Kỳ họp thứ năm của Quốc hội diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Tác động kép do hậu quả của các chính sách hậu đại dịch Covid-19 cùng với xung đột giữa các nước càng làm chồng chất thêm nhiều bất ổn trên nền tảng kinh tế vốn dĩ đã trở nên yếu ớt và nhạy cảm, khiến hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới lâm vào tình trạng tăng trưởng đạt mức rất thấp trong khi lạm phát tăng vọt. Với độ mở ở mức rất cao, nền kinh tế nước ta cũng phải chịu những tác động không tránh khỏi từ khó khăn chung của thị trường quốc tế. Một số tồn tại, hạn chế cố hữu nội tại của nước ta nay mới phát tác mạnh, điều đó dẫn tới tăng trưởng kinh tế trong những tháng đầu năm nay dẫu cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới nhưng vẫn là mức tăng thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Sau 23 ngày làm việc, kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên bế mạc vào chiều 24-6. Ảnh: VGP |
Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nhận lãnh trách nhiệm kiến tạo cho sự phát triển của đất nước trên các mặt công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội khóa XV bước vào Kỳ họp thứ năm với tâm thế đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị tìm mọi giải pháp đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, hướng tới sự phát triển bền vững và từng bước hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường theo những mốc thời gian cụ thể mà Đảng ta đã nêu rõ tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.
Nhìn vào khối lượng công việc khổng lồ mà Quốc hội đã hoàn thành tại Kỳ họp thứ năm trong thời gian chỉ có 4 tuần làm việc (trong đó có 3 tuần làm việc cả thứ bảy), chúng ta thấy được năng suất và hiệu quả giải quyết công việc của Quốc hội đã nâng lên rất nhiều. Điều đó cho thấy, Quốc hội đang quyết tâm thực hiện nêu gương trong đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, qua đó nâng cao năng suất lao động.
Trong công tác lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đã thông qua 11 luật và nghị quyết có tính chất như luật với tỷ lệ đồng thuận rất cao. Đó là kết quả từ việc nhất quán thực hiện chủ trương chuẩn bị kỹ lưỡng qua nhiều vòng, nhiều lớp. Trong đó, Luật Phòng thủ dân sự được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao, đạt 94,94% tổng số đại biểu Quốc hội và đạt 98,74% số đại biểu tham gia biểu quyết. Một loạt luật, nghị quyết liên quan tới lĩnh vực kinh tế, thương mại, đấu thầu, chính sách phát triển đặc thù và quyết sách cho các dự án quan trọng đã được Quốc hội thông qua với sự đồng thuận cao thực sự là những kiến tạo quan trọng về thể chế, giúp chúng ta khơi thông các điểm nghẽn, tận dụng tối đa cơ hội và thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh thị trường thế giới được dự báo sẽ còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Công tác giám sát tối cao có điểm nhấn là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trên 4 lĩnh vực: Lao động, thương binh và xã hội; khoa học và công nghệ; giao thông vận tải; dân tộc. Những kỷ lục về số lượt đại biểu đăng ký chất vấn với mỗi bộ trưởng liên tục được lập mới cho thấy việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn đã rất sát thực tiễn cuộc sống, đáp ứng đúng nguyện vọng của cử tri, nhân dân và phản ánh đúng sự quan tâm của đại biểu Quốc hội. Cùng với nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp sẽ trở thành động lực to lớn thúc đẩy Chính phủ, các bộ, ngành và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc tích cực để thực thi, đưa chính sách, pháp luật vào thực tiễn cuộc sống trên tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã thành công. Còn thành công có tốt đẹp hay không phụ thuộc vào việc thực hiện. Nói rộng ra, Kỳ họp thứ năm của Quốc hội thành công tốt đẹp đến nhường nào còn phụ thuộc rất lớn vào khâu triển khai thực hiện.
Sau kỳ họp của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị cần tích cực vào cuộc để ngay lập tức triển khai thực thi các chính sách đã có hiệu lực, chuẩn bị tốt nhất để triển khai những chính sách khác ngay khi có hiệu lực thi hành, tránh để “độ trễ” chính sách kéo dài quá lâu, làm lỡ cơ hội tốt nhất cho sự phát triển của đất nước nói chung, của từng người dân, từng doanh nghiệp nói riêng.
Với cơ sở pháp lý quan trọng là Luật Phòng thủ dân sự đã được Quốc hội thông qua, toàn quân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, sẽ tích cực triển khai, chủ trì và phối hợp với các cơ quan hữu quan triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ, qua đó giảm thiểu thiệt hại cho đất nước, người dân, doanh nghiệp trong các trường hợp rủi ro, xảy ra sự cố, thảm họa; đồng thời tích cực triển khai các quyết sách của Quốc hội với tinh thần của người chiến sĩ xung kích trên mọi mặt trận, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng.
Với tinh thần đó, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, đất nước ta sẽ sớm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục vững bước đi lên, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm nay cũng như cả nhiệm kỳ.
QĐND