World Bank dự báo GDP thế giới năm nay có thể tăng 2,4%, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Báo cáo mới nhất của World Bank vừa đưa ra dự báo GDP toàn cầu năm 2024 có thể tăng 2,4%. Mức tăng trưởng này sẽ là kết quả kém nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2009, nếu loại trừ suy giảm do đại dịch vào năm 2020.
Mỹ được dự báo tăng trưởng 1,6% năm nay, sau khi đạt 2,5% hồi 2023. Nền kinh tế lớn nhất thế giới chậm lại do chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn còn gây tác động, trong khi tiết kiệm của hộ gia đình giảm.
Khu vực đồng euro ảm đạm hơn, với tăng trưởng năm nay được dự báo 0,7%, sau khi giá năng lượng cao dẫn đến mức tăng trưởng chỉ 0,4% vào 2023. Các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn triển vọng của khu vực này kém hơn dự báo World Bank đưa ra giữa năm ngoái.
Tăng trưởng của Trung Quốc cũng có thể giảm tốc còn 4,5% vào năm 2024, đánh dấu mức chậm nhất hơn ba thập kỷ, trừ những năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối diện với chi tiêu tiêu dùng yếu và bất động sản tiếp tục bất ổn. Ngoài ra, các vấn đề dài hạn như dân số già đi và nợ nần tăng làm hạn chế đầu tư.
Nhóm thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển được dự báo tăng trưởng 3,9% trong 2024, giảm từ mức 4% vào 2023. World Bank cho rằng cách để thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển là đẩy nhanh đầu tư hàng năm khoảng 2.400 tỷ USD để chuyển đổi sang năng lượng sạch và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Indermit Gill, Kinh tế trưởng World Bank đánh giá tăng trưởng toàn cầu trong ngắn hạn sẽ vẫn yếu. Điều này khiến nhiều nước đang phát triển – đặc biệt là những nước nghèo nhất – mắc kẹt trong bẫy nợ. Đến cuối 2024, dự kiến người dân ở khoảng 25% các nước đang phát triển và 40% quốc gia thu nhập thấp sẽ nghèo hơn năm 2019, tức trước đại dịch.
Năm 2025, tăng trưởng toàn cầu dự kiến cải thiện lên mức 2,7%. Tuy nhiên, con số này cũng đã giảm so với mức 3% từng được đưa ra vào tháng 6/2023, do sự chậm lại của các nền kinh tế phát triển.
Nhìn chung, World Bank cho rằng kỳ vọng năm 2030 chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực hầu như ngoài tầm với, khi hoạt động kinh tế bị cản trở bởi các xung đột địa chính trị.
“Nếu không có điều chỉnh lớn nào, những năm 2020 sẽ được ghi nhận là thập kỷ của những cơ hội bị lãng phí”, Indermit Gill bình luận.
Phiên An (theo Reuters)