Thị trường xe điện sôi động nhưng các thương hiệu xe nước ngoài như BYD, Geely, Wuling… không đầu tư hạ tầng trạm sạc, người dùng phải loay hoay không biết sạc ở đâu.
Sau bài viết “Xe điện Trung Quốc ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam”, nhiều bạn đọc bày tỏ lý do ngần ngại mua xe điện chủ yếu là bất tiện khi sạc.
Trong khi đó, những dòng xe điện này được quảng cáo rầm rộ với ưu điểm về công nghệ, giá cả hợp lý và khả năng tiết kiệm nhiên liệu.
Bán xe không đầu tư trạm sạc là không cam kết đầu tư lâu dài?
Một bạn đọc có tài khoản Cam Duyen thẳng thắn chia sẻ: “Không có trạm sạc thì việc tiết kiệm chi phí xăng dầu cũng không có ý nghĩa gì cả”. Đó là lý do khiến người dùng cân nhắc khi chọn mua xe điện của một số hãng không đầu tư trạm sạc tại Việt Nam.
Theo nhiều ý kiến bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ Online, nếu không có hệ thống trạm sạc đủ rộng và hiệu quả, người dùng sẽ gặp khó khăn lớn khi muốn sử dụng loại xe này.
Việc sạc điện tại nhà cũng không phải là giải pháp khả thi cho đa số người dùng tại Việt Nam, đặc biệt là người sống trong căn hộ chung cư hoặc khu đô thị với không gian hạn chế.
Vẫn có giải pháp, trong đó có hãng xe Trung Quốc khi vào Việt Nam đề xuất giải pháp sạc tại nhà hoặc đơn vị phát triển trạm sạc khác.
Dù vậy, theo bạn đọc, điều này chỉ phù hợp với một nhóm nhỏ người dùng vì phần lớn người dùng ở thành phố, dân cư đông đúc, ở chung cư, ngõ hẻm… thì khó đầu tư trạm sạc tại nhà.
Duy Hung, một bạn đọc khác cho rằng bán xe điện mà không làm trạm sạc, chỉ quảng cáo sạc tại nhà. “Xin hỏi có bao nhiêu người thực sự có điều kiện sạc tại nhà?”.
Thực tế là việc tự lắp đặt thiết bị sạc không chỉ đòi hỏi không gian mà còn cả chi phí. Không phải người dùng nào cũng có khả năng tài chính và điều kiện để tự đầu tư trạm sạc riêng, đặc biệt khi nhiều người sử dụng ô tô điện lần đầu và chưa muốn bỏ ra thêm chi phí cho cơ sở hạ tầng phụ trợ.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng việc các hãng xe không đầu tư trạm sạc là dấu hiệu cho thấy họ không cam kết lâu dài tại thị trường Việt Nam.
Bạn đọc tài khoản El Matador bày tỏ sự nghi ngại một thương hiệu chỉ chú trọng bán hàng mà không quan tâm đến việc tạo dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ là không đáng tin cậy.
Đó là lý do vì sao không ít người tiêu dùng Việt vẫn còn do dự khi chọn mua xe điện thương hiệu nước ngoài.
Chọn giá rẻ, chấp nhận rủi ro?
Nhìn sang các thị trường phát triển như châu Âu và Mỹ, nơi mà hệ thống trạm sạc được xây dựng đồng bộ và rộng khắp, người tiêu dùng có thể dễ dàng sử dụng xe điện mà không lo lắng về việc tìm nơi sạc.
Chính sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng trạm sạc là một trong những lý do giúp xe điện trở nên phổ biến và trở thành xu hướng tiêu dùng xanh ở những nước này.
Tại Việt Nam, hạ tầng trạm sạc còn chưa đồng bộ, ngoại trừ VinFast đang đầu tư mạnh phủ khắp Việt Nam.
Tuy nhiên, khách mua xe điện hãng khác ngoài VinFast sẽ không sạc được tại trạm sạc của hãng xe này đang đầu tư. Do đó, khách chọn mua xe điện Trung Quốc hay một số hãng khác đang phải đối mặt về chuyện sạc điện.
Bạn đọc Hậu Hòa cho rằng dựa vào doanh số bán hàng thực tế sẽ biết loại xe đó bán được hay không. Số lượng xe bán khó, nhà phân phối cũng lỗ “chổng vó”.
Các hãng xe Trung Quốc nếu muốn trụ lại lâu dài tại thị trường Việt Nam cần phải tính đến việc xây dựng và phát triển hệ thống trạm sạc tiện lợi, đủ rộng để đáp ứng nhu cầu người dùng.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu không sớm đầu tư vào trạm sạc, làn sóng xe điện Trung Quốc có thể sẽ nhanh chóng suy giảm, giống như nhiều thương hiệu từng thất bại trước đây trên thị trường Việt Nam.
Không trạm sạc, không có nhiều trạm bảo hành, chất lượng cũng yếu hơn, tiện nghi và độ bền cũng kém hơn thì làm sao chọn lựa được.
Nếu chọn giá rẻ thì chấp nhận những rủi ro mang lại, thậm chí bán lại cũng khó tìm được người mua.
Bạn đọc tài khoản Dân Trí
Nguồn: https://tuoitre.vn/xe-dien-trung-quoc-gia-re-nhung-ban-doc-hoi-tram-sac-dau-20241114171337373.htm