Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 3/2024 đạt xấp xỉ 25,92 nghìn tấn, trị giá 111,58 triệu USD, tăng 92,7% về lượng và tăng 104,8% về trị giá so với tháng 2/2024, so với tháng 3/2023 giảm 27,5% về lượng, nhưng tăng 4,8% về trị giá.
Tháng 3/2024, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.305 USD/ tấn, tăng 6,3% so với tháng 2/2024 và tăng mạnh 44,5% so với tháng 3/2023. Như vậy, giá đã tăng lần thứ 3 liên tiếp kể từ tháng 12/2023.
Tính cả quý I/2024, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 56,78 nghìn tấn, trị giá 235,82 triệu USD, giảm 25,4% về lượng, nhưng tăng 1,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.153 USD/tấn, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường Hàn Quốc quý 1/2024 tăng gần 180% |
Tháng 3/2024 so với cùng kỳ năm ngoái, và tính chung trong quý 1/2024, lượng hạt tiêu của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Ai Cập giảm. Ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu sang nhiều thị trường tăng mạnh, như: Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan, Pakistan, Thái Lan …
Trong tháng 3, Việt Nam đã xuất khẩu 972 tấn hạt tiêu sang thị trường Hàn Quốc, tương đương hơn 4,44 triệu USD, tăng 269,6% về lượng và tăng 308,2% về kim ngạch so với tháng 3/2023.
Tính chung cả quý I/2024, Hàn Quốc đã chi hơn 9,37 triệu USD để nhập 2.165 tấn hạt tiêu từ Việt Nam, tăng 179,7% về lượng và tăng 188,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 3,8% về lượng và 4% về kim ngạch trong tổng xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam.
Giá xuất khẩu bình quân 3 tháng đạt 4.329 USD/tấn, tăng 3,14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, từ năm 2001, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới với tổng lượng xuất khẩu đạt 56.506 tấn, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới.
Thị trường tiêu trong nước ngày 22/4 giữ vững mức 96.500 – 98.000 đồng/kg sau khi tăng liên tiếp trong tuần vừa qua. Nhu cầu từ thị trường Mỹ tăng trở lại, trong khi sản lượng sụt giảm ở Việt Nam và các nước sản xuất khác, đã giúp giá tiêu tăng tới 9.000 đồng/kg trong tuần.
Mùa khô năm nay nắng nóng gay gắt, khô hạn kéo dài khiến nhiều cây trồng như hạt tiêu bị mất năng suất, suy kiệt.
Từ nửa cuối tháng 4/2024, lượng tiêu dự trữ mua vào từ khi giá thấp sắp cạn kiệt, khiến các nhà nhập khẩu tăng mua. Cùng với đó, tháng Ramadan của người Hồi giáo kết thúc, thị trường Indonesia quay trở lại giúp thị trường giao dịch sôi động hơn.
Nhu cầu trên thế giới tăng cao giúp giá tiêu Việt Nam phục hồi mạnh trong tuần qua. Theo một số nguồn tin, tại Hội nghị Thường niên Hiệp hội Thương mại Gia vị Mỹ – ASTA 2024 đã có hơn 10.000 tấn hạt tiêu đã được các bên ký kết hợp đồng mua bán.
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) nhận định do nguồn cung thấp, đồng USD cao và tình hình địa chính trị toàn cầu khiến vận tải gặp khó. Ngoài ra, tình trạng đầu cơ là nguyên nhân chính dẫn đến giá hồ tiêu tăng nóng thời gian qua.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, giá tiêu tại các nước sản xuất sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao do nhu cầu tăng, trong khi nguồn cung từ các nước sản xuất Indonesia, Brazil, Malaysia, Campuchia không đủ bù đắp cho lượng xuất khẩu giảm từ Việt Nam.