Tại làng bún Vân Cù nổi tiếng xứ Huế, hiện có hơn 100 hộ làm bún trên với hơn 300 lao động thường xuyên. Mỗi ngày làng sản xuất từ 25-28 tấn bún, nhiều hộ có thu nhập đến 30 triệu đồng/tháng nhờ nghề làm bún.
Ngày 19/2, thị xã Hương Trà (thành phố Huế) tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm bún Vân Cù. Chương trình được tổ chức long trọng tại miếu Bà Bún, thuộc thôn Vân Cù - Nam Thanh, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà.

Thị xã Hương Trà (thành phố Huế) tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm bún Vân Cù. Ảnh: Hoàng Lê.
Chương trình đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm bún Vân Cù diễn ra với nhiều hoạt động quảng diễn cộng đồng thú vị, thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Đặc biệt, tại chương trình đã diễn ra quảng diễn tái hiện nghề làm bún truyền thống của người dân làng Vân Cù, quảng diễn ký ức gánh bún ngày xưa trên cánh đồng. Đây là một trong những nét truyền thống của nghề làm bún Vân Cù, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh du lịch cộng đồng đến du khách và người dân.
Dịp này nhiều hoạt động đồng hành được tổ chức, như: Lễ tế Bà Bún, Lễ hội ẩm thực di sản bún Việt - Làng bún Vân Cù, chương trình văn nghệ Tự hào di sản làng bún Vân Cù, hành trình khám phá di sản làng bún Vân Cù và hoạt động trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương.
Vân Cù là một làng nghề thủ công truyền thống làm bún có lịch sử hơn 400 năm. Đây là địa phương duy nhất ở miền Trung tổ chức lễ tế vị tổ nghề là Bà Bún vào ngày 22 tháng Giêng âm lịch hằng năm.

Chương trình văn nghệ Tự hào di sản làng bún Vân Cù. Ảnh: Hoàng Lê.
Với việc duy trì cùng những đóng góp quan trọng vào sự phát triển nghề và làng thủ công nghề truyền thống, năm 2014, làng nghề bún Vân Cù được công nhận là làng nghề truyền thống của thành phố Huế.
Sở dĩ bún Vân Cù nổi tiếng là do trong quá trình sản xuất, người làm bún không dùng bất cứ chất phụ gia nào trừ muối sống để ngâm, vo gạo, nuôi bột nhằm làm sạch các tạp chất, khử khuẩn, khử chua. Đây cũng là lí do bún Vân Cù chỉ để được trong môi trường tự nhiên trong 24 giờ, nhưng cũng chính là lợi thế được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn.
Trong đó, bún con – thành phẩm của mẻ nước đầu tiên khi luộc bún được khách hàng đánh giá cao nhất. Dù là bún con hay bún rời, đặc trưng của bún Vân Cù là sợi mịn, có màu trắng trong, bề mặt bóng, khi ăn không chua mà thơm mùi bột, không bở mà cũng không quá dai.

Nhiều hoạt động quảng diễn cộng đồng thú vị tại Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm bún Vân Cù thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: T.Tr.
Ở làng bún Vân Cù, các bậc cao niên, nghệ nhân, thợ làm bún lành nghề luôn sẵn lòng chia sẻ kỹ thuật, quy trình, kinh nghiệm làm bún cho mọi người đến học nghề. Chính điều này đã giúp nghề bún Vân Cù tỏa đi khắp các tỉnh, thành, như: Quảng Trị, Đà Nẵng, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh...
Hiện mỗi ngày làng Vân Cù sản xuất từ 25-28 tấn bún, trung bình mỗi hộ sản xuất và bán 2 tạ bún/ngày, hộ nhiều nhất lên đến 6-7 tạ/ngày. Những dịp lễ tết, sản lượng bún sản xuất tại làng có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3, 4 lần.
Bà Đặng Thị Hương- Chủ tịch UBND xã Hương Toàn cho biết: "Làng Vân Cù hiện có hơn 100 hộ làm bún trên với hơn 300 lao động thường xuyên và một bộ phận đáng kể tham gia vào các dịch vụ cung cấp nguyên vật liệu, tiêu thụ sản phẩm. Nếu như trước đây được coi là nghề phụ thì nay nghề làm bún trở thành nghề chính, có nhiều hộ thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng/tháng. Kinh tế địa phương được thúc đẩy đi lên từ việc nghề bún phát triển và tác động tích cực đến nhiều ngành nghề khác như xay xát, buôn bán, chăn nuôi gia súc, vận chuyển…

Quảng diễn ký ức gánh bún ngày xưa trên cánh đồng của người dân làng bún Vân Cù. Ảnh: Hoàng Lê.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công làm bún làng Vân Cù, thị xã Hương Trà đang đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ, chú trọng cả về khía cạnh bảo tồn di sản văn hóa và phát triển sản xuất để đảm bảo mục tiêu phát triển nghề làm bún bền vững.
Hiện thị xã Hương Trà và các sở ngành liên quan đang phối hợp tiến hành khảo sát, nghiên cứu đưa điểm làng nghề Vân Cù vào tour, tuyến tham quan trọng điểm theo mô hình du lịch tham quan và trải nghiệm làng nghề thủ công truyền thống.
Nguồn: https://danviet.vn/ngoi-lang-o-hue-moi-ngay-san-xuat-hang-chuc-tan-bun-nhieu-ho-thu-nhap-30-trieu-thang-20250219123018333.htm
Bình luận (0)