Trước hết phải nói, ngay từ cái tên đến poster và âm nhạc liveshow của Vũ Thắng Lợi đều mang khán giả trở về với những miền ký ức xa xăm. Ở đó có chùm khế ngọt trèo hái mỗi ngày, có dòng sông tuổi thơ những “trưa hè vục mát”, có “khung cửa sổ hai nhà cuối phố”, có “rừng chiều nghe lao xao tiếng lá non gọi gió”, có câu Ví Giặm ân tình của người xứ Nghệ…
Đặc biệt, sông Lam – biểu tượng của xứ Nghệ, quê hương của Vũ Thắng Lợi cũng trở thành dòng sông chuyên chở cảm xúc xuyên suốt chương trình. Có tới 9 trên tổng số 22 ca khúc trong chương trình gắn với tựa đề dòng sông hoặc có hình ảnh dòng sông quê hương.
Ở phần đầu, khi dẫn dắt chương trình, MC Lê Anh cũng phải thốt lên, chưa có liveshow âm nhạc nào mà khán giả được thưởng thức nhiều bài hát mà dòng sông như “Quê hương” của Vũ Thắng Lợi. Từ giọng ca chính đến những ca sĩ khách mời Anh Thơ, Bùi Lê Mận, Nguyên Hà đều hát bài gắn với dòng sông trải từ Bắc chí Nam: “Khúc hát sông quê”, “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em”, “Hồn sông”, “Tìm em câu ví sông Lam”, “Neo đậu bến quê”, “Anh ở đầu sông em cuối sông”, “Huế thương”, “Tình đất đỏ miền Đông”, “Lên ngàn”… Đây cũng là niềm cảm hứng bất tận để Giám đốc âm nhạc Hồng Kiên và tổng đạo diễn Cao Trung Hiếu thỏa sức sáng tạo trên dòng sông âm nhạc, nghệ thuật.
Chọn 22 ca khúc, trùng với ngày 22/12 là ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam để hát, Vũ Thắng Lợi đã lan tỏa thành công hình tượng “người lính hát”. Càng ý nghĩa hơn khi đây cũng là món quà anh dành tặng quê hương xứ Nghệ và đồng đội của mình. Bởi lẽ đó mà trong 3 phần của liveshow, Vũ Thắng Lợi có lúc nhẹ nhàng, nồng ấm, tự tình… nhưng cũng có lúc mạnh mẽ, cuộn trào, thét lửa… Tất cả vẽ nên một chân dung âm nhạc Vũ Thắng Lợi đa sắc, đa cảm và tinh tế.
Mở đầu chương trình, Vũ Thắng Lợi hát một lúc 4 bài “Quê hương”, “Điều không thể mất”, “Rừng chiều”, “Hương thầm”… phía sau một tấm rèm lụa, trên nền rèm lụa là hiệu ứng visual, tạo cảm giác như thực, như mơ. Cách làm này khiến khán giả vừa cảm thấy lạ mắt, vừa cảm thấy mênh mang trong cõi nhớ. Cách hát mộc mạc, tự tình… của Vũ Thắng Lợi càng kéo người xem về gần hơn với những ký ức của mình.
Và không gian âm nhạc đa chiều, trải dọc dài từ miền Bắc, qua miền Trung tới Nam Bộ. Vũ Thắng Lợi hát về cha – một người lính đã hun đúc nên tinh thần chiến sĩ và truyền tình yêu quê hương cho con với ca khúc “Đôi chân trần” của tác giả Y Phôn Ksor đầy sự lãng mạn và sử thi. Ở một không gian âm nhạc khác, Vũ Thắng Lợi hát mộc “Tìm em câu ví sông Lam” cùng tiếng đàn guitar khiến người nghe dâng trào cảm xúc…
Trong 22 ca khúc, có 2 tác phẩm mới được Vũ Thắng Lợi thể hiện với bản phối mới của nhạc sĩ Hồng Kiên là “Hồn sông” của nhạc sĩ Lê An Tuyên và “Ai cũng có ngày xưa” của nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh. Vũ Thắng Lợi tâm sự, ở giai đoạn âm nhạc, anh luôn mong muốn đưa những tác phẩm mới, tác giả mới để cổ vũ họ chung nhiệt huyết cống hiến và phát triển nghệ thuật, làm giàu cho kho tàng âm nhạc Việt Nam, nhất là nữ nhạc sĩ cũng là một người con xứ Nghệ.
Ở phần 3 của liveshow, Vũ Thắng Lợi – người lính hát đã đưa khán giả vào không gian âm nhạc cách mạng đầy hào hùng – điều mà bất cứ khán giả mê tiếng hát của Vũ Thắng Lợi nào cũng mong chờ. Vũ Thắng Lợi khi ngọt ngào, thiết tha, tự tình trong “Lòng mẹ”, lúc hào sảng hiên ngang trong “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”.
Có một điều thú vị là trên sân khấu “Quê hương”, Anh Thơ bước lên hát mà run tới mức quên lời. Cô phải vội vàng xin lỗi khán giả ngay khi vừa hát xong “Khúc hát sông quê” và thú nhận “bối rối” như liveshow của chính mình. Ca sĩ Anh Thơ cũng tâm sự rằng, ký ức ấu thơ của cô cũng gắn với dòng sông quê hương là một nhánh của sông Mã . Trên con sông này, những trưa hè nắng chói, cô cùng bạn bè dắt trâu đầm mình dưới sông tắm mát.
Hai nữ ca sĩ dòng nhạc dân gian trải qua những phút bối rối trên sân khấu “Quê hương”. Ảnh: Hải Bá
Vũ Thắng Lợi song ca cùng Bùi Lê Mận và Anh Thơ. Ảnh: Hải Bá.
Vũ Thắng Lợi tiết lộ từng góp gạo thổi cơm chung với Bùi Lê Mận
Riêng Bùi Lê Mận, sau khi song ca với Vũ Thắng Lợi “Anh ở đầu sông, em cuối sông” đã bối rối tới mức không biết chia sẻ gì về người anh khi được nhân vật chính gợi ý nói đôi lời. Vũ Thắng Lợi kể rằng, anh với Bùi Lê Mận không chỉ cùng quê mà còn học chung với nhau từ Trung cấp, lên Cao đẳng rồi Đại học ở Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Thời sinh viên, cả hai chung khu trọ và từng góp gạo thổi cơm chung theo đúng nghĩa đen. Quá hiểu nhau nên chỉ cần lên sân khấu là tiếng hát đồng điệu như đã tập nhuần nhuyễn.
Một ẩn số thú vị trong liveshow “Quê hương” của Vũ Thắng Lợi chính là ca sĩ Nguyên Hà. Đây cũng là giọng ca khiến cả ê-kíp sản xuất cũng như khán giả có chút “e ngại”, bởi nhắc đến giọng ca sĩ Anh Thơ hay Bùi Lê Mận sẽ dễ hiểu bởi sự hòa điệu với con đường âm nhạc của Vũ Thắng Lợi, nhưng Nguyên Hà thì khác. Và trên sân khấu “Quê hương” của ca sĩ dòng nhạc đỏ Vũ Thắng Lợi, Nguyên Hà – giọng ca hát nhạc trẻ lần đầu tiên đã hát “Lên ngàn” và “Thành phố trẻ”.
Chọn “Quê hương anh bộ đội” để khép lại chương trình, Vũ Thắng Lợi thể hiện khát khao cống hiến và mong mỏi góp sức nhỏ bé của mình cho nền nghệ thuật cách mạng Việt Nam.
“Làm nghệ thuật và nhất là khi mình được vinh dự được công chúng gọi với danh xưng nghệ sĩ, nếu không đặt cho mình những áp lực, những trăn trở sáng tạo, đổi mới thì mình sẽ mãi mãi dậm chân tại chỗ, thậm chí là thụt lùi trong sự phát triển rất nhanh chóng của nghệ thuật giải trí đang ngày một choán hết không gian và thời gian. Bởi vì thế mà mỗi năm tôi luôn cố gắng để có thể đưa đến khán giả những sản phẩm âm nhạc có giá trị, tôn vinh âm nhạc, nghệ thuật của Việt Nam”, nam ca sĩ bày tỏ.
Nguồn: https://danviet.vn/vu-thang-loi-khien-anh-tho-bui-le-man-nguong-ngung-2023122310125401.htm