Các chương trình đào tạo mang tên “chất lượng cao” sẽ không còn tồn tại trong đề án tuyển sinh của các trường đại học từ năm sau, theo quy định mới của Bộ Giáo dục.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo ngày 15/6 ban hành thông tư bãi bỏ các quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/12. Như vậy, năm nay là năm cuối cùng các trường đại học được tuyển sinh những chương trình mang tên “chất lượng cao”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết việc bãi bỏ này nhằm thực hiện Luật Giáo dục đại học sửa đổi (2018). Luật cho phép các trường đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình. Tuy nhiên, trong Luật và Thông tư số 17 năm 2021 quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học không có khái niệm “chương trình đào tạo chất lượng cao”.
Trước đó, Thông tư 23 ban hành năm 2014 quy định chương trình đào tạo đại học trong nước gồm hai loại hình là đại trà và chất lượng cao. Chương trình chất lượng cao có các điều kiện đảm bảo chất lượng và chuẩn đầu ra cao hơn chương trình đại trà.
Chẳng hạn, về cơ sở vật chất, các lớp đào tạo chất lượng cao có phòng học riêng, được trang bị máy tính kết nối Internet và các thiết bị hỗ trợ giảng dạy, học tập.
Về đầu ra, sinh viên chất lượng cao hơn đại trà về năng lực chuyên môn, ứng dụng công nghệ thông tin, năng lực dẫn dắt, chủ trì và làm việc nhóm; khả năng thích nghi với môi trường làm việc. Riêng ngoại ngữ, sinh viên chất lượng cao tối thiểu phải đạt bậc 4/6 theo khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam, trong khi chuẩn tối thiểu với sinh viên đại trà là bậc 3/6.
Về học phí, chương trình đại trà phải tuân thủ quy định về trần học phí của Chính phủ (hiện khoảng 9,8-14,3 triệu đồng một năm). Còn với chương trình chất lượng cao, các trường có thể tự quyết định học phí.
Thực tế, theo Thông tư 23, hàng loạt đại học đã mở chương trình đào tạo chất lượng cao. Các chương trình này thường thu học phí gấp 2-3 lần hệ đại trà, có trường lên tới 100 triệu đồng một năm. Sĩ số sinh viên một lớp khoảng 30, so với 50-100 ở hệ thường. Tuy nhiên, nghịch lý là những chương trình chất lượng cao lại thường lấy điểm chuẩn đầu vào thấp hơn hệ đại trà.
Dù đến tháng 12 việc bãi bỏ chương trình chất lượng cao mới có hiệu lực, nhiều trường năm nay đã chủ động loại bỏ chương trình chất lượng cao khỏi đề án tuyển sinh hoặc thay bằng một tên gọi khác. Ví dụ, trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội không còn tuyển sinh chương trình Răng – Hàm – Mặt chất lượng cao. Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP HCM bỏ tên chương trình chất lượng cao ở các ngành mà chuyển thành các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh.