(Báo Quảng Ngãi)- Do nhiều nguyên nhân, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng hiện đang giảm mạnh. Xuất khẩu cũng là 1 trong 3 nội dung quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải có hành động mạnh mẽ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, ổn định kinh doanh.
Kim ngạch xuất khẩu giảm
Kim ngạch xuất khẩu của Quảng Ngãi từ tháng 1 – 4/2023 có chiều hướng giữ ở mức bình quân, chỉ khoảng 160 – 200 triệu USD/tháng và tăng trưởng thiếu ổn định. Kết thúc 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh chỉ đạt khoảng 720 triệu USD, giảm so cùng kỳ năm 2022 khoảng 17%. Lượng hàng xuất khẩu của các ngành đều giảm, như thủy sản chế biến, đồ gỗ, dăm gỗ nguyên liệu giấy, may mặc, dầu FO, sơ, sợi dệt các loại, vải. Mặt hàng thép xuất khẩu tuy đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng trong tháng 4 giảm 9,4% và trong tháng 5 dự kiến tiếp tục giảm.
Cảng xuất dăm gỗ tại Khu kinh tế Dung Quất vắng tàu vào nhận hàng hơn trước do đơn hàng giảm mạnh. |
Theo thông tin từ Cục Hải quan tỉnh, hiện nay, hàng loạt DN xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu giảm kéo theo thu ngân sách trong lĩnh vực này giảm rất sâu. Tổng thu ngân sách từ xuất khẩu tính đến cuối tháng 5/2023 chỉ đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, tương đương 37% chỉ tiêu giao, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất và Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn đóng góp đến 90% tổng số thu, còn lại 400 DN khác chỉ chiếm 10%.
Sở Công thương đánh giá, nguyên nhân xuất khẩu giảm là do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của thị trường thế giới giảm. Đây là hệ lụy của lạm phát tăng cao và những ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine, sự căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc. Ngoài ra, xu hướng hiện nay của một số nhà nhập khẩu là đơn đặt hàng nhỏ hơn, thời gian giao hàng nhanh. Có những đơn hàng có thời gian sản xuất và giao hàng chỉ trong 5 – 7 ngày, yêu cầu chất lượng cao hơn… khiến DN xuất khẩu không kham nổi.
Đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
“Trong bối cảnh các thị trường Âu – Mỹ đang gặp khó khăn do sức mua giảm mạnh, xuất khẩu vẫn có cơ hội khai thác các thị trường Châu Á, tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực ASEAN và một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc. Quảng Ngãi kỳ vọng hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi và tăng trở lại vào cuối năm nay khi vào giai đoạn cao điểm của xuất khẩu. Vì thế, ngay từ bây giờ, Chính phủ và UBND tỉnh cần xem xét tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn mà DN xuất khẩu đã kiến nghị liên quan đến giảm lãi suất, cải cách thủ tục hành chính, giảm tiền thuê đất…”.
Phó Giám đốc Sở Công thương
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 238/CĐ-TTg ngày 10/4/2023 về thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới. Trong đó, yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương phải tích cực, chủ động, tập trung chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, thủ tục hành chính, tiếp cận vốn, điều kiện kinh doanh, thanh khoản ngân hàng, nợ và thuế, phí, lệ phí… để DN có thể vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động.
Trên địa bàn Quảng Ngãi, khó khăn trong xuất khẩu đang hiện lên rất rõ, đặc biệt đối với ngành may mặc. Nhiều DN gia công mặt hàng này để xuất khẩu đang phải cắt giảm công nhân, giảm chi phí quản lý; đồng thời tập trung tìm kiếm đơn hàng để duy trì hoạt động. Nguyên nhân khó khăn được các DN cho biết chủ yếu là do khách quan, cụ thể như các đơn hàng hiện đang giảm, khoảng 20 – 40% so với cùng kỳ năm 2022, do nhu cầu thị trường xuất khẩu giảm. Theo đại diện hệ thống các nhà máy Vinatex tại Quảng Ngãi, mặc dù đã được dự báo trước tổng cầu dệt may thế giới sẽ giảm từ 6 – 10% trong năm 2023, nhưng DN không ngờ việc đơn hàng sụt giảm mạnh ngay từ quý I/2023. Những đơn hàng khai thác mới có giá trị nhỏ, đơn giá thấp hơn từ 20 – 50% nhưng lại không ổn định.
Lĩnh vực xuất khẩu của tỉnh thu hút khoảng 400 DN hoạt động, có đóng góp quan trọng, tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế Quảng Ngãi. Do đó, nhìn nhận đúng các khó khăn, vướng mắc của ngành xuất khẩu để đưa ra giải pháp tháo gỡ là rất cần thiết trong tình hình hiện nay.
Bài, ảnh: THANH NHỊ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: