Liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến; điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép; chưa gỡ được “thẻ vàng” về IUU; sạt lở bờ sông, bờ biển, tiếp tục diễn ra.
Nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết, luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành theo định hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, tiếp tục thực hiện chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, trong năm 2023, ngành nông nghiệp sẽ tập trung tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi.
Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi. Kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để bảo đảm kế hoạch sản xuất; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống thiên tai để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Định hướng các địa phương có kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường; đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế nông thôn.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các địa phương kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng ngành; nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đào tạo, huấn luyện hình thành đội ngũ nông dân thế hệ mới có kiến thức kinh tế, kỹ năng thích ứng với nền nông nghiệp xanh và thị trường.
Cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh vào nông nghiệp, nông thôn.